Tôi năm nay 36 tuổi, bị trào ngược dạ dày thực quản 5 năm rồi, dù uống thuốc vẫn không khỏi. Liệu tôi có nguy cơ bị ung thư thực quản không bác sĩ? Có cách nào để biết mình có bị ung thư không bác sĩ ạ?
(Anh Phạm Thế, ngụ thị trấn Long Giao, huyện Cẩm Mỹ)
Bác sĩ trả lời:
Trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh lý tiêu hóa khá phổ biến, có thể gây ra nhiều biến chứng, thậm chí là ung thư thực quản. Trào ngược dạ dày thực quản cần được điều trị bằng cách thay đổi lối sống, uống thuốc và phẫu thuật nếu cần thiết.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (gastroesophageal reflux disease - GERD) là tình trạng trào ngược axit xảy ra thường xuyên. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản khá phổ biến, xảy ra ở 10-20% người lớn. Bệnh cũng có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ em.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tuyến - một trong 2 loại ung thư thực quản chính.
Trào ngược dạ dày thực quản mạn tính có thể dẫn đến tình trạng Barrett thực quản. Đây là tình trạng các tế bào phần dưới của thực quản bị ảnh hưởng, được thay thế bằng các tế bào bất thường. Các tế bào này không phải ung thư nhưng chúng có thể phát triển thành tế bào tiền ung thư.
Những người bị cả trào ngược dạ dày thực quản và Barrett thực quản sẽ có nhiều khả năng bị ung thư thực quản hơn những người chỉ bị trào ngược dạ dày thực quản.
Để biết mình bị ung thư thực quản hay không, bạn nên đi khám, tầm soát ung thư thực quản để phát hiện bệnh sớm, giải quyết kịp thời. Thông thường các bác sĩ sẽ cho nội soi thực quản, một số xét nghiệm về chỉ số khối u…để phát hiện bệnh sớm.
Thân ái!
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trần Trung Kiên,
Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện đại học Y dược Shing Mark
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin