Mẹ em năm nay 59 tuổi, bị ung thư trực tràng giai đoạn 3, đã di căn hạch bạch huyết, vừa mới mổ cắt u nối trực tràng. Hôm nay mẹ em ra viện, bác sĩ bảo về bồi dưỡng sức khỏe rồi chuyển sang điều trị hóa chất. Bác sĩ cho em hỏi điều trị hóa chất có thể chữa khỏi ung thư của mẹ không? Mẹ em cần chuẩn bị gì trước khi điều trị hóa chất không?
(Chị Hải Anh, 26 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa)
Bác sĩ trả lời:
Chào chị!
Về ung thư đại trực tràng nói chung và trực tràng nói riêng đang là một trong những bệnh ung thư phổ biến và nguy hiểm nhất hiện nay.
Đối với ung thư trực tràng giai đoạn 3 là giai đoạn ung thư trực tràng đã lan sang các hạch bạch huyết gần đó nhưng chưa di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể. Trong đó, sẽ phân chia thành các giai đoạn 3A, 3B, 3C tương ứng với mức độ xâm lấn và di căn đến số lượng hạch bạch huyết khác nhau. Vì vậy, tiên lượng khả năng điều trị và nguy cơ tái phát sau điều trị cũng khác nhau.
Điều trị ung thư trực tràng giai đoạn 3 nói riêng và ung thư trực tràng nói chung chủ yếu dựa trên 3 phương pháp là hóa trị, xạ trị và phẫu thuật. Quá trình điều trị thường phối hợp giữa các phương pháp trên để đạt kết quả tốt nhất.
Trường hợp ung thư trực tràng giai đoạn 3 điều trị bằng phương pháp phẫu thuật kết hợp với điều trị hóa trị. Hóa trị lúc này được gọi là hóa trị bổ trợ, được sử dụng với mục đích hỗ trợ tiêu diệt tối đa các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật và ngăn ngừa bệnh tái phát. Tuy nhiên, việc điều trị hóa trị có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống bệnh nhân. Một số tác dụng phụ thường thấy ở hóa trị là rụng tóc, lở miệng, ăn không ngon, da trở nên nhạy cảm, sức khỏe suy giảm, nhiễm trùng.
Vậy bệnh nhân cần chuẩn bị trước khi điều trị hóa trị:
- Đối với bệnh nhân: Có một chế độ độ ăn uống hợp lý, chưa có nghiên cứu rõ ràng nào về một chế độ ăn uống có thể giảm triệu chứng hay nguy cơ tái phát của ung thư, tuy nhiên những bệnh nhân ung thư được khuyến nghị ăn nhiều rau quả, ngũ cốc và thịt trắng (gà, cá). Bên cạnh đó hạn chế ăn nhiều đường, chất béo, thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn. Thay đổi lối sống, tích cực tham gia các hoạt động thể chất để cơ thể khỏe mạnh hơn và duy trì một cân nặng hợp lý. Ngoài ra, quá trình hóa trị có thể tác động, ảnh hưởng đến bạch cầu nên bệnh nhân cần giữ vệ sinh sạch sẽ, môi trường thông thoáng để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn và nhiễm trùng. Đặc biệt tinh thần, luôn giữ một tâm lý tích cực, lạc quan.
- Đối với gia đình: Động viên, khích lệ bệnh nhân về mặt tinh thần để bệnh nhân giảm bớt sự mệt mỏi, có động lực chiến đấu với bệnh tật. Khi hóa trị, bệnh nhân dễ gặp tác dụng phụ gây mệt mỏi, chán ăn. Do đó, gia đình nên chú ý đa dạng thực đơn mỗi ngày, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, đặc biệt chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày để bệnh nhân dễ tiêu hóa hơn.
Thân ái!
Bác sĩ Trần Bá Đại,
Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin