Loạt Megastory: Xóa mọi điểm nghẽn, 'vẽ lại' bản đồ giao thông cho vùng đầu tàu Đông Nam Bộ - Kỳ 1: Ưu tiên mọi nguồn lực tăng tốc xây nhanh "hệ xương sống" của vùng
.

Loạt Megastory: Xóa mọi điểm nghẽn, 'vẽ lại' bản đồ giao thông cho vùng đầu tàu Đông Nam Bộ - Kỳ 1: Ưu tiên mọi nguồn lực tăng tốc xây nhanh "hệ xương sống" của vùng

09:16, 25/03/2024
 

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại là một trong những nhiệm vụ, giải pháp đột phá được đề ra trong Nghị quyết số 24-NQ/TW (ngày 7-10-2022) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Gần một năm rưỡi sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24, những “nét vẽ” đầu tiên trong hành trình tạo dựng “bức tranh” mới cho mạng lưới giao thông vùng đầu tàu kinh tế cả nước trên cả 5 loại hình giao thông đã dần lộ diện.

 

Đường bộ cao tốc là công trình kỹ thuật cao nhất trong hệ thống đường bộ, với quy mô hiện đại, năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn. Hệ thống đường cao tốc đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, vận tải hàng hóa, hành khách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh…

Với vùng Đông Nam Bộ, vùng đầu tàu kinh tế của cả nước, việc “phủ sóng” mạng lưới đường cao tốc mang ý nghĩa sống còn trong việc tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

 

Tháng 6-2023, đồng loạt 2 tuyến giao thông huyết mạch kết nối vùng Đông Nam Bộ là đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh chính thức được khởi công xây dựng. Theo kế hoạch, cả 2 dự án này sẽ cơ bản hoàn thành xây dựng trong năm 2025 và đưa vào vận hành khai thác trong năm 2026.

Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác trong năm 2025. Ảnh: P.Tùng
Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác trong năm 2025. Ảnh: P.Tùng

Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài hơn 53km đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Khi hoàn thành xây dựng, tuyến cao tốc này sẽ phá bỏ thế “độc đạo” mà tuyến quốc lộ 51 nắm giữ bấy lâu nay. Đồng thời, sẽ tạo kết nối vô cùng quan trọng giữa các địa phương: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Bốn địa phương này là “tứ giác” phát triển quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, đồng thời cũng là vùng động lực phía Nam, một trong 4 vùng động lực của quốc gia.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức khẳng định, khi hoàn thành, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ góp phần giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 51, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai nói riêng và cả vùng Đông Nam Bộ nói chung.

Công nhân thi công dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: P.Tùng
Công nhân thi công dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: P.Tùng

Trong khi đó, đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh kết nối các địa phương gồm: Long An, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai không chỉ đóng vai trò liên kết nội vùng Đông Nam Bộ mà còn đảm đương vai trò kết nối vùng Đông Nam Bộ với vùng Tây Nam Bộ. Dù là tuyến đường vành đai, tuy nhiên, đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang được đề xuất nghiên cứu đầu tư đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh.

“UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đang tập trung chỉ đạo tổ chức nghiên cứu phương án đầu tư nâng cấp đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh, phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế, nhu cầu vận tải theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

 

Như vậy, khi hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác, đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đóng góp cho mạng lưới đường cao tốc của vùng Đông Nam Bộ thêm gần 76km.

Như vậy, đúng với tinh thần “dồn mọi nguồn lực”, ngay sau các dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết, lần đầu tiên vùng Đông Nam Bộ “chứng kiến” 2 dự án đường cao tốc với tổng vốn đầu tư gần 95 ngàn tỷ đồng được khởi công đồng loạt.

 

Trong dự thảo quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu được đặt ra là đến năm 2030 sẽ hoàn thành xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Bắc - Nam phía Tây, Dầu Giây - Liên Khương, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Hệ thống này sẽ hoàn thành việc khép kín đường Vành đai 3, 4 - Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đối với dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, tỉnh sẽ thực hiện đoạn tuyến dài khoảng 45km theo hình thức đối tác công tư (PPP). “Hiện nay tỉnh Bình Dương đã chuẩn bị xong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đặt mục tiêu sẽ khởi công trong tháng 9-2024” - ông Võ Văn Minh cho hay.

Tương tự, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước khẳng định, địa phương đang phối hợp chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương để tập trung hoàn thiện các thủ tục, khởi công dự án Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành trong quý III-2024.

Thi công cầu Thị Vải trên tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành. Ảnh: P.Tùng
Thi công cầu Thị Vải trên tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành. Ảnh: P.Tùng

Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh thông tin thêm, hiện nay, thành phố đang phối hợp với các địa phương tập trung hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với 2 tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài trong quý II-2024. “Hồ sơ dự án Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài hiện đã thực hiện lấy ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 3-2024” - ông Bùi Xuân Cường cho biết.

 

Cũng theo ông Bùi Xuân Cường, đối với đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Các địa phương có đoạn tuyến đi qua cũng thống nhất sẽ trình Chính phủ, Quốc hội xem xét cho cơ chế đặc thù, đặc biệt là hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách trung ương để thực hiện dự án này. “Mục tiêu đề ra là trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án trong năm 2024, thực hiện và hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2028” - ông Bùi Xuân Cường cho biết thêm.

 
 

 Kỳ 2: Mở cửa 'bầu trời'

Từ khóa:

hạ tầng

Nghị quyết số 24

đông nam bộ

đột phá

phát triển kinh tế - xã hội

hạ tầng giao thông

Xem thêm bình luận