Mỗi lần hiến đi một đơn vị máu (khoảng 250ml -500ml máu), thì người hiến sẽ được tặng một cuốn sổ màu đỏ. Tại Đồng Nai, số lượng người hiến máu từ 10-20-30 lần trở lên khá lớn. Có những người đã hiến 40-50, thậm chí gần 80 lần.
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hồng Lĩnh hiến máu tình nguyện tại Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai. Tại Đồng Nai, phong trào hiến máu tình nguyện diễn ra sôi nổi, hiệu quả. Các cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng là những người tiên phong tham gia hiến máu |
Với những người hiến máu nhiều lần, “kho sổ đỏ” của họ ngày một đầy thêm theo năm tháng. Và sau hành động đẹp đẽ vì tính cộng đồng đó, mỗi cuốn “sổ đỏ” còn lại cũng chính là một gia tài hạnh phúc bé nhỏ của những người hiến máu tình nguyện, vì niềm hạnh phúc của sự “cho đi” cũng quý giá không kém gì niềm vui khi “nhận lại”.
Trong số những người nhiều “sổ đỏ” nhất Đồng Nai, có vợ chồng ông Thổ Xịt và bà Võ Thị Dung là người dân tộc Chơ-Ro và dược sĩ Hồ Văn Thúc - một người khuyết tật, với số lần hiến máu từ 70-80 lần. Họ hiện vẫn đang sống, lao động, học tập bình dị như bao nhiêu công dân lương thiện khác, và vẫn không dừng hành trình thiện nguyện rất đỗi thiêng liêng: hiến máu cứu người.
Ông Thổ Xịt (58 tuổi, người dân tộc Chơ-Ro) và bà Võ Thị Dung (54 tuổi) ở P.Bảo Quang, TP.Long Khánh, là một cặp vợ chồng “nổi tiếng” với kho sổ đỏ lên đến gần 150 cuốn, đánh dấu gần 150 lần hiến máu tình nguyện của cả hai ông bà. Bắt đầu hiến máu từ năm 2003 – thời điểm tỉnh Đồng Nai bắt đầu thực hiện chương trình tiếp nhận hiến máu nhân đạo bên ngoài bệnh viện.
“Hồi đó Hội Chữ thập đỏ nói nguồn máu đang rất thiếu, vận động mình đi hiến. Mình cũng đi, nhưng lòng thấy sợ. Hiến được lần thứ nhất, rồi lần thứ hai thì thấy không sao hết, sức khỏe bình thường mà còn cứu được người nữa, nên mình rủ thêm bà xã đi hiến máu. Rồi lần lần mình rủ cả xóm đi, nên giờ xóm này đi hiến máu tình nguyện đông lắm, có nhà đi cả nhà luôn” – ông Thổ Xịt kể lại.
Vợ chồng ông Thổ Xịt và bà Võ Thị Dung cùng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ dành cho những người hiến máu 70 lần trở lên và kỷ niệm chương của phong trào hiến máu tình nguyện |
Lần đầu được chồng “vận động” đi hiến máu, bà Võ Thị Dung, vợ ông Thổ Xịt miêu tả, bà đã “sợ vã mồ hôi” bởi bà chỉ là một phụ nữ nông thôn nghèo, chưa bao giờ đi hiến máu nên rất “sợ chết”. Nhân viên y tế “rà” mãi không lấy được ven ở cánh tay vì bà có đặc biệt là ven ở cánh tay rất nhỏ, phải tìm ven ở chân mới rút được máu. Về nhà, bà vẫn còn run, nghĩ lỡ “có bề gì” thì 2 đứa con khổ. Do đó, lần thứ 2 chồng rủ đi hiến máu, bà không chịu đi nữa. Nhưng ông Thổ Xịt kiên quyết nói “đi!”, động viên vợ tiếp tục. Vậy là bà Dung tiếp tục đi hiến máu lần 2, lần 3 và hàng chục lần về sau nữa.
Các bạn trẻ thế hệ 9X, thế hệ “GEN Z” tại Đồng Nai cũng tham gia hiến máu tình nguyện thường xuyên |
Suy nghĩ của đôi vợ chồng nông dân người dân tộc thiểu số này cũng rất mộc mạc - như cách mà ông bà sống bao nhiêu năm qua: “Sống trên đời thì phải giúp nhau thôi. Người có tiền của thì giúp tiền của. Vợ chồng tôi không có tiền, nghĩ mình khổ, người ta cũng khổ. Nhưng ít ra mình có sức khoẻ, còn những người cần máu thì quá khổ rồi”. Bà Dung chia sẻ, từ những lần hiến máu, bà cảm thấy mình “chín chắn” hẳn ra, không còn việc gì cũng chỉ nghĩ cho cá nhân mình như trước. Từ chỗ sợ đến run rẩy khi nhân viên y tế lấy ven, bà Dung trở thành “vận động viên” - vận động anh chồng, chị dâu, cháu, con, hàng xóm, người quen… đi hiến máu.
Ngoài những khi đi hiến máu định kỳ, ông Thổ Xịt cũng cùng nhiều người thực hiện nhiệm vụ của một “ngân hàng máu sống” – nghĩa là sẵn sàng gác lại mọi công việc và tuân thủ các chỉ dẫn y tế để có thể truyền máu trực tiếp cứu người khi cần kíp: phẫu thuật, cấp cứu, tai nạn… Rất nhiều trường hợp cần truyền máu trực tiếp, chính vì vậy, nhiều người hiến máu đã hình thành nên mạng lưới những người sẵn sàng lên đường cho máu ngay khi có cuộc gọi từ bệnh viện.
Ông Thổ Xịt kể, một trong những lần ấn tượng nhất trong hành trình hiến máu cứu người của riêng ông là lần ông đi lên Bệnh viện Triều An (TP.HCM) 2 ngày để hiến máu cứu một người chuẩn bị mổ tim, cùng với chị dâu và một người dân tộc Chơ-Ro khác. “Ngày đầu tiên lên thì chưa lấy máu được, hôm sau ba giờ sáng là chúng tôi phải lên xe, đến bệnh viện nghỉ ngơi một chút là lần lượt từng người phải truyền máu trực tiếp vì có một bé gái phẫu thuật tim hôm đó cần rất nhiều máu. Lần đó chúng tôi buộc phải nhịn ăn 1 ngày 1 đêm để giữ nguồn máu sạch cho bé”. Đến nay, bé gái nhận nguồn “máu sống” để mổ tim ngày nào đã khoẻ mạnh, học hành và sinh hoạt bình thường.
Trong hơn 70 lần hiến máu trải dài 2 thập kỷ, nhiều lần truyền máu trực tiếp, không ít lần nhịn ăn đến lả người, ông Thổ Xịt vẫn chỉ tâm niệm trong lòng một lý do chân phương và giản dị “giúp được gì ai thì giúp”. Là nông dân nhà nòi, hiện tại, vợ chồng ông Thổ Xịt sinh sống bằng thu nhập từ vườn mít, vườn bắp, nuôi dăm con gà con vịt và đưa đón cháu đi học. Nhà nghèo, vật chất cũng không có gì, nên ông bà xem đây là một cách giúp đỡ cho người khác, bằng chính giọt máu của mình, cho những người còn đang khổ sở hơn mình vì họ cần máu để giành lấy mạng sống và vượt qua bệnh tật.
“Mình động viên mọi người “không có gì hết, không sợ gì, “đổi” máu còn khoẻ hơn trước nữa”. Trong xóm “dân tộc” của mình, giờ nhà Thổ Phú, Thổ Oanh, Thổ Điển… cũng đi hiến máu tình nguyện thường xuyên và bọn mình xem đây là chuyện hết sức bình thường. Khi cần kíp, ai cũng có thể trở thành một “ngân hàng máu sống”, trực tiếp truyền máu cho người cần mà không nề hà công sức, thời gian” – ông Thổ Xịt tâm tình.
Quê gốc Quảng Trị nhưng lớn lên ở H.Xuân Lộc, ông Hồ Văn Thúc là một người khá đặc biệt mà nhiều người công tác trong ngành y ở Đồng Nai thường nhắc đến - người dược sĩ khuyết tật có gần 80 lần hiến máu cứu người. Năm 3 tuổi, ông Thúc bị sốt bại liệt, nhưng do gia đình khó khăn, lại có đến 9 người con nên ông không được chữa trị đến nơi đến chốn. Sau trận sốt năm ấy, một bên chân của ông Thúc teo dần, không còn cảm giác và không đi lại được. Ông thành người khuyết tật.
Năm 1988, sau khi tốt nghiệp Đại học Y dược TP.HCM, dược sĩ Hồ Văn Thúc về công tác tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh. Thời đó, công tác khám, chữa bệnh gặp nhiều khó khăn, ông Thúc được bệnh viện cử đi đào tạo về xét nghiệm, học cách điều chế túi máu an toàn đủ tiêu chuẩn truyền cấp cứu cho người bệnh.
Thời trước, nguồn điện chưa ổn định nên việc dự trữ máu cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Mỗi lần cần truyền máu cho bệnh nhân, bệnh viện phải cử người lên TP.HCM để mua. Đường xa, có khi máu về không kịp để truyền, nhiều khi không kịp giữ tính mạng cho người bệnh. Ông Thúc vô cùng trăn trở.
Từ nỗi trăn trở đó, không chỉ tự nguyện hiến máu cứu người lúc nguy cấp mà dược sĩ Thúc còn đề xuất với lãnh đạo bệnh viện và Hội Chữ thập đỏ tỉnh thành lập Ngân hàng máu sống ngay tại bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Ý tưởng này được người dược sĩ khuyết tật ấp ủ từ những năm 1993 - 1994, giai đoạn mà bệnh sốt rét tăng, nguồn thiếu máu dữ dội và việc đi mua máu cũng khó khăn do khan khiếm máu.
Lúc đó, bệnh viện cũng huy động mọi người tham gia hiến máu, nhưng cũng loanh quanh chỉ nhân viên y tế với nhau thôi. Sau đó thì có người dân tham gia rồi nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ, bệnh viện dần hình thành nên một “ngân hàng máu sống”. “Ngân hàng gì mà tài khoản chỉ có nhóm máu và số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận máu khi cần” – ông Thúc cười.
Niềm vui “đếm sổ đỏ” của người dược sĩ khuyết tật Hồ Văn Thúc |
Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cũng là đơn vị đầu tiên của cả nước có Ngân hàng máu sống. Những ngày đầu, Ngân hàng máu sống có gần 70 thành viên, đều là các y, bác sĩ trong bệnh viện. Đến nay, sau gần 24 năm hoạt động, lúc đỉnh điểm, “ngân hàng” đặc biệt này quy tụ được gần 500 thành viên, giai đoạn bình thường thì có 200-300 thành viên luôn sãn sàng cho máu. Trung bình mỗi năm, Ngân hàng máu sống Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh tiếp nhận cả trăm đơn vị máu, cứu sống kịp thời hàng chục bệnh nhân nguy kịch.
Ông Thổ Xịt, bà Dung và dược sĩ Hồ Văn Thúc là 3 người tiêu biểu nhất trong số 148 người nhiều “sổ đỏ” nhất Đồng Nai (nhóm những người 30 lần hiến máu trở lên - số liệu mới nhất). Theo Hội Chữ Thập đỏ Đồng Nai, nếu tính số người có 20 lần hiến máu trở lên, thì “hội những người nhiều sổ đỏ” đã lên đến 789 người.
Với những người chọn trao đi giọt máu, có lẽ đa phần họ không biết cụ thể nguồn máu của mình sẽ cho ai, do đó cũng không mưu cầu đáp lại, dẫu chỉ là lời cảm ơn từ người nhận. Dù vậy, dòng chảy của lòng tốt, tính nhân văn, tính cộng đồng đẹp đẽ này sẽ tiếp tục được trao truyền, lan toả, đúng với tinh thần của hiến máu tình nguyện “một giọt máu cho đi, nhiều cuộc đời ở lại”.