Ngay từ những ngày đầu năm học, các trường học trên địa bàn tỉnh đã chú trọng giáo dục về an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh - sinh viên (HSSV). Thế nhưng, khi đi đường, người ta vẫn thấy nhiều HSSV vi phạm giao thông, như: chở ba người, không đội mũ bảo hiểm, chạy dàn hàng ngang…
Ngay từ những ngày đầu năm học, các trường học trên địa bàn tỉnh đã chú trọng giáo dục về an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh - sinh viên (HSSV). Thế nhưng, khi đi đường, người ta vẫn thấy nhiều HSSV vi phạm giao thông, như: chở ba người, không đội mũ bảo hiểm, chạy dàn hàng ngang…
Trong năm học 2011-2012, có 6 học sinh và 2 người trong ngành giáo dục Đồng Nai bị chết vì tai nạn giao thông (TNGT) trên đường đi học, đi làm. Ở bậc đại học có ít nhất 2 sinh viên tử nạn vì giao thông. Tuy con số này chỉ chiếm vài phần trăm so với số người chết vì TNGT trên toàn tỉnh (trong một năm), nhưng cũng là điều cảnh báo ngành giáo dục tỉnh phải quan tâm hơn nữa đến ATGT cho HSSV.
* Không thể nói không biết
Ngay ngày đầu năm học mới 2012-2013, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo tất cả các trường triển khai ký cam kết tại buổi họp phụ huynh học sinh. Nội dung nhằm tuyên truyền, nhắc nhở và cam kết chấp hành Luật Giao thông. Cụ thể như: không giao xe máy phân khối lớn cho học sinh chưa đủ tuổi điều khiển; cam kết đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi đi xe máy... Học sinh và gia đình trực tiếp ký 2 bản cam kết cùng nội dung. Một bản nộp nhà trường, một bản học sinh giữ và giáo viên chủ nhiệm sẽ nhắc nhở, kiểm tra và có thể cho học sinh đọc lại hàng tuần vào giờ sinh hoạt lớp. Cách làm này khá chặt chẽ, học sinh hoặc phụ huynh không thể viện cớ không biết các quy định ATGT đã ký kết, để chống chế cho các hành vi vi phạm Luật Giao thông.
Trẻ không được đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông diễn ra khá phổ biến. Ảnh: T. TOÀN |
Riêng ở các trường đại học, cao đẳng do Bộ GD-ĐT (hoặc UBND tỉnh) quản lý, các trường cũng đã tổ chức giáo dục ATGT ngay từ khi nhập học cho các tân sinh viên. Như ở Trường đại học Lạc Hồng, ông Vũ Văn Tuấn, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên, cho biết: “Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã cho phát thanh nội dung ATGT vào đầu giờ, giờ ra chơi của các buổi học. Nội dung tuyên truyền là các quy định của Luật Giao thông, tình hình TNGT xảy ra đối với sinh viên. Vào giờ sinh hoạt, giáo viên chủ nhiệm luôn nhắc nhở sinh viên về việc chấp hành, bảo đảm ATGT. Các khu ký túc xá của trường đều có dán thông tin, hình ảnh tuyên truyền về ATGT…”.
Nhưng trên thực tế, nhất là vào các giờ tan trường, người ta có thể thấy cảnh HSSV vi phạm giao thông khá phổ biến. Ở các trường tiểu học, THCS còn khá nhiều hình ảnh phụ huynh đưa, đón con đi học bằng xe máy mà không đội mũ bảo hiểm cho con em mình. Trên đường, khá nhiều học sinh THCS chở ba người bằng xe máy điện và chẳng đội mũ bảo hiểm. Tình trạng học sinh chưa đủ tuổi đi xe phân khối lớn cũng thường xuyên xảy ra ở các trường THPT. Tình trạng HSSV chạy hàng ba, không đội mũ bảo hiểm, chở ba người… xảy ra không hiếm trên đường.
* Cần tăng cường xử lý vi phạm
Ông Nguyễn Bôn, Phụ trách Văn phòng Ban ATGT tỉnh, cho biết: “Hiện nay, ngành giáo dục và tổ chức Đoàn Thanh niên đang tăng cường công tác giáo dục tuyên truyền ATGT cho HSSV. Sau tháng đầu nhập học, Ban ATGT tỉnh sẽ chỉ đạo tăng cường xử lý vi phạm giao thông trong đối tượng này và cả trường hợp phụ huynh giao xe phân khối lớn cho học sinh chưa đủ tuổi điều khiển, không đội mũ bảo hiểm cho con em khi đưa, đón con em đi học… Làm như vậy, việc xử lý sẽ được nhiều người đồng thuận”.
Đại tá Ngô Văn Chiến, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt Công an tỉnh, cho biết: “Do các trường học tập trung ở các tuyến đường do cấp huyện quản lý nên việc xử lý HSSV vi phạm được giao cho CSGT các huyện, thị xã, thành phố; còn CSGT tỉnh sẽ hỗ trợ nếu cần thiết”.
Còn nhiều học sinh THCS, THPT khi ra khỏi trường “quên” chấp hành Luật Giao thông. Ảnh: T. TOÀN |
Tại các trường học, Ban giám hiệu sẽ chú trọng công tác ATGT ngay từ đầu năm học. Ông Cao Quốc Hùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức (TP.Biên Hòa), cho biết: “Tình hình ATGT ở khu vực trường vào giờ đưa đón học sinh hết sức phức tạp. Vào đầu tuần sinh hoạt dưới cờ, Ban giám hiệu luôn nhắc nhở giáo viên, học sinh về việc chấp hành, bảo đảm ATGT, nhất là dặn dò học sinh luôn nhắc phụ huynh đội mũ bảo hiểm khi chở các em đến trường. Nhà trường chú ý sắp xếp cho phụ huynh chạy xe vào sân trường đón học sinh một cách hợp lý để tránh ùn tắc giao thông ngoài trường”.
Ở Trường THPT Nam Hà (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), Hiệu trưởng Lê Thị Thu Hà cho biết: “Nhà trường xử lý rất nghiêm các trường hợp học sinh vi phạm giao thông bị CSGT thông báo về trường. Nếu một học sinh bị CSGT thông báo vi phạm giao thông lần I sẽ bị hạ bậc hạnh kiểm trong tháng, lần II bị hạ hạnh kiểm học kỳ, lần III hạ hạnh kiểm cả năm. Đầu năm học, nhà trường chủ động phối hợp với CSGT TP.Biên Hòa tuyên truyền Luật Giao thông tại trường để tăng hiệu quả giáo dục. Nhà trường còn đề nghị lực lượng công an xã chốt chặn, xử lý học sinh vi phạm giao thông ngay trong tuyến đường xã, ấp để tạo hiệu quả răn đe, giáo dục. Điều băn khoăn của nhà trường là sự phối hợp của gia đình trong việc giáo dục ATGT cho học sinh chưa được như ý. Còn nhiều phụ huynh giao xe phân khối lớn cho con em điều khiển đi học rồi yêu cầu nhà trường ngăn chặn là điều không khả thi. Mỗi khi ra đường, học sinh đều được phụ huynh nhắc nhở chấp hành luật là sự phối hợp tốt với nhà trường trong công tác này”.
Qua ghi nhận thực tế, có thể thấy việc chấp hành Luật Giao thông của HSSV đã được các cơ quan, nhà trường quan tâm giáo dục, nhắc nhở. Vấn đề là ý thức của từng HSSV và sự phối hợp của phụ huynh khi tham gia giao thông cần được nâng cao hơn nữa, để công tác bảo đảm ATGT có hiệu quả hơn trong lực lượng là tương lai của đất nước.
Thanh Toàn