Thời gian qua, Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực trong công tác chuyển đổi số (CĐS), nhất là trong các hoạt động nâng cao nhận thức của người dân, cán bộ, chuyên viên về CĐS, xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư, cải cách hành chính, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin (ICT)…
Là một trong những lĩnh vực trọng yếu, nền tảng cho sự phát triển bền vững, trong năm 2024, Đồng Nai sẽ đẩy mạnh nhiều giải pháp để cải thiện, nâng cao các chỉ số thành phần về CĐS gồm: chính quyền số, xã hội số, kinh tế số.
* Thưa ông, trong thời gian qua, Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực về CĐS. Ông đánh giá thế nào về kết quả CĐS của Đồng Nai trong năm 2023?
Năm 2023 là năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới. Năm qua là thời điểm đủ điều kiện để tiến trình CĐS tỉnh Đồng Nai gắn với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế - xã hội.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng (giữa) tham quan triển lãm giới thiệu các mô hình chuyển đổi số, hạ tầng thông minh tại Tuần lễ Chuyển đổi số Đồng Nai năm 2023. Ảnh: Hải Quân |
Trong năm vừa qua, Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực trong tiến trình CĐS, triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân, thay đổi tư duy của lãnh đạo, nâng cao kỹ năng, cán bộ, chuyên viên trong việc thúc đẩy hoạt động CĐS trên địa bàn. Trong đó, tỉnh đã ra mắt trang thông tin CĐS và ban hành kế hoạch CĐS của tỉnh. Tuần lễ CĐS Đồng Nai được tổ chức thành công vào tháng 10-2023 thu hút hơn 40 ngàn lượt người tham quan, trải nghiệm. Đây là sự kiện đánh dấu bước đi mới cho sự khởi đầu mạnh mẽ của CĐS Đồng Nai.
Theo Báo cáo về chỉ số Sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam năm 2022 (Viet Nam ICT Index 2022) do Bộ TT-TT công bố trong năm 2023, Đồng Nai xếp hạng 8 cả nước và dẫn đầu khu vực Đông Nam bộ về chỉ số này. Trong tháng 9-2023, UBND tỉnh và Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ TT-TT) đã tổ chức hội thảo phát triển công nghiệp ICT - Viet Nam International Digital Hub tại Đồng Nai.
Đặc biệt, tỉnh đã thành lập Hội đồng Tư vấn CĐS. Đồng Nai là một trong những địa phương thành lập hội đồng này sớm trong cả nước. Điều này thể hiện quyết tâm thực hiện CĐS của chính quyền địa phương. Ngoài ra, Đồng Nai có chỉ số Thương mại điện tử (EBI) ở mức cao của cả nước. Chỉ số này của tỉnh duy trì top 5 và 6 của cả nước trong những năm gần đây. Kết quả này thể hiện sự năng động và tiềm năng lớn về phát triển kinh tế số trên địa bàn.
* Trong tiến trình CĐS, Đồng Nai còn đang gặp phải những thách thức nào?
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế, các kết quả chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Qua đó các ngành, địa phương liên quan cần nhận thức rõ và có phương hướng khắc phục, nỗ lực vượt qua. Đơn cử như, công tác tham mưu chỉ đạo về CĐS trên địa bàn tỉnh còn chậm. Chỉ số CĐS (DTI) của tỉnh năm 2022 bị tụt hạng, chỉ đứng thứ 43 trên cả nước. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa còn thấp chỉ đạt 41%; tỷ lệ hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước hoàn thành phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin còn thấp chỉ đạt 35%. Một số chỉ tiêu xã hội số, kinh tế số, chính quyền số cũng chưa hoàn thành mục tiêu đề ra. Ngoài ra, các nguồn dữ liệu còn phân tán, chưa liên thông, tích hợp để hình thành nguồn dữ liệu chung phục vụ cho sự chỉ đạo, điều hành, đáp ứng các tiện ích cho người dân và doanh nghiệp (DN). Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 của tỉnh còn thấp, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Để nâng cao tỷ lệ này cần phải tuyên truyền, hướng dẫn tận tình, triển khai nhiều phương án hỗ trợ người dân.
* Tỉnh ưu tiên những giải pháp nào trong năm 2024 để cải thiện, nâng cao các chỉ số thành phần về CĐS gồm: chính quyền số, xã hội số, kinh tế số?
Trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tham mưu, triển khai thực hiện để cụ thể hóa Nghị quyết số 05 trong năm 2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về CĐS trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó cần nêu rõ những nội dung công việc cần thực hiện, tiến độ thực hiện, đặc biệt cần xác định trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương để đôn đốc triển khai đảm bảo theo yêu cầu đề ra nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số CĐS (DTI) trong những năm tới.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cùng đại diện các đơn vị, chuyên gia về chuyển đổi số chứng kiến lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Trường đại học Lạc Hồng và Công ty CP Giáo dục quốc tế Sun Edu (TP.HCM) phát triển nguồn nhân lực, xây dựng trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn tại Đồng Nai. Ảnh: Hải Quân |
Chúng tôi cũng sẽ tìm cách đẩy mạnh các giải pháp thu hút nguồn nhân lực trong và ngoài tỉnh gắn với đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong CĐS trong từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương để xây dựng lực lượng nòng cốt, hình thành đội ngũ chuyên gia CĐS để dẫn dắt, lan tỏa tiến trình CĐS. Phát triển nguồn nhân lực CĐS gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn, trong đó có chuẩn bị nguồn nhân lực cho cảng hàng không quốc tế Long Thành khi đi vào hoạt động.
Đồng thời, tăng cường đầu tư công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu CĐS của các sở, ngành, đơn vị, địa phương trên tinh thần làm đủ bước, đúng các nội dung, quy trình, quy định. Chú trọng triển khai xây dựng, đưa vào khai thác các cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh và triển khai cung cấp dữ liệu mở phục vụ cho người dân, DN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo dựa trên dữ liệu. Đặc biệt, tỉnh sẽ nâng cấp hạ tầng trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh giai đoạn mới đảm bảo vận hành ổn định vào đầu năm 2025.
* Đối với vấn đề giải ngân nguồn vốn để thực hiện các dự án về CĐS, trên thực tế, nhiều địa phương, sở, ngành còn gặp một số khó khăn, lúng túng. Trong thời gian tới, UBND sẽ có những phương án, giải pháp nào để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thực hiện các dự án CĐS trên địa bàn?
Về vấn đề này, UBND tỉnh giao Sở TT-TT làm đầu mối hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện các dự án CĐS theo yêu cầu, tiến độ đề ra, đảm bảo an toàn, an ninh mạng, bảo mật thông tin theo quy định. Các sở, ngành liên quan, nhất là Sở KH-ĐT cần tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn các đơn vị, địa phương quy trình, trình tự, thủ tục, cơ quan thực hiện, thời gian thực hiện các bước triển khai đầu tư dự án CĐS sử dụng nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn sự nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thực hiện các dự án CĐS, điều quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực từ các sở, ngành, địa phương. Lãnh đạo các sở, ngành địa phương cầnhành động quyết liệt, thay đổi tư duy để có sản phẩm về CĐS thực sự phục vụ cho người dân, DN, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sản phẩm đó cần được nghiên cứu kỹ để nâng cao chất lượng, thiết thực, hữu ích, phục vụ tốt hơn cho người dân, DN.
* UBND tỉnh đã ban hành bộ chỉ số đánh giá CĐS của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, thành phố thuộc tỉnh. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về việc triển khai bộ tiêu chí này?
Cuối tháng 12-2023, UBND tỉnh đã ban hành bộ chỉ số đánh giá CĐS của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, thành phố thuộc tỉnh. Bộ chỉ số này được thực hiện theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhằm đánh giá thực chất, sát sườn với các tiêu chí đánh giá CĐS (DTI) của Bộ TT-TT, cũng như có những điều chỉnh phù hợp, linh hoạt với tình hình của địa phương.
Đây là lần đầu tiên tỉnh triển khai bộ tiêu chí đánh giá này. Bên cạnh việc đánh giá các tiêu chí về công nghệ thông tin, CĐS, bộ tiêu chí còn hướng tới góp phần nângcao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR index) của địa phương. Bộ chỉ số này bắt đầu triển khai từ năm 2024 nhằm phục vụ theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện CĐS hàng năm của sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nâng cao vai trò, tư duy của người lãnh đạo trong việc phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu liên quan đến CĐS, nâng cao nhận thức của người dân về CĐS. Vấn đề quan trọng trong công tác CĐS ở các địa phương là người lãnh đạo, trực tiếp là người đứng đầu phải hiểu và nhận thức rõ ý nghĩa của việc CĐS.
* Những chỉ số nào sẽ là trọng tâm để đánh giá trong bộ chỉ số này?
Bộ chỉ số đánh giá CĐS cấp sở, ban, ngành thuộc tỉnh gồm 10 chỉ số chính, 40 chỉ số thành phần theo thang điểm 1.000. Các chỉ số chính gồm: nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, hoạt động chính quyền số, hoạt động kinh tế số, hoạt động xã hội số, thực hiện các nhiệm vụ cải thiện chỉ số CĐS (DTI) cấp tỉnh, kết quả CĐS (thay đổi phương thức làm việc dựa trên các công nghệ số).
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng (giữa) chủ trì hội thảo phát triển công nghiệp ICT - Viet Nam International Digital Hub tại Đồng Nai. Ảnh: Hải Quân |
Đối với UBND cấp huyện, thành phố trong tỉnh, bộ chỉ số đánh giá CĐS gồm 8 chỉ số chính, 64 chỉ số thành phần theo thang điểm 1.000. Các chỉ số chính gồm nhóm nền tảng dùng chung: nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng và nhóm chỉ số hoạt động gồm: hoạt động chính quyền số, hoạt động kinh tế số, hoạt động xã hội số.
Về cách tính, xác định điểm đánh giá, điểm chỉ số CĐS là tổng điểm các chỉ tiêu. Tổng điểm bộ chỉ số đánh giá CĐS của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, thành phố thuộc tỉnh là 1.000 điểm. Xếp hạng các đơn vị theo thứ tự từ cao đến thấp.
Định kỳ theo quý, 6 tháng, các đơn vị thực hiện báo cáo số liệu để phục vụ đánh giá theo hướng dẫn của Sở TT-TT. Kết quả năm sẽ báo cáo UBND tỉnh để đánh giá xếp hạng. Sở TT-TT sẽ công bố kết quả đánh giá, xếp hạng trên Cổng thông tin CĐS của tỉnh (chuyendoiso.dongnai.gov.vn).
* Xin cảm ơn ông!