Loạt bài megastory: Quyết sách gỡ khó cho siêu dự án
.

Loạt bài megastory: Quyết sách gỡ khó cho siêu dự án

Phạm Tùng – Vi Lâm
23:43, 29/11/2023
 

Nếu như việc Quốc hội Khoá XIV nhấn nút thông qua Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24-11-2017 về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành tại kỳ họp thứ 4 được xem là bước khởi đầu cho quá trình hiện thực hoá quy hoạch xây dựng “siêu” sân bay lớn nhất cả nước thì việc Quốc hội nhấn nút thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV ngày 29-11-2023 được xem là “liều thuốc tiếp sức” để dự án về đích.

Nhìn lại, xuyên suốt quá trình triển khai thực hiện, dự án mang tầm vóc thế kỷ của quốc gia: sân bay Long Thành đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội và đã không ít lần làm nóng nghị trường với mục tiêu sớm hoàn thành dự án có ý nghĩa “chứng nhân” cho một Việt Nam đang tích cực đổi mới.

 

“Sau hơn một thập kỷ chờ đợi, cuối cùng, gia đình tôi cũng đã có thể bắt đầu hành trình xây dựng một cuộc sống mới”.

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Liêm, ngụ ấp 11, xã Bình Sơn, H.Long Thành vào thời điểm giữa năm 2021, khi cả gia đình ông chuyển đến sinh sống ở căn nhà mới tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Trước đó, cũng như hàng ngàn hộ dân khác, gia đình ông Liêm cũng đã “nhường” tất cả đất đai, ruộng vườn để phục vụ xây dựng sân bay Long Thành.

 

Ở tuổi ngoài thất thập, ông Liêm là một trong những người thuộc thế hệ đầu tiên đến sinh sống và lập nghiệp tại xã Bình Sơn sau năm 1975. Nửa thế kỷ gắn bó với mảnh đất Bình Sơn, ông Liêm đã chứng kiến đầy đủ sự đổi thay của vùng đất mà ông vẫn nhận là quê hương thứ 2 của mình. “Ngày mới đặt chân đến đây thì cả khu vực còn là rừng cây rậm rạp với nhiều gốc cổ thụ một người ôm không xuể. Giờ đây, những khu rừng đã nhường chỗ cho những ngôi nhà mọc lên san sát”- ông Liêm nhớ lại.

Giống như phần lớn những người thuộc thế hệ đầu tiên đến sinh sống ở Bình Sơn, khởi đầu của ông Liêm tại vùng đất mới gắn bó với nghề làm rẫy để mưu sinh. Về sau, khi con cái lớn dần, ông Liêm quyết định chuyển hướng sang nghề mộc. Sau hàng chục năm vừa làm, vừa tích cóp để mở rộng quy mô, gia đình ông Liêm đã sở hữu cơ ngươi với 2 xưởng mộc rộng gần 2 ngàn m2 với hàng chục công nhân tham gia sản xuất.

 

Cuộc sống của gia đình ông Liêm có lẽ cũng sẽ tiếp diễn một cách bình lặng nếu như không có một ngày vào giữa tháng 6-2011, khi thông tin về việc quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành được Chính phủ chính thức phê duyệt mà toàn bộ đất đai, nhà cửa cũng như nhà xưởng của gia đình ông đều nằm trong vùng quy hoạch thực hiện dự án. “Khi biết thông tin tôi ngậm ngùi, tiếc nuối lắm. Mảnh đất hàng chục năm gắn bó, nơi gầy dựng cơ ngơi giờ phải di chuyển đi nơi khác ai mà không luyến tiếc. Thế nhưng về sau cũng dần nguôi ngoai, có chút tự hào vì mình di dời để thực hiện một dự án lớn của đất nước. Bởi vậy nên từ chỗ tiếc nuối, tôi cũng muốn di dời sớm để ổn định cuộc sống mới”- ông Liêm bùi ngùi nhớ lại.

Thế nhưng, phải mất tròn một thập kỷ, mong muốn khởi đầu một cuộc sống mới của ông Liêm mới trở thành hiện thực. Và trong suốt thời gian đó, gia đình ông Liêm cũng như hàng ngàn hộ dân khác trong vùng dự án sân bay Long Thành phải sống trong cảnh khấp khởi, đợi chờ. Dự án rơi vào cảnh “quy hoạch treo” trong một thời gian dài khiến cho cuộc sống của hàng ngàn “cư dân sân bay” gần như bị đảo lộn hoàn toàn. “Suốt cả chục năm sống trong vùng dự án treo, cuộc sống của người dân chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều”- bà Lê Thị Sáu, cư dân cũ của ấp 11, xã Bình Sơn chia sẻ.

 

Hơn 7 năm sau ngày được phê duyệt quy hoạch, vào ngày 24-11-2017, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV đã chính thức thông qua Nghị quyết số 53/2017/QH14 về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành. Gần 1 năm sau, Chính phủ chính thức có quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành. Cũng chính từ thời điểm này, Đồng Nai bắt đầu bước vào cuộc hành trình kéo dài gần 2 ngàn ngày “mở đường” để xây dựng sân bay Long Thành.

 

Tính từ thời điểm báo cáo nghiên cứu khả thi dự án được phê duyệt, hơn 2 năm sau, những hộ dân đầu tiên trong vùng dự án mới bắt đầu di dời khỏi nơi ở cũ sau nhiều năm chờ đợi. Và trong gần 2 năm tiếp theo, một cuộc “di dân lịch sử” đã diễn ra tại Đồng Nai - cuộc di dân của những “cư dân sân bay”. “Với hơn 5,5 ngàn hộ dân phải di dời để nhường đất làm dự án, dự án sân bay Long Thành là dự án có quy mô đất thu hồi lớn nhất, số hộ dân bị ảnh hưởng lớn nhất từng được triển khai tại Đồng Nai từ trước đến nay”- ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND H.Long Thành chia sẻ.

 

Năm 2018, Đồng Nai chính thức bắt tay vào thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho dự án sân bay Long Thành, “siêu” sân bay của đất nước đã được quy hoạch thực hiện từ hơn 1 thập kỷ trước đó.

Quy mô diện tích đất thu hồi lớn, dự án được quy hoạch thực hiện kéo dài là những thách thức “cực đại” mà Đồng Nai phải đối mặt trong quá trình thực hiện.

Thực tế, nguồn dữ liệu đất đai trong khu vực triển khai dự án đã có “tuổi đời” gần 20 năm. Đây là hệ quả của việc dự án bị “treo” trong một thời gian dài và trong suốt quá trình đó, những biến động đất đai trên thực tế gần như không được cập nhật. Cũng chính vì vậy, giữa nguồn dữ liệu đất đai đã lạc hậu và hiện trạng sử dụng đất trên thực tế có hàng loạt sai sót.

 

Ông Lê Nguyễn Hoàng Ân, Tổ trưởng Tổ bồi thường dự án sân bay Long Thành cho biết, theo quy trình, đối với các trường hợp có sự sai sót nói trên, các tổ kiếm đếm phải phối hợp với UBND xã thực hiện xác minh chính xác về hiện trạng sử dụng đất. Sau đó, các bên sẽ mời người đứng tên trên sổ đỏ và người đang sử dụng đất trên thực tế làm việc, thỏa thuận lại hiện trạng sử dụng đất. Khi hoàn tất, cơ quan chức năng phải thực hiện thu hồi sổ đỏ đã cấp và quyết định thông báo thu hồi đất đã ban hành trước đó để ban hành quyết định thông báo thu hồi đất mới theo đúng hiện trạng. “Mỗi trường hợp như trên, quy trình thực hiện phải mất từ 8 tháng đến 1 năm. Trong khi đó, áp lực về tiến độ giải phóng mặt bằng là rất lớn”- ông Ân cho biết thêm.

Cũng do dự án quy hoạch “treo” quá lâu, trong vùng dự án xảy ra tình trạng cho tặng, chuyển nhượng, mua bán đất bằng giấy tay. Hàng ngàn trường hợp đất giấy tay cũng là thử thách cam go đối với những người làm công tác giải phóng mặt bằng khi phải xác định đúng chính sách đền bù, hỗ trợ đối với các trường hợp này.

Tuy nhiên, nếu như những khó khăn về hồ sơ đất đai là điều đã được lường trước thì giữa năm 2020, một thách thức lớn nằm ngoài “kịch bản” lại “ập” đến với quá trình thực hiện dự án - đại dịch covid-19. Những biện pháp phòng, chống dịch được triển khai đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ của dự án.

 

Đến giữa tháng 7-2021, khi tỉnh thực hiện áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch covid-19, việc triển khai các bước của công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ cho người dân những tháng sau đó có thời điểm gần như bị “đóng băng”. “Trong khoảng thời gian này, khi thực hiện công khai phương án bồi thường, hỗ trợ của người dân chúng tôi đã phải thực hiện theo hình thức gửi các bản pho to biểu mẫu, các bảng chiết tính đến từng hộ gia đình qua đường bưu điện dù theo quy định là phải thực hiện công khai, họp dân. Tuy nhiên có thời điểm, việc gửi phương án bồi thường, hỗ trợ qua đường bưu điện cũng phải tạm ngưng”- ông Dương Văn Nhất, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất H.Long Thành nhớ lại.

 

Cùng với khâu công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, nhiều khâu khác trong quy trình thực hiện công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng của dự án như: bốc thăm vị trí đất tái định cư, bàn giao đất tái định cư cho người dân hiện cũng đã phải tạm ngưng để bảo đảm yêu cầu của công tác phòng, chống dịch covid-19.

 

Ngày 25-8 vừa qua được xem là một trong những dấu mốc quan trọng nhất trong hành trình “mở đường” xây dựng sân bay Long Thành của tỉnh Đồng Nai khi gần 99% diện tích đất thực hiện dự án được địa phương hoàn thành thu hồi và chính thức bàn giao cho chủ đầu tư. Để có được bước tiến đến sát “vạch đích” đó là sự nỗ lực rất lớn lao của hàng trăm con người đã tham gia thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Xác định công tác giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trong gần 5 năm qua, Đồng Nai đã tập trung tối đa nguồn lực để triển khai thực hiện.

 

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, tỉnh Đồng Nai nhận thức rõ tầm quan trọng của dự án sân bay Long Thành đối với sự phát triển của quốc gia nói chung và của địa phương nói riêng.

Với trách nhiệm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng được Chính phủ giao, sau khi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh đã thành lập ngay Ban Chỉ đạo của tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban chỉ đạo, 4 đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh là Phó Ban chỉ đạo và lãnh đạo các sở ngành, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND H.Long Thành là các thành viên Ban Chỉ đạo để kịp thời chỉ đạo, xử lý các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, ban hành kế hoạch của UBND tỉnh để phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị để triển khai thực hiện công tác thu hồi đất.

 

Với diện tích thu hồi đất khoảng 5 ngàn ha, ảnh hưởng đến gần 5,5 ngàn hộ dân, trong đó có hơn 4,5 ngàn hộ cần bố trí tái định cư, khối lượng công việc tại dự án là rất lớn. Chính vì vậy, Đồng Nai đã huy động nguồn lực, cán bộ của các sở, ngành liên quan để hỗ trợ cho UBND H.Long Thành trong quá trình triển khai thực hiện. “113 cán bộ công chức, viên chức đã được điều động, biệt phái để hỗ trợ cho địa phường hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án”- quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chia sẻ.

Đối với khu vực thực hiện dự án sân bay Long Thành, tính đến đầu tháng 8-2023, trong tổng số gần 99% diện tích toàn dự án đã hoàn thành công tác thu hồi đất, Đồng Nai cũng đã thực hiện bàn giao toàn bộ phần diện tích 2.532ha của dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 cho chủ đầu tư.

 

Đối với phần diện tích còn lại, các cơ quan liên quan cũng đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục.

Ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND H.Long Thành cho hay, đối với các trường hợp còn lại này, địa phương dự kiến cũng sẽ hoàn thành công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trong năm 2023. Đây cũng là mốc thời gian được địa phương đặt ra để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phần diện tích hơn 126ha phục vụ dự án 2 tuyến giao thông kết nối sân bay Long Thành.

 
 

 

Xem thêm bình luận