Để có thể nâng cao sức cạnh tranh, tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, các doanh nghiệp cần tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường và đáp ứng các yêu cầu về chuyển đổi kép, bao gồm chuyển đổi chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh. Do đó, tại Đồng Nai, các doanh nghiệp trong và ngoài nước ngày càng chú trọng vấn đề này.
Thời gian qua, trong xu thế chung của toàn cầu về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng thực hiện đổi mới công nghệ, sản xuất, tiêu dùng bền vững, phát triển các mô hình nhà máy thông minh. Qua đó, linh hoạt thích ứng, đáp ứng và đồng hành với khách hàng hiệu quả hơn, phát triển bền vững trong bối cảnh mới.
Đại diện Tổng công ty Sonadezi cho biết, Sonadezi đã thành lập Ban Chuyển đổi số và quản lý chất lượng, đồng thời tại các công ty thành viên cũng có nhân sự chủ chốt chịu trách nhiệm phối hợp với Tổng công ty để tổ chức triển khai các chương trình chuyển đổi số trong toàn hệ thống Sonadezi. Qua đó, Tổng công ty đã triển khai, vận hành các dự án chuyển đổi số, nổi bật như phần mềm báo cáo quản trị thông minh sử dụng nền tảng Tableau là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất về Business Intelligence trong việc tích hợp, phân tích và trực quan hóa dữ liệu.
Đây là dự án chuyển đổi số đầu tiên được triển khai trong toàn hệ thống Sonadezi. Mục tiêu của dự án là xây dựng hệ thống dữ liệu tập trung và giúp người dùng “hô biến” nguồn dữ liệu phức tạp, khô khan thành những biểu đồ sinh động, những insight trực quan đắt giá. Hệ thống dữ liệu này của Sonadezi được xây dựng theo hướng mở, có thể chia sẻ và tích hợp với các nguồn dữ liệu lớn, phức tạp (big data) trong tương lai nhằm khai thác hiệu quả các nguồn dữ liệu tập trung của Tổng công ty và của mỗi công ty thành viên.
Dây chuyền sản xuất theo hướng tự động hóa của một doanh nghiệp về chế biếnthực phẩm tại Khu công nghiệp Hố Nai (huyện Trảng Bom). Ảnh: Hoàng Hải |
Đồng thời, bên cạnh dự án chuyển đổi số chung của toàn hệ thống, Sonadezi đã nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp tự động hóa và số hóa cần thiết, đáp ứng đặc thù của từng ngành nghề, lĩnh vực và ưu tiên tính tích hợp với hệ thống số hóa của toàn tổng công ty. Đơn cử như: hệ thống phần mềm cảng điện tử (ePort - electronic Port); ứng dụng quản lý khách hàng CRM, cập nhật hệ thống mạng lưới cấp nước trên nền tảng GIS (bản đồ số), quản lý áp lực mạng lưới và vận hành máy bơm bằng hệ thống các biến tần trong mảng cung cấp nước sạch…
Ngoài ra, Sonadezi đã và đang triển khai các giải pháp vận hành tự động tại các nhà máy nước bằng hệ thống Scada, lắp đặt các thiết bị thông minh và tiến tới việc thành lập Trung tâm Điều hành tập trung. Trong mảng dịch vụ môi trường, hệ thống Sonadezi đầu tư các dự án xử lý chất thải, xử lý nước thải theo hướng nâng cao tỷ lệ tự động hóa.
Tương tự, Giám đốc Nhà máy Nestlé Trị An (tại khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa) - Công ty TNHH Nestlé Việt Nam Trương Hoàng Phương chia sẻ, mô hình chuyển đổi số tại các nhà máy của Nestlé được dựa trên mô hình xây dựng các nhà máy thông minh. Trong đó, nhà máy thông minh sẽ dựa trên 3 nhân tố chính. Một là tạo ra đội ngũ lao động linh hoạt dựa trên các giải pháp số. Hai là dựa trên việc làm chủ quy trình bởi việc kết nối dữ liệu. Ba là đầu tư các công nghệ mới, linh hoạt về mặt tự động…
Nhà máy Nestlé Trị An của Nestlé tại Việt Nam tại Khu công nghiệp Amata (thành phố Biên Hòa) đang triển khai mô hình nhà máy thông minh. Ảnh: Hương Giang |
Theo đó, Nestlé Trị An là một trong 6 nhà máy của Nestlé tại Việt Nam được đánh giá là nhà máy hiện đại nhất với mô hình nhà máy thông minh thành công. Chuyển đổi số đã mang lại kết quả kinh tế và môi trường tích cực, như: giảm 60% thời gian dừng máy ngoài kế hoạch, tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm nhờ tối ưu hóa cảm biến thông minh và dữ liệu số hóa; giảm 50% lượng giấy tiêu thụ nhờ áp dụng các ứng dụng điện tử cho quy trình hành chính; giảm 20% chi phí bảo dưỡng bằng cách sử dụng cảm biến dự báo tình trạng máy móc; giảm 38 ngàn tấn CO2 phát thải mỗi năm…
Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ trên địa bàn tỉnh đã chủ động ứng dụng các tiêu chí sạch, xanh vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn đến tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập, cũng như thị hiếu tiêu dùng có nhiều thay đổi như hiện nay.
Nhiều doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo thông qua việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái nhà xưởng; khuyến khích sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, sử dụng các nguồn nguyên liệu tái chế, đầu tư các loại máy móc hiện đại, tiêu tốn ít nhiên liệu, giảm phát thải...
Theo đại diện Sonadezi, tổng công ty luôn chú trọng việc đáp ứng các điều kiện sản xuất xanh, bền vững của khách hàng, xem trọng các yếu tố an toàn, bảo vệ môitrường và hệ sinh thái. Đặc biệt, việc phát triển hạ tầng xanh trong các khu công nghiệp được Sonadezi xác định là một mục tiêu quan trọng để đón dòng đầu tư chất lượng cao và góp phần giúp các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đạt được các tiêu chí về sản xuất xanh, sản phẩm xanh, đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn trên thế giới.
Ông Vũ Thanh Tân, đại diện bộ phận truyền thông của Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam - đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Big C/GO! cho biết, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo ngày càng được quan tâm, nhiều công ty trên toàn thế giới, trong đó có Central Retail đã đẩy mạnh việc cam kết sử dụng năng lượng xanh với nhiều hành động cụ thể. Tính đến đầu năm 2024, 21 trung tâm thương mại GO! được lắp đặt hệ thống mái năng lượng mặt trời, cung cấp tổng sản lượng 3,8 triệu kWh/năm.
Hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái được lắp đặt tại siêu thị mini go! Nhơn Trạch (một thành viên của Central Retail Việt Nam). Ảnh: Ngọc Thành |
Mới đây nhất, hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái đã được lắp đặt tại siêu thị mini go! Nhơn Trạch (một thành viên của Central Retail Việt Nam) chính thức đưa vào vận hành, cung cấp hơn 551 MWh năng lượng tái tạo hàng năm. Bên cạnh đó, dự kiến sắp tới, 10 máy thu gom chai nhựa, vỏ lon nhôm sẽ được đưa vào hoạt động tại các trung tâm thương mại GO!, qua đó góp phần trở thành cầu nối giúp khách hàng chủ động tham gia cùng hành trình xanh, phát triển bền vững…
Bên cạnh hoạt động sản xuất xanh, những năm gần đây, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam nói chung và ở Đồng Nai nói riêng đang phát triển thực sự về chiều sâu. Người tiêu dùng không chỉ coi trọng các yếu tố chất lượng cảm nhận, độ bền, giá cả, mà ngày càng quan tâm đến sản phẩm tốt cho sức khỏe.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất, tập đoàn về bán lẻ, cung ứng, phân phối hàng hóa ngày càng chú trọng đến các mục tiêu về tiêu dùng, tăng trưởng xanh. Việc phát triển các hệ thống siêu thị, bán lẻ hiện đại góp phần không nhỏ trong việc đưa các sản phẩm xanh, sạch đến gần hơn với người tiêu dùng vì đa số đều được kiểm soát về chất lượng, mẫu mã và giá cả với hệ thống phân phối, logistics chuyên nghiệp.
Người tiêu dùng tham khảo các loại nông sản sạch, đảm bảo yêu cầu về truy xuất nguồn gốc xuất xứ tại một siêu thị ở thành phố Biên Hòa. Ảnh: Hoàng Hải |
Chị Lê Thanh Hiền (ngụ phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa) cho biết: “Tôi ngày càng chú trọng, xem kỹ thông tin trên sản phẩm, nhất là các yêu tố xanh, truy xuất nguồn gốc để lựa chọn mua sản phẩm. Bên cạnh đó, trong xu hướng thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến ngày càng phát triển thì việc các nhà sản xuất, nhà cungứng sản xuất thông tin minh bạch, chân thật, nhận được nhiều đánh giá tốt về sản phẩm sẽ là một điểm cộng để người tiêu dùng tin tưởng chọn mua”.
Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai Phạm Gia Hải nhấn mạnh, xu hướng tiêu dùng xanh, an toàn, bền vững mang tính xã hội sâu sắc với những sản phẩm nhãn xanh, nhãn an toàn, sản phẩm đáp ứng các tiêu chí về môi trường, đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng, hướng tới kinh tế xanh, bền vững… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng cần đảm bảo đạo đức, chữ tín trong sản xuất, kinh doanh, từ đó giữ vững thương hiệu của doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh - tiêu dùng lành mạnh, văn minh.
Theo nhiều chuyên gia, một trong những thách thức lớn đối với các địa phương, trong đó có Đồng Nai đó là việc cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn còn e ngại về chi phí đầu tư vào côngnghệ xanh và việc thay đổi quy trình sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Tuy nhiên, cần hiểu rằng, đầu tư vào công nghệ sản xuất xanh không chỉ là yêu cầu của thị trường, mà còn là cơ hội để nâng cao năng suất và giảm thiểu rủi ro về môi trường…
Ông Vũ Thanh Tân cho biết thêm, trong thời gian qua, hành trình xanh của Central Retail Việt Nam khởi đầu mạnh mẽ thông qua loạt sáng kiến phù hợp với giá trị về trách nhiệm xã hội và tính bền vững của một tập đoàn bán lẻ, như: chương trình bán túi Lohas không lợi nhuận; hỗ trợ đóng thùng giấy carton chứa hàng hóa miễn phí tại chuỗi cửa hàng bán lẻ thực phẩm; khuyến khích khách hàng tái sử dụng túi mua hàng.
Ngoài ra, còn có các hoạt động thí điểm sử dụng bao bì, khay đựng thức ăn chế biến được làm từ bã mía có khả năng phân hủy sinh học; cung cấp các sản phẩm có lượng phát thải carbon thấp; triển khai hệ thống phân loại rác thải tại các trung tâm thương mại GO!...
Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp ngành dệt may tại Cụm công nghiệp Phú Cường (huyện Định Quán). Ảnh: Hoàng Hải |
Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Tạ Quang Trường nhận định, các nền tảng quản lý việc thực hiện cam kết ESG là công cụ rất cần thiết để các doanh nghiệp tại Đồng Nai có thể giữ vững và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ra thị trường các nước phát triển. Đây một trong trong những yếu tố trọng tâm để thúc đẩy các công nghệ số cần thiết cho “xanh hóa”, tăng năng suất, tiết kiệm nguyên vật liệu, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn…