Do tốc độ chuyển đổi từ bệnh án, hồ sơ giấy sang dữ liệu điện tử quá chậm, Bộ Y tế đề xuất lùi thời hạn sang hết năm 2025, các bệnh viện hạng 1 trở lên phải triển khai bệnh án điện tử. Mục tiêu từ năm 2024 - 2028, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh phải đưa hồ sơ bệnh án điện tử vào thực hiện.
Để thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh Đồng Nai đã có chủ trương đầu tư ngành y tế để thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, có dự án EMR cho 4 đơn vị bao gồm bệnh viện tuyến tỉnh, chuyên khoa và trung tâm y tế huyện.
Anh Nguyễn Hữu Phi, Trưởng phòng công nghệ thông tin, BVĐK khu vực Long Khánh phân tích thêm, khi triển khai EMR phải thực hiện cơ chế “không được dừng”, nghĩa là cơ sở y tế phải đầu tư nhiều hệ thống dự phòng với mức đầu tư tương đương như hệ thống chính. Bởi trong quá trình sử dụng, hệ thống chính xảy ra sự cố thì khởi động ngay hệ thống dự phòng. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư các hệ thống dự phòng này cũng “đội vốn” ngang ngửa với hệ thống chính. “Đây chính là “bài toán khó” với tất cả các đơn vị khi thực hiện bệnh án điện tử” – anh Phi nhấn mạnh.
Bác sĩ xem film chụp qua máy tính tại BVĐK khu vực Long Khánh |
“Để sử dụng nguồn tiền từ quỹ đầu tư phát triển sự nghiệp của từng đơn vị đầu tư chi bệnh án điện tử gần như không thể làm được. Chúng tôi rất cần sự đầu tư, hỗ trợ của tỉnh. Trong đó, cấp trên sẽ đầu tư phần sườn chính, “xương sống” còn các đơn vị y tế sẽ giải quyết các phần phụ trợ kèm theo” – bác sĩ Đinh Cao Minh, Phó giám đốc BVĐK Đồng Nai chia sẻ.
Theo bác sĩ Minh, bệnh án điện tử là cốt lõi trong chuyển đổi số của ngành Y tế. Khi ấy, tất cả các cơ sở y tế trong và ngoại tỉnh có thể kết nối dữ liệu với nhau mang đúng ý nghĩa của chuyển đổi số. Bác sĩ Minh cho rằng: “Công nghệ hiện đại phải đi đôi với việc bảo mật thông tin tuyệt đối cho người bệnh. Nhưng nếu làm bệnh án điện tử chỉ sử dụng cho cá nhân của từng đơn vị thì không gọi là chuyển đổi số y tế. Vì vậy, việc chia sẻ thông tin bệnh nhân như thế nào để các đơn vị tiếp nhận bệnh nhân kế tiếp có thể nắm rõ tình trạng bệnh sử, tiết kiệm được các dịch vụ cận lâm sàng cho bệnh nhân… cần được tính đến khi tất cả các cơ sở đều làm EMR”.
Đầu năm 2024, ông Phạm Minh Tuấn, tạm trú phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa đã vào Bệnh viện Đồng Nai – 2 để mổ cắt túi mật. Tuy nhiên, khi chụp CT, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có u ở gan và chẩn đoán ban đầu khả năng bệnh nhân bị ung thư túi mật nên chuyển sang BVĐK Đồng Nai để chữa trị. Tại đây, các bác sĩ khoa Ung bướu và Ngoại tổng quát đã hội chẩn, xem lại các kết quả cận lâm sàng như siêu âm, xét nghiệm, chụp CT trước đó. “Nhưng film chụp do bệnh nhân cung cấp khá mờ, không rõ nên chúng tôi đã liên hệ với các đồng nghiệp của Bệnh viện Đồng Nai-2 chuyển film chụp gốc từ máy tính. Từ đó, hình ảnh rõ ràng hơn, và chúng tôi cũng đưa ra được kết quả chẩn đoán chính xác hơn. Nhất là bệnh nhân không tốn một khoản tiền khá lớn để chụp lại” – bác sĩ Lê Đức Nhân, Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK Đồng Nai nói.
Theo lãnh đạo các bệnh viện, EMR là nhu cầu cấp thiết trong vận hành, quản lý và phát triển hệ thống y tế. Bởi nhờ EMR, thông tin được lưu trữ lâu, không tốn nhiều không gian để lưu trữ như bệnh án giấy. Thời gian đầu, bác sĩ, điều dưỡng có thể khó khăn trong sử dụng thời gian đầu nhưng sẽ giảm được thời gian ghi chép sau này, giải phóng được sức lực. Quan trọng nhất là, bác sĩ có thể “truy tìm” được tiền sử bệnh sửa của bệnh nhân trước đó chỉ bằng cái nhấp chuột.
Bác sĩ xem phim chụp tại BVĐK Đồng Nai |
“Chúng tôi rất mong muốn được làm EMR càng sớm càng tốt. Hiện mỗi tháng, bệnh viện tôi tốn gần 10 tỷ đồng chi cho việc mua phim chụp X-quang, CT, biểu mẫu, bao phim X-quang, CT và giấy mực cho bệnh án giấy. Khi có EMR, chúng tôi sẽ tiết kiệm được khoản tiền đó và bù vào chi phí bảo trì, vận hành hệ thống. Hơn nữa, khi chúng tôi làm EMR được Bộ Y tế chấp nhận và Bảo hiểm xã hội chấp nhận thanh toán BHHYT bằng việc không in phim X-quang, CT, MRI thì bệnh viện và cả bệnh nhân đều được lợi” – bác sĩ Đinh Cao Minh, Phó giám đốc BVĐK Đồng Nai tính toán.
Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân nặng tại BVĐK Đồng Nai |
Nhất là những loại bệnh mang tính cấp thiết, ranh giới “sinh – tử” mong manh như đột quỵ tim hay đột quỵ não. Bác sĩ Nguyễn Đình Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh, BVĐK Đồng Nai chia sẻ, Đồng Nai mới có 4 bệnh viện triển khai cứu chữa bệnh nhân đột quỵ não gồm: BVĐK Đồng Nai, BVĐK Thống Nhất, BVĐK khu vực Long Khánh và BVĐK khu vực Định Quán. Dù các bệnh viện chưa triển khai đồng bộ bệnh án điện tử nhưng các bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh – điều trị về đột quỵ đã kết nối với nhau bằng công nghệ để hỗ trợ chuyên môn, cứu sống được nhiều bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Cách đây vài năm, bà Lê Thị Kim Hoa, 69 tuổi, ngụ xã Túc Trưng, huyện Định Quán đã vào BVĐK khu vực Định Quán trong tình trạng hôn mê sâu, yếu cả 2 chân, 2 tay. Bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế và cũng không mang theo tiền khi vào viện. Dù vậy, các bác sĩ vẫn tiến hành cấp cứu, tiêm thuốc tiêu sợi huyết ngay để tận dụng thời gian vàng cứu sống bệnh nhân bởi “tời gian là não, là tính mạng”. Sau đó, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân cần phải can thiệp bằng dụng cụ lấy huyết khối nên đã trực tiếp liên hệ với các đồng nghiệp ở BVĐK Đồng Nai để tiếp tục cứu chữa cho bà Hoa.
Bác sĩ Quang khám cho bệnh nhân sau khi cứu sống bệnh nhân thoát khỏi đột quỵ |
Một ê – kíp của Đơn vị điều trị đột quỵ BVĐK Đồng Nai đã chuẩn bị sẵn dụng cụ, phòng can thiệp để chờ bệnh nhân. “Chúng tôi đã có sẵn dữ liệu của bệnh nhân mà các đồng nghiệp cung cấp nên khi bệnh nhân tới là được chuyển thẳng vào phòng can thiệp làm các bước chữa trị tiếp theo. Sau khi được lấy huyết khối bằng dụng cụ, bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện. Đây không phải ca duy nhất mà chúng tôi liên kết để cứu bệnh nhân như vậy” – bác sĩ Quang tâm sự.
Theo bác sĩ Minh, khi các cơ sở y tế đều sử dụng EMR, bệnh viện tuyến dưới sẽ được hưởng lợi. Bởi khi ấy, dù bệnh nhân nằm ở cơ sở nào nhưng các chuyên gia tuyến trên và bác sĩ tuyến dưới vẫn có thể trao đổi trên những hình ảnh, thông tin qua EMR, từ đó, hội chẩn, thậm chí hướng dẫn chữa trị từ xa, nâng cao tay nghề chuyên môn cho bác sĩ tuyến dưới và người bệnh không phải đi lại xa xôi chữa bệnh.
Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất nằm trong danh sách 4 đơn vị sẽ được UBND tỉnh đầu tư bệnh án điện tử trong thời gian tới. Theo lãnh đạo bệnh viện, hiện tại, bệnh viện đã và đang sử dụng các phần mềm HIS, LIS và PACT. Trong đó, 2 hệ thống HIS, LIS đang hoạt động để chờ tích hợp vào EMR. “Các y, bác sĩ đã quen với việc nhập liệu khi sử dụng EMR do bệnh viện đang sử dụng song song bệnh án giấy và phần mềm quản lý bệnh bệnh viện (đã lưu trữ thông tin khám, chữa bệnh trên hệ thống). Khi có sự đầu tư của tỉnh, bệnh viện sẽ thực hiện ngay vì đội ngũ nhân viên y tế đã được làm quen với công nghệ từ nhiều năm nay” – anh Đinh Minh Hưng, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, BVĐK Thống Nhất chia sẻ.
Trung tâm Y tế huyện Cẩm Mỹ là cơ sở y tế tuyến huyện duy nhất sẽ được UBND tỉnh đầu tư bệnh án điện tử vào 2025. Trong ảnh: Các Y, bác sĩ trong 1 ca mổ sản |
Tương tự, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Mỹ là cơ sở y tế tuyến huyện duy nhất sẽ được UBND tỉnh đầu tư bệnh án điện tử sắp tới với mức hơn 30 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, trung tâm vẫn sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện (HIS) chung. Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hà, Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Cẩm Mỹ cho hay, trung tâm mới đang ở những “bước đi” đầu tiên, tập huấn cho tất cả các bác sĩ “làm quen” với nhập liệu, đưa ra chỉ định và làm tất cả các thao tác trên máy.
“Chúng tôi cần người làm công nghệ thông tin giỏi để xử lý sự cố xảy ra, đường truyền cần mạnh thì công việc mới trôi chảy. Do vậy, trung tâm đang tuyển nhân sự cho vị trí này để chuẩn bị làm EMR theo chủ trương của tỉnh” – bác sĩ Hà nhấn mạnh.
Khi được đầu tư, sử dụng EMR, các y, bác sĩ sẽ có nhiều thời gian chăm sóc bệnh nhân hơn. TRong ảnh – Y, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cấp cứu cho bệnh nhân |
Dù còn nhiều khó khăn nhưng các đơn vị vẫn có kế hoạch để nâng cấp, tính toán dung lượng lưu trữ để thuê đơn vị lưu trữ, đảm bảo tính bảo mật.
UBND tỉnh đã duyệt chủ trương đầu tư cho Ngành Y tế để thực hiện chuyển đổi số. Cụ thể, dự án EMR cho 4 đơn vị gồm: BVĐK Đồng Nai, BVĐK Thống Nhất, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai và Trung tâm Y tế huyện Cẩm Mỹ với tổng dự toán 222 tỷ đồng. Theo đó, Sở Y tế làm chủ đầu tư thực hiện dự án.
Theo đó, trên cở sở các đơn vị này đã được triền khai vận hành hệ thống quản lý thông tin bệnh viện (HIS) từ năm 2010 và từ năm 2016 đến nay. Bệnh án điện tử sẽ kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống HIS để ghi nhận lại quá trình điều trị của bệnh nhân tại bệnh viện, hướng tới việc không dùng bệnh án giấy.
Với chủ trương của UBND tỉnh, Sở Y tế sẽ đầu tư cho 4 đơn vị trên ở các hạng mục như: mua sắm trang bị hạ tầng, thiết bị CNTT phục vụ việc triển khai bệnh án điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đầu tư hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa (PACS); đầu tư phần mềm bệnh án điện tử (EMR) mức nâng cao theo tiêu chí của Bộ Y tế.
Lãnh đạo ngành Y tế cho hay, khi triển khai thành công tại các đơn vị này, đến năm 2026, ngành Y tế phấn đấu sẽ triển khai thêm cho các đơn vị khác.