Báo Đồng Nai điện tử
En

Trên trận tuyến ATGT: Tăng mức xử phạt, vi phạm giao thông sẽ giảm?

10:10, 01/10/2012

Ngày 19-9, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71 (NĐ 71) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP (NĐ34) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. NĐ71 có hiệu lực từ ngày 10-11-2012. Theo đó, hầu hết các điều sửa đổi đều tăng cao mức tiền phạt so với NĐ34.

Ngày 19-9, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71 (NĐ 71) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP (NĐ34) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. NĐ71 có hiệu lực từ ngày 10-11-2012. Theo đó, hầu hết các điều sửa đổi đều tăng cao mức tiền phạt so với NĐ34.

* Mức phạt tăng cao

Hành vi của người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định hoặc say rượu, bia (vi phạm nồng độ cồn) gây ra tình huống nguy hiểm cao trên đường giao thông. Do vậy, mức phạt cho hai hành vi vi phạm này trong NĐ71 đều tăng cao so với NĐ34. Cụ thể, ở mức thấp nhất, người lái ô tô chạy quá tốc độ quy định từ 5km/h đến dưới 10km/h bị phạt từ 300-500 ngàn đồng theo NĐ34, còn NĐ71 tăng mức phạt từ 600-800 ngàn đồng. Ở mức cao nhất, chạy quá tốc độ trên 35km/h bị phạt từ 4-6 triệu đồng theo NĐ34, ở NĐ71 mức phạt tăng từ 8-10 triệu đồng. Đối với hành vi lái ô tô vi phạm nồng độ cồn, mức phạt thấp nhất từ 600-800 ngàn đồng và cao nhất từ 4-6 triệu đồng theo NĐ34, còn NĐ71 mức phạt thấp nhất từ 2-3 triệu đồng, cao nhất từ 10-15 triệu đồng.

Xe ô tô biển số xanh (xe công) ít bị xử lý nên thường xuyên vượt phải trong trường hợp không được phép. Hậu quả đã xảy ra, xe ô tô 60C-03... vượt bên phải gây tai nạn vào sáng 22-5 trên quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Trảng Bom. Ảnh: T. TOÀN
Xe ô tô biển số xanh (xe công) ít bị xử lý nên thường xuyên vượt phải trong trường hợp không được phép. Hậu quả đã xảy ra, xe ô tô 60C-03... vượt bên phải gây tai nạn vào sáng 22-5 trên quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Trảng Bom. Ảnh: T. TOÀN

Ở người điều khiển mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện), các hành vi vi phạm như trên cũng bị tăng mức phạt gấp 2-3 lần. Cụ thể, vi phạm tốc độ trên 20km/h, bị phạt từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng theo NĐ34, còn NĐ71 mức phạt từ 2-3 triệu đồng. Người điều khiển xe máy nếu vi phạm nồng độ cồn bị phạt thấp nhất từ 200-400 ngàn đồng, cao nhất từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng theo NĐ34, trong khi NĐ71 quy định mức phạt thấp nhất bằng mức cao nhất của NĐ34, còn mức phạt cao nhất tăng 2-3 triệu đồng.

Vi phạm thường xảy ra đối với người điều khiển ô tô là vượt trong các trường hợp cấm vượt; vượt bên phải xe khác trong trường hợp không được phép; không có báo hiệu trước khi vượt. Ở NĐ34, vi phạm này bị phạt từ 600-800 ngàn đồng kèm hình phạt bổ sung tước giấy phép lái xe 30 ngày. Ở NĐ71, vi phạm này bị phạt từ 2-3 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 60 ngày.

Tuy nhiên, NĐ71 cũng có mức phạt giảm nhẹ cho phù hợp với thực tế (qua nhiều kiến nghị của các tỉnh, thành) là mức phạt đối với người bán hàng nhỏ lẻ, hàng rong chiếm dụng lòng lề đường, vỉa hè giảm còn 100-200 ngàn đồng. NĐ34 trước đây quy định mức phạt chung của hành vi chiếm dụng kể trên từ 20-25 triệu đồng, bất kể đối tượng vi phạm là người bán hàng rong, nhỏ lẻ hay doanh nghiệp, nhà hàng lớn…

* Tăng tiền phạt liệu có giảm vi phạm?

Theo lý thuyết, mức tiền phạt tăng sẽ đánh mạnh vào túi tiền của người vi phạm nên có tác dụng “trừng phạt kinh tế”. Do vậy, người đi đường sẽ giảm vi phạm giao thông, kéo theo giảm tai nạn giao thông (TNGT). Nhưng trên thực tế, với mức độ gia tăng cao số lượng phương tiện lưu thông như hiện nay, tình trạng vi phạm giao thông vẫn còn cao. Như ở Đồng Nai, trung bình mỗi tháng tăng gần 300 ô tô, gần 10 ngàn mô tô, xe máy đăng ký mới, cùng với lưu lượng xe vãng lai lưu thông qua địa bàn tỉnh ngày càng tăng thì số lượng vi phạm cũng khó kéo giảm.

Đường sá ở Đồng Nai đa phần đều nhỏ, hẹp (ngay cả đoạn quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh), nên khi gặp đường chỉ có một làn ô tô, lại gặp xe tải nặng chạy chậm phía trước, các tài xế ô tô chạy phía sau thường tranh thủ vượt phải để được đi nhanh hơn. Nay với mức phạt cao sắp có hiệu lực của NĐ71, các tài xế ô tô sẽ phải cẩn trọng hơn khi muốn vi phạm...

Ở hành vi vi phạm tốc độ, nhiều tài xế cho rằng, một số tuyến quy định tốc độ chưa hợp lý nên vẫn còn nhiều người vi phạm. Như đường Trần Quốc Toản (phường Bình Đa, TP.Biên Hòa) rất thông thoáng nhưng quy định tốc độ 30km/h, khiến nhiều tài xế chưa quen đường bị dính phạt. Hoặc nhiều đoạn trên quốc lộ 1A có tốc độ quy định 40km/h, nhiều tài xế thiếu “kiên nhẫn” chạy lên 50km/h nên dễ bị phạt.

Đáng nói, vi phạm tốc độ ở NĐ71 sẽ bị xử phạt ở mức cao hơn. Một sĩ quan cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, đối với xử lý vi phạm tốc độ sẽ khó phát sinh tiêu cực nếu “bắn tốc độ” một nơi, xử lý vi phạm ở nơi khác. Cụ thể, khi xe vi phạm bị phát hiện, tổ CSGT bắn tốc độ sẽ thông báo số xe vi phạm cho tổ CSGT khác trên đường phía trước đón lại xử lý. Vi phạm này đã được tổ bắn tốc độ lưu vào máy, vào hồ sơ nên tổ CSGT xử lý khó thể bỏ qua để phát sinh tiêu cực. Nếu các vi phạm khác có cách xử lý thích hợp cũng có thể hạn chế tiêu cực xảy ra.

Làm sao để tăng hiệu quả xử phạt vi phạm giao thông, qua đó kéo giảm vi phạm, kéo giảm TNGT là mong muốn của mọi người. Chính phủ sửa đổi NĐ34 để tăng mức phạt trong NĐ71 nhằm mục tiêu kéo giảm thiệt hại con người và tài sản do TNGT. Thế nhưng, ở góc nhìn của những nhà lập pháp, kéo giảm vi phạm giao thông được đề nghị xử lý một cách mềm mỏng hơn. Trong cuộc họp mới đây của Ủy ban Pháp luật Quốc hội sau đợt giám sát công tác xử phạt vi phạm giao thông ở các tỉnh, thành (giám sát ở Đồng Nai ngày 25-7-2012), các đại biểu trong đoàn giám sát đều thống nhất quan điểm xử phạt vi phạm hành chính về giao thông không phải để nhằm mục đích thu tiền, mà quan trọng là hướng đến sự giáo dục, phòng ngừa; phải làm sao để tất cả hành vi vi phạm về giao thông đều phải bị phát hiện và xử lý nghiêm (không can thiệp, xin xỏ, tiêu cực), chứ không cần phải tăng mức xử phạt vì hiện nay mức xử phạt đã phù hợp.

Thanh Toàn

Tin xem nhiều