Đối với các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), những vướng mắc khi thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, chứng khoán, đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy (PCCC)… là những rào cản gây khó khăn cho DN trong quá trình đầu tư, hoạt động tại Đồng Nai cũng như trong cả nước.
Để tháo gỡ những "nút thắt" trên, Đồng Nai đã kịp thời nắm bắt và tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc để DN hoạt động hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn. Trong đó, phải kể đến việc giám sát của Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh trong thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư đối với DN FDI và tình hình hoạt động tại các khu công nghiệp (KCN).
Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Nai vừa thực hiện chuỗi hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư đối với DN FDI và tình hình hoạt động tại các KCN giai đoạn 2020 -2022. Qua đó, Đoàn giám sát đã ghi nhận nhiều vấn đề thuận lợi, khó khăn liên quan đến thu hút, quản lý hoạt động của DN FDI.
Trong buổi làm việc với đoàn giám sát, Đại diện Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (C.P. Việt Nam, KCN Biên Hòa 2) cho biết, với mong muốn trở thành DN Việt Nam, có thêm nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam hơn để cùng phát triển bền vững, khi tìm hiểu về pháp luật Việt Nam không ghi nhận quy định DN FDI không được niêm yết tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Do đó, từ năm 2022, công ty đã gửi hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán lên Ủy ban Chứng khoán nhà nước nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. C.P. Việt Nam mong muốn các bộ, ngành sớm xem xét, có hướng dẫn, trả lời cụ thể để hỗ trợ, tạo cơ hội cho DN tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (C.P. Việt Nam, KCN Biên Hòa 2) |
Bên cạnh khó khăn về niêm yết chứng khoán, đại diện lãnh đạo C.P. Việt Nam cũng cho biết, vấn đề tạo vùng trồng trong nước cho các nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc (bắp, đậu tương) cũng đang gặp khó khăn. Theo C.P. Việt Nam, khoảng 10 năm trước, sản lượng bắp thu mua tại Việt Nam đạt khoảng 6 triệu tấn/năm thì nay còn khoảng 1,8 triệu tấn/năm. Thực tế, C.P. Việt Nam có nhà máy sản xuất hạt giống tại huyện Định Quán để vừa cung cấp hạt giống, kỹ thuật canh tác cho nông dân, vừa bảo đảm đầu ra thu mua nông sản nhưng sản lượng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của công ty.
Đồ họa thể hiện kết quả thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh tính đến cuối tháng 9-2023. Đồ họa: Hoàng Hải |
Chia sẻ những khó khăn chung của các DN FDI tại các KCN, ông Nguyễn Trí Phương, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh cho rằng, khó khăn chung đối với các DN FDI hiện nay là một số thủ tục hành chính như thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC, thủ tục môi trường đang là vấn đề mà nhà đầu tư, DN gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, nhiều DN cho rằng, các quy định mới về PCCC theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ có độ "vênh" trong cách hiểu và thực thi, khiến vướng mắc về PCCC chưa thể giải quyết ngay và DN gặp khó khăn trong kinh phí để khắc phục theo yêu cầu an toàn PCCC. Do đó, các DN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành xem xét nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi triển khai công tác thẩm duyệt, thi công PCCC, nghiệm thu đưa công trình đi vào sử dụng.
Đồng Nai đang đứng đầu cả nước về định hướng quy hoạch phát triển các KCN. Cơ chế quản lý một cửa, tại chỗ phát huy được hiệu quả, các thủ tục hành chính trong KCN được phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý thực hiện đã phát huy tốt, một số thủ tục được thực hiện rút ngắn thời gian từ 30-50% so với quy định. Các KCN trên địa bàn tỉnh được xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối thuận tiện với các tuyến giao thông, có tỷ lệ lấp đầy cao (86%). Đến nay, 100% các KCN đang hoạt động đều có nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham quan một nhà máy sản xuất đồ điện gia dụng tại Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) |
Thời gian tới, Đồng Nai được đánh giá tiếp tục là mục tiêu của các nhà đầu tư khi hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường hàng không, đường sắt và đường biển hoàn thiện, đặc biệt là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và 7 KCN mới với trên 7,6 ngàn ha được hoàn thiện và đi vào hoạt động.
Bên cạnh những thuận lợi về hạ tầng, thủ tục, ưu đãi trong thu hút FDI, theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý, các cơ quan quản lý cần chú trọng đến vấn đề an sinh xã hội đối với người lao động (giao thông). Ngoài vấn đề thu nhập, việc làm cho người lao động, Ban Quản lý các KCN, lãnh đạo tỉnh cần quan tâm đến nhu cầu về một môi trường học tập thuận lợi cho con em người lao động, đặc biệt là khối mầm non. Đây là nhu cầu cấp bách cần được quan tâm, nhằm bảo đảm đời sống người lao động trong các KCN nói riêng và của tỉnh nói chung.
Chia sẻ về tình hình thực hiện pháp luật tại các DN FDI và hoạt động các KCN trên địa bàn tỉnh thời gian quan, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, hiện nay, vai trò của các cơ quan quản lý trong thu hút FDI đã được quy định rõ từng vị trí, cấp bậc. Tuy nhiên, Ban Quản lý các KCN hiện nay chưa có đủ các chức năng nhiệm vụ theo yêu cầu để đáp ứng. Để thúc đẩy phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh vừa ban hành quyết định thành lập Tổ công tác thúc đẩy phát triển KCN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Tổ công tác có trách nhiệm rà soát hồ sơ quy hoạch, căn cứ các quy định pháp luật có liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung thêm chỉ tiêu đất KCN trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, đánh giá cụ thể chi tiết từng KCN dự kiến bổ sung, đề xuất bố trí quy hoạch các KCN sinh thái, KCN công nghệ cao để thu hút đầu tư các dự án có công nghệ mới, giá trị tăng cao, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Từ đó, đề xuất UBND tỉnh xử lý các vấn đề liên quan thúc đẩy thành lập KCN mới và hỗ trợ các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN.