Báo Đồng Nai điện tử
En

Bác sĩ trả lời: Trẻ ho về đêm, uống thuốc nhưng không bớt là bệnh gì?

BS-CKII Trịnh Thu Dung
11:12, 13/10/2023
 

Bé trai nhà tôi được 2 tuổi rưỡi. 3 ngày trước, bé bị sốt, ho. Tôi đưa cháu đi khám thì bác sĩ kết luận bị viêm họng và kê thuốc uống. Nhưng uống thuốc đã 2 ngày mà cháu vẫn chưa khỏi, mặc dù đã hết sốt. Giờ cháu hay bị ho về đêm, ban ngày thỉnh thoảng cũng ho, tiếng ho nặng, có đờm. Xin bác sĩ tư vấn cho tôi cách điều trị?

(Chị Thùy Dương, ngụ tại thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú)

Trả lời:

Trẻ ho về đêm, ho lại có đàm có rất nhiều nguyên nhân, ngoài nguyên nhân bệnh lý thì cũng có những tác nhân bên ngoài cơ thể. Mẹ có thể quan sát kỹ hơn theo hướng dẫn sau nhé.

Với những tác nhân bên ngoài như:

+ Nhiệt độ phòng ngủ hạ thấp và không khí khô khiến cổ họng trẻ bị kích thích gây ho.

+ Phòng ngủ chứa đầy khói, bụi, tóc, lông thú cưng… khi bám dính lên các vật dụng như chăn, ga, gối… Dẫn đến nguy cơ cao trẻ hít phải khi ngủ.

+ Trẻ ngủ sai tư thế với đầu kê thấp cũng có thể là lý do dẫn đến các cơn ho ban đêm.

Với các bệnh lý trong cơ thể:

+ Viêm họng là một trong những bệnh lý phổ biến ở trẻ với các triệu chứng như ho nhiều về đêm.

+Viêm xoang, viêm mũi xoang: lớp niêm mạc lót bên trong đường hô hấp bị viêm nhiễm và tăng tiết dịch nhầy rồi chảy xuống cổ họng mỗi khi nằm gây ra hiện tượng ho về ban đêm.

+ Viêm phổi, viêm phế quản phổi: trẻ thường ho đàm, ho đêm nhiều có thể kèm sốt, khó thở, đau ngực…

+ Hen phế quản: nếu trẻ ho về ban đêm đi kèm triệu chứng tức ngực, khó thở, khò khè, khó chịu…

+ Trào ngược dạ dày thực quản cũng gây ho nhiều vào ban đêm khi ngủ.

Cách xử trí khi trẻ ho vào ban đêm

- Giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu, cổ, ngực, tai, lòng bàn chân, lòng bàn tay mỗi khi ngủ.

- Không cho trẻ ăn tối quá no hoặc sát giờ đi ngủ để tránh tình trạng thức ăn không tiêu hóa kịp, ứ đọng dịch axit dạ dày và trào ngược lên thực quản gây ho nhiều khi bé nằm.

- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý 0,9% cho trẻ trước khi đi ngủ.

- Uống nước ấm trước khi ngủ và sau khi thức dậy, có thể pha thêm 1-2 thìa mật ong để tăng sức đề kháng, làm dịu phổi.

- Tư thế trẻ ngủ: nằm ngửa, thẳng người, đầu gối cao khoảng 15-20cm giúp lưu thông đường thở và giảm dịch nhầy chảy xuống cổ họng.

- Tạo không gian ngủ ấm, thoáng và có độ ẩm thích hợp, sạch sẽ, thường xuyên lau chùi các vật dụng và vệ sinh chăn, ga, gối.

- Tránh đến những nơi ô nhiễm khói bụi, phấn hoa, khói thuốc lá… Hạn chế đến những nơi đông người, mang khẩu trang khi ra ngoài.

- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách tăng cường dinh dưỡng và chích ngừa đầy đủ theo tuổi cho trẻ đặc biệt là cúm và phế cầu.

Thời điểm cho trẻ đi khám bác sĩ

Khi đã áp dụng tất cả các biện pháp cải thiện nêu trên nhưng không mang lại hiệu quả làm thuyên giảm tình trạng ho về đêm. Trẻ ho nhiều kèm các biểu hiện như sốt, khó chịu, hay khóc, mất ngủ, không tập trung, mệt mỏi, sưng hạch, vã mồ hôi, dịch đờm nhiều, có máu, co giật…

Ngoài ra, triệu chứng ho về ban đêm kéo dài trên 1 tuần. Trẻ chán ăn, khó bú, khó nuốt và ho nhiều về đêm hoặc sau khi vận động, vui chơi.

Có nhiều phụ huynh vì quá lo lắng cho sức khoẻ của bé mà tự ý mua thuốc trị ho hay kháng viêm corticoide với hy vọng mau chóng cắt đứt tình trạng ho đêm, ho đàm, có thể khiến cho tình trạng ho nặng hơn và có thể kèm theo nhiều tác dụng phụ không mong muốn.

Vì thế điều quan trọng nhất là đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa nhi để các bác sĩ khám và tìm ra nguyên nhân gây ho để đưa ra biện pháp khắc phục hiệu quả nhất.

Chúc bé mau khỏe!

BS-CKII Trịnh Thu Dung,

Trưởng khoa Nhi - nhi sơ sinh, Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai

 

 

Tin xem nhiều