Các doanh nghiệp (DN) đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi thị trường thế giới liên tục biến động, tình hình sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, đơn hàng sụt giảm…
Hơn thế nữa, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, để tồn tại và phát triển, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân DN thì những giải pháp hỗ trợ đến từ các ngành chức năng, địa phương, các hội/hiệp hội DN là hết sức cần thiết.
Các sở, ngành, địa phương của Đồng Nai đã và đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ DN trong xúc tiến thương mại, kết nối thị trường; đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ DN thông tin thị trường, ứng dụng khoa học - công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Giám đốc Công ty TNHH Laven Group (TP.Biên Hòa) Đinh Thành Thiện bày tỏ, công ty mong muốn được kết nối, tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, các diễn đàn, hội chợ về giao thương. Thông qua các chương trình này, công ty có thêm những trao đổi để hoàn thiện sản phẩm, được kết nối với nhiều DN, khách hàng trong và ngoài nước. Qua đó, phát triển các kênh bán hàng tiềm năng, thị trường phù hợp và kết nối với các đơn vị logistics về phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai chủ trì phần đối thoại với các doanh nghiệp, hội/hiệp hội tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại Đồng Nai năm 2023. Ảnh: Hoàng Hải |
Bên cạnh đó, nhiều DN mong muốn tiếp cận nguồn vốn với lãi suất phù hợp, thủ tục đơn giản để duy trì hoạt động sản xuất, xuất khẩu khi doanh thu, lợi nhuận bị sụt giảm bởi thị trường thiếu ổn định, đầu ra bị thu hẹp.
Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện cho rằng, hiện nay, những khó khăn lớn nhất của DN, nhất là các DN nhỏ và vừa là vốn và thị trường. Vì thế, cần có thêm cầu nối giữa cơ quan quản lý, ngân hàng và DN để hướng tiếp cận nguồn vốn phù hợp, đặc biệt là các chương trình tín dụng ưu đãi. Đồng thời, địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN trong khâu xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, từ đó giúp DN tìm đầu ra, kết nối các đối tác, thị trường mới.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Tạ Thành Long cho biết, ngành ngân hàng trong tỉnh đã và đang triển khai các chương trình, giải pháp hỗ trợ tín dụng, cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên như cho vay DN nhỏ và vừa, cho vay lĩnh vực xuất nhập khẩu… Trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tăng cường các chương trình kết nối ngân hàng và DN nhằm nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, nhất là vấn đề tiếp cận vốn tín dụng...
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết giảm thuế giá trị gia tăng đến hết tháng 6-2024. Điều này tiếp tục khẳng định vai trò, sự chia sẻ của các đại biểu Quốc hội đối với các vấn đề về tài chính, DN. Những quyết sách mới luôn được ngành thuế kịp thời thông tin, giải đáp những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ông Trần Quảng Ninh, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế Đồng Nai) chia sẻ, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng sẽ đem lại lợi ích cho người dân và DN, nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước. Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong trong năm 2024.
Theo nhiều chuyên gia, các ngành chức năng, địa phương cần hỗ trợ DN bằng cơ chế, chính sách thông thoáng, dễ tiếp cận để các DN có thể triển khai các dự án, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn và phát triển trong thời gian tới…
Tại Đồng Nai, tỉnh luôn nỗ lực để tạo điều kiện về môi trường đầu tư kinh doanh, tạo niềm tin cho các doanh nhân, DN hoạt động tốt hơn. Nhiều DN vẫn xem Đồng Nai là điểm đến hấp dẫn. Các DN mong muốn là tỉnh cần tiếp tục có thêm nhiều giải pháp để cải thiện hơn nữa việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng cho DN; đầu tư hạ tầng kết nối một cách tốt hơn. Đồng Nai và các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần tăng cường liên kết vùng, phát triển các thế mạnh của từng địa phương, nâng cao sức cạnh tranh cho cộng đồng DN địa phương và trong khu vực.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh do Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường làm trưởng đoàn đã về khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh từ năm 2020 đến cuối tháng 6-2023 tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Đồng Nai |
Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM Nguyễn Hữu Nam chia sẻ, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các DN trong nước nói chung và ở khu vực Đông Nam bộ nói riêng, trong đó có Đồng Nai, có tiếp tục tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đem lại hay không còn tùy thuộc vào các yếu tố chính như: phát triển, xuất khẩu xanh, chuyển đổi công nghệ… Đặc biệt, liên kết vùng là giải pháp quan trọng trong việc thúc đẩy và gia tăng giá trị hàng hóa trong khu vực Đông Nam bộ, nhất là các mặt hàng mà các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ có thế mạnh…