Năm 2024 là năm bản lề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của nhiệm kỳ 2021-2026 nên ngay từ đầu năm, Quốc hội đặt ra yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giữ vững an sinh xã hội.
Nhưng 2024 cũng là năm đầy thử thách khi trước đó, nền kinh tế được cho là “chạm đáy khủng hoảng”, doanh nghiệp khó khăn, tình hình quốc tế phức tạp… và nhiều khó khăn nội tại cần tháo gỡ. Trong bối cảnh này, vai trò lập pháp, kiến tạo thể chế, tháo gỡ vướng mắc pháp lý, cải tiến khung luật pháp cho phù hợp với thực tiễn càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Quốc hội đã đối diện với khối lượng công việc khổng lồ, trong đó không ít lần trình dự án luật lúc nửa đêm, những tối sáng đèn, những kỳ họp kéo dài không ngày nghỉ. Và đằng sau đó là tinh thần lập pháp chủ động - kiến tạo: điểm son của cả nhiệm kỳ Quốc hội 2021-2026 và là kết quả sinh động từ sau bản kết luận đặc biệt chưa từng có của Bộ Chính trị - kết luận số 19-KL/TW về Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV vào tháng 10-2021.
Luật Đất đai (sửa đổi) được đánh giá là bộ luật có ảnh hưởng lớn nhất đến xã hội khi phạm vi chi phối của luật này trải rộng từ miếng đất diện tích vài chục mét vuông đến những siêu dự án hàng chục ngàn héc ta, chi phối quyền lợi và nghĩa vụ của từng cá nhân, hộ gia đình đến mọi địa phương, tổ chức.
Quốc hội cũng xác định, đây là dự án luật quan trọng nhất của Quốc hội trong nhiệm kỳ 2021-2026 nên được áp dụng quy trình đặc biệt, chưa có tiền lệ. Và vào ngày 1-8-2024 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Luật Đất đai (sửa đổi) chính thức được thông qua.
Khu đô thị Aqua City (thành phố Biên Hòa) được Quốc hội giám sát tháo gỡ những vướng mắc. |
Để các bộ luật được thông qua, các đại biểu Quốc hội đã làm việc thâu đêm, bất kể ngày nghỉ để nhanh chóng hoàn thành - trong đó, Luật Đất đai (sửa đổi) là minh chứng sinh động nhất cho tinh thần lập pháp chủ động của cả nhiệm kỳ này.
Sau 10 năm thực thi, Luật Đất đai đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Trong đó, có những vấn đề phát sinh luật chưa quy định, dẫn đến hàng loạt dự án trên các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, bất động sản, du lịch, thương mại dịch vụ, công nghiệp… bị đình trệ, hàng loạt dự án “đắp chiếu” nằm chờ, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển, tăng trưởng kinh tế của các tỉnh, thành trên cả nước.
Nhận thấy những điểm “nghẽn” đó, ngày 16-6-2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển. Trong đó, đặt ra yêu cầu là sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2023. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai.
Tuy nhiên, điều đáng nói là từ trước đó 1 năm, tức là giữa năm 2021, Chủ tịch Quốc hội đã làm việc với Bộ Tài nguyên và môi trường - cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật để nghe báo cáo rà soát sửa đổi Luật Đất đai.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) rất quan trọng nên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức rất nhiều hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo. Đặc biệt, với tính chất quan trọng của dự án luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo luật.
Là một bộ luật quan trọng bậc nhất, Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến hàng chục bộ luật khác. Do đó, khi xây dựng nội dung, ngoài việc cơ quan soạn thảo phải nghiên cứu kỹ các luật có liên quan để điều chỉnh, tránh chồng chéo, mâu thuẫn nên khối lượng công việc mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu phải làm rất “khổng lồ”.
Tháng 10-2022, lần đầu tiên dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV để lấy ý kiến. Sau đó, trong năm 2023, Quốc hội có thêm 4 lần thảo luận để hoàn thiện luật này. Mục đích là để khi ban hành, áp dụng vào thực tế, bộ luật này có thể khơi thông được những vướng mắc, tạo cơ chế cho phát triển kinh tế của đất nước.
Theo đánh giá của Quốc hội, đây là dự án luật quan trọng nhất trong cả nhiệm kỳ của Quốc hội, thu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, các bộ, ngành, địa phương, chuyện gia, người dân, doanh nghiệp, hiệp hội trên cả nước.
Đặc biệt, vào tháng 1-2024, tại kỳ họp bất thường của Quốc hội, phòng họp của Ủy ban Kinh tế tại Nhà Quốc hội gần như đã sáng đèn liên tục đến 12 giờ đêm, có khi tới 3-4h sáng trong nhiều ngày. Bởi vì, các đại biểu tập trung rà soát, tiếp thu, điều chỉnh dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy thời gian cấp bách nhưng Quốc hội đòi hỏi dự án luật phải bảo đảm chất lượng.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là luật duy nhất trải qua 4 kỳ họp Quốc hội, 2 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 8 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều buổi làm việc do Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì. Điều này cho thấy, Quốc hội rất đề cao chất lượng, hiệu quả của luật trong hoạt động lập pháp.
Trong quá trình đó, Chính phủ rà soát lại các luật bộ luật, luật có mối quan hệ với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, có 88 bộ luật, luật có nội dung quy phạm pháp luật về đất đai và 24 luật không có nội dung quy phạm pháp luật về đất đai nhưng có ảnh hưởng đến quản lý, sử dụng đất. Ngoài ra, còn có 22 bộ luật, luật có quy định vướng mắc, chồng chéo với các quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Cuối tháng 12-2023, khi làm việc về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã nhấn mạnh, quá trình hoàn thiện dự thảo luật được Quốc hội, Chính phủ thực hiện khối lượng công việc rất lớn. Mọi ý kiến của chuyên gia, hiệp hội, tổ chức, chính quyền các cấp, người dân, doanh nghiệp đều được tổng hợp, rà soát, tiếp thu để chỉnh sửa. Mục đích là để khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ tháo gỡ được cơ bản vướng mắc, phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai.
Luật Đất đai có tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Đây cũng là dự án luật có tác động sâu rộng nhất, liên quan tới nhiều luật nhất.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường đánh giá, sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Đất đai, có những điểm không còn phù hợp. Vì thế, sửa đổi luật sẽ khơi thông các điểm “nghẽn” về chính sách, từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đồng thời, bảo vệ quyền lợi cho người dân, giải quyết được nhiều vụ việc chanh chấp, khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến đất đai.
Với tốc độ phát triển nhanh, nhiều tỉnh thành, trong đó có Đồng Nai đã gặp nhiều vướng mắc về đất đai trong quá trình triển khai các dự án về hạ tầng kỹ thuật, du lịch, logistics, bất động sản, thương mại dịch vụ… Đơn cử như: chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng; xây dựng trên đất nông nghiệp để phát triển du lịch nông nghiệp; hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất…
Quốc hội ban hành sớm Luật Đất đai sửa đổi tạo thuận lợi cho Đồng Nai và nhiều tỉnh trong việc chuyển đổi đất rừng để thực hiện các dự án giao thông quan trọng. Trong ảnh: Rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch). |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết, Đồng Nai đang triển khai rất nhiều dự án quan trọng của quốc gia, tỉnh. Hầu hết, các dự án đều phải thu hồi đất ở của người dân nên tỉnh cũng như người dân đều kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) đi vào cuộc sống sẽ tháo gỡ được những vướng mắc lâu nay, đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, sớm giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Khi các dự án triển khai đúng tiến độ, đưa vào khai thác sẽ tạo đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh và vùng Đông Nam Bộ.
Vì liên quan đến nhiều người, nhiều lĩnh vực nên dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thu hút hơn 12 triệu lượt ý kiến trong 2,5 tháng, là dự án luật có số lượng tham gia đóng góp ý kiến “khủng” nhất từ trước tới nay. Hầu hết các cấp, các ngành, chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội… đều tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến cho dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng chứng minh cho điều Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ngày càng có uy tín với nhân được, được người dân tin tưởng và cùng góp sức xây dựng pháp luật. Đồng thời qua đó, cũng cho thấy Quốc hội luôn gần dân, lắng nghe dân, tiếp thu chọn lọc ý kiến của người dân để đưa vào luật.
Thành phố Biên Hòa là nơi triển khai gần 100 dự án trên các lĩnh vực. |
Vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Quốc hội khóa XV đã liên tiếp thông qua các luật có liên quan trực tiếp đến quá trình triển khai các dự án nhà ở là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Các luật trên đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. Thế nhưng, do mức độ cấp thiết, sự mong đợi của người dân, doanh nghiệp và trước kiến nghị của Chính phủ, Quốc hội đã đồng ý cho 3 dự án luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2024.
Việc 3 bộ luật trên có hiệu lực sớm khoảng 5 tháng có ý nghĩa rất lớn, vì tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ giúp quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở, thị trường bất động sản hiệu quả. Đồng thời, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản phát triển lãnh mạnh và bền vững, đặc biệt là nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.
Vào cuối tháng 5-2024, khi Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Chính phủ, các bộ, ngành cần ban hành sớm các nghị định, thông tư để hướng dẫn tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua. Mục tiêu nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, địa phương để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển ổn định, tăng năng lực nội tại, tăng sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trước tình hình diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới.
Sản xuất linh kiện máy móc tại một nhà máy Khu công nghiệp Amata (thành phố Biên Hòa). |
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trước khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành 10 Nghị định, 1 Quyết định; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành 5 thông tư. Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết để tạo sự thống nhất, đồng bộ và căn cứ pháp lý cho việc triển khai thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) thuận lợi, phát huy hiệu quả của các chính sách mới, tiến bộ mà Luật Đất đai (sửa đổi) đã đề ra.