[Loạt Megastory] Chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh: 'Gieo' nhận thức, 'gặt' hành động (Bài 1)
.

[Loạt Megastory] Chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh: 'Gieo' nhận thức, 'gặt' hành động (Bài 1)

Hoàng Hải
20:05, 22/10/2024
 

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang là những xu hướng của toàn cầu và là con đường phát triển tất yếu của thế giới. Phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số gắn với bảo vệ môi trường, tạo đà tăng trưởng xanh là mục tiêu Đồng Nai đang theo đuổi. Mục tiêu này phù hợp với định hướng, mục tiêu chung của cả nước.

Đồng Nai nằm trong tốp những tỉnh, thành có kinh tế phát triển nhất cả nước, có vị trí chiến lược quan trọng ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ… Do đó, yêu cầu về chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh đòi hỏi phải nhanh hơn, bền vững hơn để bắt kịp nhu cầu phát triển chung của cả nước, khu vực và thế giới.

 

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, công nghệ phát triển như hiện nay, để có thể nâng cao sức cạnh tranh thông qua chuyển đổi công nghệ, nỗ lực phát triển theo hướng bền vững, các doanh nghiệp và địa phương cần đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng xanh…

Trong đó, vấn đề thay đổi nhận thức, tư duy về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đóng vai trò tiên quyết, là nền tảng quan trọng và vững chắc góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh.

 

Khi khoa học và công nghệ ngày càng phát triển, thị trường biến động, thị hiếu của người tiêu dùng có nhiều thay đổi, việc chuyển đổi số, cũng như chuyển đổi xanh là yêu cầu được đặt ra đối với các doanh nghiệp để thích ứng, tạo ra các giá trị cạnh tranh mới.

Để chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh hiệu quả, bản thân các doanh nghiệp không còn cách nào khác là cần thay đổi tư duy, chuyển mình và hành động. Đồng thời, cần thêm nhiều sự hỗ trợ từ các địa phương, các hội, hiệp hội để tạo ra trợ lực giúp doanh nghiệp có thể từng bước số hóa trong xu thế hiện nay.

Lãnh đạo Sở Thông tin và truyền thông, Tỉnh đoàn, UBND huyện Định Quán tham quan các gian trưng bày các sản phẩm công nghệ số tại không gian triển lãm về chuyển đổi số tại chặng 1 chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10-10) ở huyện Định Quán. Ảnh: Hoàng Hải

Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Nam nhấn mạnh, các doanh nghiệp trong nước nói chung và ở vùng Đông Nam Bộ nói riêng, trong đó có Đồng Nai, có thể tiếp tục tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đem lại hay không còn tùy thuộc vào các yếu tố chính như: phát triển, xuất khẩu xanh, chuyển đổi công nghệ…

Thúc đẩy công nghệ cao, phát triển xanh sẽ là động lực nhưng cũng có thể là lực cản nếu doanh nghiệp chậm chân trong việc triển khai kế hoạch, lộ trình cụ thể và phù hợp về thay đổi nhận thức. Cùng với đó, thay đổi hành vi trong việc chuyển dịch mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình sản xuất áp dụng công nghệ mới thân thiện với môi trường, chuyển dịch năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo…

 

PGS-TS Đặng Xuân Cường, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Trường đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các doanh nghiệp trước hết cần phải chủ động thay đổi tư duy, nâng cao năng lực quản lý, công tác chuyên môn, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh hoạt động truyền thông công nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, cần tăng cường liên kết “5 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà sản xuất và ngân hàng) để giải quyếtcác vấn đề thực tế sản xuất, thúc đẩy chuyển giao công nghệ bền vững, phát triển các mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh…

Song song với sự thay đổi tư duy của các doanh nghiệp về chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh, thì vấn đề về nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là vô cùng quan trọng.

 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, kiêm Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chuyển đổi số Đồng Nai chia sẻ, điều quan trọng nhất của chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là chuyển đổi nhận thức của cả cộng đồng, của chính quyền, của doanh nghiệp và của người dân.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, truyền thông, cùng với sự hỗ trợ của các tổ công nghệ số cộng đồng sẽ giúp người dân tạo lập thói quen, hành vi ứng dụng công nghệ số, các giải pháp xanh trong đời sống, sinh hoạt. Qua đó, tích cực tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, các sản phẩm, giải pháp số; thay đổi thói quen sinh hoạt và tiêu dùng hướng tới chuyển đổi xanh…

 

Đồng Nai luôn xác định người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số, tăng trưởng xanh. Đây cũng là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển bền vững, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế…

Trong đó, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi từ cách sống, cách làm việc truyền thống sang cách sống và làm việc mới dựa trên các nền tảng công nghệ số, ứng dụng số, nguồn dữ liệu số… Đặc biệt nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, muốn chuyển đổi số trước hết phải chuyển đổi nhận thức.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nghi thức nhấn nút khai mạc chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10-10) với chủ đề Chuyển đổi số - chuyển đổi xanh chặng 2 tại huyện Trảng Bom. Ảnh: T.T

Chủ tịch Hội Tin học Đồng Nai Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ, trong tiến trình chuyển đổi số, vấn đề nâng cao nhận thức, lan tỏa tinh thần chuyển đổi số là vô cùng quan trọng trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay. Do đó, cần có thêm nhiều hoạt động kết nối, hội thảo, hội nghị về chuyển đổi số để góp phần giúp người dân, doanh nghiệp được trang bị thêm nhiều kiến thức, tư duy về chuyển đổi số, phổ cập những thông tin, kỹ năng về đảm bảo an toàn thông tin…

 

Việc ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cũng được kỳ vọng mang lại nhiều giá trị, lợi ích cho các doanh nghiệp nói riêng và cho tỉnh nói chung. Điều này góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, tăng sự linh hoạt, khả năng thích ứng và sáng tạo, giúp cải thiện quy trình sản xuất, mô hình quản trị nội bộ, quản lý được chuỗi cung ứng, nâng cao hiệu suất sản xuất, năng suất lao động của nhân viên trong doanh nghiệp…

Người dân trực tiếp trải nghiệm công nghệ thực tế ảo tại chuỗi sự kiện hưởng ứng chủ đề Chuyển đổi số - chuyển đổi xanh tại huyện Định Quán. Ảnh: Hải Quân

TS Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam - VIDE (Hội Truyền thông số Việt Nam) nhận định, Đồng Nai nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, từ lâu đã được biết đến là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt, với số lượng lớn lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, việc đào tạo và nâng cao kỹ năng số cho người lao động là một yêu cầu bắt buộc.

“Chuyển đổi số không chỉ liên quan đến việc thay đổi công nghệ mà còn cần thay đổi tư duy và nâng cao nhận thức của người lao động về cách làm việc mới trong môi trường số. Do đó, chính quyền và doanh nghiệp tại Đồng Nai cần hợp tác chặt chẽ trong việc xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về kỹ năng số, từ đó giúp người lao động thích nghi tốt hơn với môi trường làm việc số hóa và tự động hóa” - TS Trần Quý bày tỏ.

Đoàn viên tham gia hội thi Thanh niên Đồng Nai đồng hành cùng sản phẩm OCOP
của tỉnh lần thứ II. Ảnh: T.T
Đoàn viên tham gia hội thi Thanh niên Đồng Nai đồng hành cùng sản phẩm OCOP của tỉnh lần thứ II. Ảnh: T.T

Theo PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, trong xu thế công nghệ phát triển, một số giải pháp cho phát triển ngành công nghiệp Đồng Nai theo hướng xanh, sạch và bền vững như: tận dụng, khai thác phù hợp các thành tố của cách mạng công nghiệp 3.0 và cách mạng công nghiệp 4.0 trong phát triển sản xuất công nghiệp bền vững; đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số.

 

Ngoài ra, cần phát triển mô hình khu công nghiệp theo hướng sản xuất sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm hỗ trợ công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái; phát triển kinh tế tuần hoàn, công nghiệp theo hướng xanh, sạch, bền vững… Trong đó, vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng số, nhận thức về tăng trưởng xanh có vai trò quan trọng, cấp thiết trong việc thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, bền vững…

 
 
Từ khóa:

Chuyển đổi số

bảo vệ môi trường

tăng trưởng xanh

định hướng

thu hút đầu tư

chuyển đổi xanh

Xem thêm bình luận