Báo Đồng Nai điện tử
En

“Điểm nóng” về an toàn giao thông đường thủy

07:08, 06/08/2012

Trong cuộc họp sơ kết an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Phó giám đốc Công an tỉnh nhận định, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy ở huyện Tân Phú rất cao. Trong số 14 bến đò ngang, cầu phao trên địa bàn huyện hiện nay, có đến 12 bến đò không đủ điều kiện hoạt động.

Trong cuộc họp sơ kết an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Phó giám đốc Công an tỉnh nhận định, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy ở huyện Tân Phú rất cao. Trong số 14 bến đò ngang, cầu phao trên địa bàn huyện hiện nay, có đến 12 bến đò không đủ điều kiện hoạt động.

Tuy vậy, những bến đò, cầu phao này hiện vẫn đang hoạt động trong tình trạng không bảo đảm an toàn cho người dân qua lại, nhất là trong mùa mưa bão.

* Cầu phao chông chênh, đò ngang tự phát

Hình ảnh những chiếc cầu phao mất an toàn là cảnh thường thấy với những người dân ở xã Đắk Lua (huyện Tân Phú). Là một xã vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh, do địa hình ngăn cách bởi con sông đầu nguồn và Vườn quốc gia Cát Tiên, xã Đắk Lua cách trung tâm huyện Tân Phú gần trăm cây số đường vòng (phải đi qua địa phận tỉnh Lâm Đồng mới đến được xã Đắk Lua). Do vậy, người dân nơi đây phải vượt sông để học hành, mua bán, thực hiện các nhu cầu sinh hoạt đời sống… ở trung tâm thị trấn Đồng Nai, huyện Nam Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng), nằm bên kia bờ sông. Việc qua sông của người dân nơi đây chủ yếu bằng cầu phao, đò ngang.

Cầu phao ở xã Đắk Lua tồn tại hàng chục năm nay và vẫn chỉ được làm chủ yếu bằng vật liệu thô sơ, không đảm bảo an toàn.
Cầu phao ở xã Đắk Lua tồn tại hàng chục năm nay và vẫn chỉ được làm chủ yếu bằng vật liệu thô sơ, không đảm bảo an toàn.

Cầu phao ấp 2, xã Đắk Lua có chiều rộng hơn 2m và chiều dài khoảng 70m, nối liền với xã Phù Mỹ (huyện Nam Cát Tiên). Cầu được làm bằng những vật liệu đơn giản, như: tre, lồ ô và những thùng phuy rỗng, giúp nâng cây cầu nổi bập bềnh trên mặt nước. Mặt cầu được lắp ghép bằng những cây tre tròn nên có độ bám rất ít với bánh xe. Để tàu, ghe đi lại dọc tuyến trên sông, người ta chia chiếc cầu phao thành 3 đoạn, giữa các đoạn được đặt các tấm ván gỗ xộc xệch. Khi phương tiện thủy đi ngang thì cầu phao được tách ra hai bên bờ sông. Do vậy, dòng chảy mạnh dưới sông làm cho cây cầu trở nên gấp khúc, khiến cho việc qua cầu càng khó khăn hơn và dễ bị té ngã, nhất là vào mùa mưa. Anh Nguyễn Văn Nhiều, người dân cư ngụ lâu năm ở xã Đắk Lua cho biết: “Người lớn đi qua mấy cây cầu phao ọp ẹp này còn lo sợ, nói chi mấy em học sinh chạy xe đạp đi học. Nếu không vững tay lái, mọi người có thể bị rớt xuống dòng nước chảy xiết. Và thực tế, đã có mấy trường hợp học sinh té cầu chết đuối ở đây”.

Cách cây cầu phao ấp 2 không xa, cầu phao ấp 7 được làm chắc chắn hơn một chút, nhờ mặt cầu được sử dụng nhiều tấm ván gỗ ghép lại. Tuy nhiên, cây cầu này cũng không đảm bảo an toàn và đã có vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi di chuyển trên cầu qua sông. Chủ cầu phao này cho biết, vào mùa mưa, nước dâng cao, chảy xiết, cầu được xếp lại hai bên bờ và người dân tự chèo đò qua sông hoặc đi bằng đò ngang tự phát.

Ông Đào Huy Tỉnh, Chủ tịch UBND xã Đắk Lua cho biết, ngoài 2 cây cầu phao trên, địa bàn còn có 5 bến đò. Trong đó, xã quản lý 1 bến gần trung tâm xã, còn 4 bến do người dân tự lập ở các nơi thuận lợi cho việc qua sông, gần các điểm chợ búa, dịch vụ, trường học... ở bờ bên kia. Cho đến giờ, cả 4 bến này đều chưa có giấy phép hoạt động (gồm cả giấy phép hoạt động của bến, phương tiện và người điều khiển phương tiện), nên công tác quản lý của UBND xã gặp rất nhiều khó khăn.

* Mong ước an toàn

Đại úy Nguyễn Văn Linh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Tân Phú cho biết, qua công tác kiểm tra an toàn giao thông ở xã Đắk Lua, lực lượng chức năng đã nhiều lần phát hiện và lập biên bản đình chỉ bến đò và phương tiện không đủ điều kiện hoạt động. Tuy nhiên, sau khi lực lượng kiểm tra rút đi, họ vẫn lén lút hoạt động.

Một người dân suýt rơi xuống sông khi đi xuống bến đò tự phát ở xã Đắk Lua, vì  đường dẫn xuống bến không bảo đảm an toàn.
Một người dân suýt rơi xuống sông khi đi xuống bến đò tự phát ở xã Đắk Lua, vì đường dẫn xuống bến không bảo đảm an toàn.

Đại úy Linh cho biết thêm, điều khó khăn là người điều khiển phương tiện ở đây chỉ có kinh nghiệm, chứ chưa được đào tạo để có bằng cấp, hay chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Đáng nói, về chất lượng, các phương tiện ở đây cũng không được đăng kiểm, kiểm định, mà chủ yếu do người dân tự lắp ráp, sản xuất nên không được công nhận về các tiêu chuẩn an toàn lưu thông. Các lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông đường thủy cùng Công an huyện thường xuyên kiểm tra, lập biên bản đình chỉ hoạt động các bến bãi, phương tiện, người điều khiển, nhưng nhiều lúc gặp phải tình huống khó xử. Bởi, nếu đình chỉ và đưa các phương tiện này về tạm giữ, người dân sẽ bị khó khăn về điều kiện qua sông, gây áp lực nặng nề đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Dân số xã Đắk Lua hiện có hơn 6.500 người. Người dân hầu hết sinh sống bằng nghề nông và rất cần giao dịch, mua bán với thị trường ngay bên kia sông. Vào mùa mưa lũ, việc đi lại không chỉ khó khăn, mà còn nguy hiểm hơn rất nhiều, nhất là việc đi học của con em trong xã và vận chuyển nông sản qua sông. Chủ tịch UBND xã Đắk Lua Đào Huy Tỉnh mong mỏi: “Chính quyền địa phương và người dân trong xã tha thiết đề nghị với tỉnh và các cấp thẩm quyền sớm đầu tư cho địa bàn xã một cây cầu kiên cố qua sông Đồng Nai, để chính quyền địa phương thuận tiện cho việc quản lý, cũng như thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa và việc đi lại của người dân được an toàn”.

T.T-L.K

Tin xem nhiều