* Gần nơi tôi ở có ca bệnh đậu mùa khỉ. Thưa bác sĩ, có phải ai tiếp xúc với bệnh nhân cũng bị lây hay sao? Bệnh này có biến chứng nguy hiểm gì không ạ?
(Bạn đọc gọi từ số 087xxxx46)
Trả lời:
Chào bạn!
- Bệnh đậu mùa khỉ do virus Orthopox có nguồn từ động vật gây ra gần giống với bệnh đậu mùa. Lần đầu được mô tả trong phòng xét nghiệm ở những con khỉ được bắt ngoài tự nhiên; lần đầu trở thành bệnh trên người vào năm 1970 tại Congo.
Đến ngày 9-10-2023, thế giới ghi nhận 90.618 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 115 nước trên thế giới, trong đó có 157 trường hợp tử vong. Còn Việt Nam ghi nhận 16 trường hợp mắc, trong đó năm 2022, ghi nhận 2 trường hợp bệnh xâm nhập. Cho đến thời điểm hiện tại (ngày 14-10-2023), Đồng Nai ghi nhận 2 trường hợp mắc (1 ở H.Xuân Lộc, 1 ở TP.Biên Hòa).
- Trước đây, bệnh chủ yếu lây truyền từ động vật sang người do giết, ăn thịt và sử dụng da của động vật nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp động vật bị nhiễm bệnh.
- Nhưng ngày nay bệnh chủ yếu lây từ người sang người:
+ Tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc cơ thể trực tiếp (ví dụ trực diện (face-to-face), da kề da (skin-to-skin), miệng-miệng (mouth-to-mouth), miệng-da (mouth-to- skin) kể cả khi quan hệ tình dục nếu da/niêm mạc bị tổn thương.
+ Giọt bắn lớn khi tiếp xúc trực tiếp, mặt đối mặt và kéo dài.
+Lây từ mẹ sang con qua nhau thai hoặc tiếp xúc gần trong chu sinh.
+ Chưa có bằng chứng khẳng định lây truyền từ người bệnh không triệu chứng.
+ Vật liệu di truyền tìm thấy trong tinh dịch và dịch âm đạo nhưng chưa có bằng chứng về việc lây truyền qua hai loại dịch trên.
- Lây truyền từ môi trường sang người (formite): nguy cơ thấp
+ Tiếp xúc vật dụng nhiễm virus như: chăn, gối, áo quần…
+ Virus tồn tại trên các bề mặt từ 1-56 ngày tùy thuộc nhiệt độ, độ ẩm.
Như vậy trong trường hợp của bạn, tùy theo trường hợp tiếp xúc như đã nói trên thì nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hay thấp, nếu chỉ giao tiếp thông thường thì khả năng lây nhiễm là thấp.
- Bệnh có thời gian ủ bệnh từ 5-21 ngày, khởi phát và kéo dài từ 2-4 tuần với các triệu chứng: sốt, nổi hạch, và đặc trưng là phát ban da.
Các biến chứng của bệnh: nhiễm trùng da, viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng huyết có thể gây tử vong.
Tỷ lệ tử vong từ 0-11% ở các bệnh nhân chưa tiêm vaccine.
Những đối tượng nguy cơ cao diễn tiến nặng: trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người suy giảm miễn dịch.
BS Đoàn Quốc Duy,
Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin