Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng tránh tai nạn khi tham gia giao thông trong mùa mưa

08:08, 05/08/2021

Vào cao điểm mùa mưa, nhiều khu dân cư, tuyến đường không tránh khỏi ngập nước sau những trận mưa lớn. Một số khu vực có dòng nước chảy xiết, có thể cuốn cả người và xe khi tham gia giao thông.

Vào cao điểm mùa mưa, nhiều khu dân cư, tuyến đường không tránh khỏi ngập nước sau những trận mưa lớn. Một số khu vực có dòng nước chảy xiết, có thể cuốn cả người và xe khi tham gia giao thông.

Đường Đồng Khởi, đoạn qua khu vực ngã ba Trảng Dài (TP.Biên Hòa) ngập sâu, nước chảy xiết, lực lượng chức năng làm cọc tiêu sống để tránh gây nguy hiểm cho người dân lưu thông (Ảnh chụp vào tháng 6-2021). Ảnh: Thanh Hải
Đường Đồng Khởi, đoạn qua khu vực ngã ba Trảng Dài (TP.Biên Hòa) ngập sâu, nước chảy xiết, lực lượng chức năng làm cọc tiêu sống để tránh gây nguy hiểm cho người dân lưu thông (Ảnh chụp vào tháng 6-2021). Ảnh: Thanh Hải

Để phòng tránh tai nạn trong mùa mưa bão, các ngành chức năng, địa phương cần đưa ra biện pháp cảnh báo kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông.

* Nguy hiểm khi đi qua đường ngập nước

Trong những ngày mưa lớn, nước chảy xiết, việc lưu thông qua các cống thoát nước không nắp đậy, mặt đường lồi lõm hay các cây cầu dân sinh bị ngập sâu là nỗi lo thường trực của người dân. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm do nước cuốn.

Cụ thể, vào ngày 27-9-2017, tại xã Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu) nước cuốn trôi một học sinh lớp 4 đang trên đường đi học về. Tiếp đó, ngày 30-9-2017, tại khu vực suối Săn Máu (đoạn qua P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa), nước cuốn trôi làm chết một thanh niên 29 tuổi. Hay như ngày 8-5-2019, sau trận mưa to, nước từ thượng nguồn đổ về suối Bà Lúa (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) rất lớn, làm ngập cả đường đi. Lúc này, 2 học sinh của Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh đi qua khu vực này đã bị nước cuốn xuống suối tử vong. Và gần đây nhất, vào chiều 21-9-2020, một người dân đang đi bộ bên lề đường liên ấp Đức Huy - Thanh Bình (xã Gia Tân 1, H.Thống Nhất) thì không may lọt chân xuống mương nước và bị nước cuốn trôi dẫn đến tử vong.

Dù đã triển khai nhiều dự án chống ngập, nhưng tình trạng ngập cục bộ sau các cơn mưa vẫn diễn ra ở một số tuyến đường tại TP.Biên Hòa. Nhiều tuyến đường thường bị ngập cục bộ, nước dồn từ vùng cao xuống tạo thành dòng chảy xiết, người và phương tiện rất khó khăn khi di chuyển qua đây.

Bà Hoàng Thị Lan (ngụ KP.6, P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) cho biết, khu vực suối Săn Máu, đoạn qua 2 phường Hố Nai và Trảng Dài của TP.Biên Hòa được xem là “rốn lũ”. Trong đó, phải kể đến là hàng loạt cây cầu dân sinh như: Kim Bích, Lộc Lâm, Sắt, Đại Lộ, Tổ 15… thường xuyên bị ngập nước sau mỗi cơn mưa lớn, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Có nơi ngập sâu gần cả mét khiến xe cộ khó lưu thông, xe ô tô, xe máy chết máy trên đường do bị ngập nước, dẫn đến dòng xe ùn tắc kéo dài, thậm chí có xe máy bị trôi khi người điều khiển xe cố vượt qua dòng nước chảy mạnh. Đặc biệt, một số đoạn đường tại các khu vực đi qua sông, suối này là cầu, đường dân sinh, không có rào chắn, không có biển báo, tối lại ít ánh đèn nên rất nguy hiểm nếu xảy ra ngập, nước dâng.

“Người dân di chuyển qua khu vực ngập phải cẩn thận, nếu tầm quan sát bị hạn chế và không ước lượng được độ sâu an toàn thì tốt nhất nên tạm ngưng di chuyển, chờ nước rút. Ngoài sự cẩn trọng của người đi đường thì chính quyền địa phương, các ngành chức năng cần sớm xây dựng các cây cầu tạm, nạo vét lòng suối để chống ngập, có như vậy người dân mới yên tâm đi lại” - bà Lan nói.

* Cần đảm bảo an toàn khi lưu thông

Đồng Nai đang bước vào cao điểm mùa mưa nên vào chiều tối thường có mưa lớn và kéo dài liên tục khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị ngập cục bộ. Ngoài nỗi lo nước ngập thì không ít nguy hiểm có thể xảy đến khi đi qua các cây cầu dân sinh không đảm bảo an toàn.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết, trước mỗi mùa mưa lũ, thành phố đã có văn bản chỉ đạo các phường, xã tăng cường rà soát, cảnh báo những khu vực nguy hiểm cho người dân được biết, đặc biệt là tại những cây cầu, đường dân sinh chưa có lan can. Người đi đường nên chú ý xem thông tin trên biển báo, làm theo sự hướng dẫn của lực lượng hỗ trợ người đi đường ở các phường, xã khi đi qua những đoạn đường ngập nước.

Để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc do ngập nước trong mùa mưa, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh khuyến cáo, người đi đường nên chú ý xem thông tin trên biển báo, làm theo sự hướng dẫn của lực lượng hỗ trợ người đi đường ở các phường, xã khi đi qua những đoạn đường ngập nước. Khi điều khiển xe máy gặp mưa gió lớn, cố gắng tìm những cung đường cao và ít ngập nước để đi dù có phải đi vòng, xa hơn bình thường để tránh những ổ voi, ổ gà, đặc biệt là tại những cây cầu, đường dân sinh chưa có lan can.

Trường hợp nước ngập sâu, Phòng Cảnh sát giao thông lưu ý người điều khiển phương tiện không nên đi sát lề đường vì sau một thời gian mưa to, đây chính là những chỗ miệng cống thoát nước ngập sâu hơn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn. Khi mực nước có thể ngập ống xả xe của mình, nên tìm nơi cao ráo ven đường đứng chờ nước rút. Khi thấy mực nước đủ an toàn để đi qua, người điều khiển xe nên đi theo dòng xe đi trước, duy trì khoảng cách thích hợp đối với các xe đi trước, không nên chạy song song với xe ô tô, đặc biệt là xe buýt, xe tải và các xe cỡ lớn vì người điều khiển xe máy sẽ dễ bị ngã do sức mạnh của các sóng nước từ các xe này tạo ra.

Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong mùa mưa bão, tình hình lưu thông khá phức tạp, do đó công an các địa phương cần có phương án chuẩn bị tốt để giảm thiểu ùn tắc, tai nạn liên quan đến thiên tai. Cảnh sát giao thông phối hợp với các lực lượng làm cọc tiêu sống hướng dẫn các phương tiện đi qua các quốc lộ, các địa điểm bị ngập, hỗ trợ người dân tham gia giao thông hiệu quả.

Thanh Hải

Tin xem nhiều