Quay trở về thế kỷ trước, làng Lời (xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao)-một ngôi nằm dọc ven sông Hồng hiền hòa, thơ mộng, quanh năm đỏ nặng phù sa. Ở nơi đây, người dân thuần nông chỉ trồng lúa, khoai và những vụ ngô bên bãi sông, nghề phụ chỉ có đánh gai, đan chũm, lưới kéo cá.
Dù trải qua bao thăng trầm, người dân làng Lời thuộc xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao vẫn luôn âm thầm “giữ lửa” nghề đan chũm qua bao thế hệ. Những chiếc chũm sợi gai, chũm sợi dù là sản phẩm từ đôi bàn tay khéo léo của người dân nơi đây, không chỉ là công cụ đánh bắt cá mà còn là một phần hồn của làng quê.
Thăm xã Vĩnh Lại vào những ngày cuối tháng 10, chúng tôi thấy những người lớn tuổi như bà Nguyễn Thị Huệ, 77 tuổi (xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao) đã cống hiến cả đời cho nghệ thuật đan chũm gai đang chăm chỉ ngồi đan từng mắt chũm trước hiên nhà với đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt, khéo léo.
Chũm sợi gai là sản phẩm từ đôi bàn tay khéo léo của người dân xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao. |
Để làm ra sợi gai phải mất nhiều thời gian và công đoạn. Cây gai trồng đủ 45 ngày sẽ được đem về tuốt lá, tước bẹ. Sau khi phơi khô, tiếp tục đem ngâm nước để loại bỏ nước nhớt. Người làm sẽ tiến hành tước nhỏ sợi gai theo ý muốn, lấy tay vê thành sợi. Trong quá trình vê sợi, cần cho gio trấu vào tay để giảm độ rát. Các sợi gai sau khi vê thành sợi dài nối tiếp nhau sẽ được cuộn tròn gọn gàng.
Chờ những lúc trời râm mát, lấy nước làm ướt sợi gai, tiến hành quay xa để hai sợi se vào nhau, tạo thành một sợi đồng nhất. Tiếp tục cuốn sợi gai vào guồng tre rồi tiến hành gài sợi gai vào ghim tre để đan chũm bắt cá.
Bà Huệ chia sẻ: “Để hoàn thành một chiếc chũm làm từ sợi gai, người đan giỏi cũng phải mất 2-4 ngày. Vất vả như vậy nên giờ người dân trong xã chuyển sang đan chũm bằng sợi dù. Sợi dù tiện lợi, dễ sử dụng, thời gian đan nhanh gấp đôi nhưng lại mất đi vẻ đẹp tự nhiên và giá trị truyền thống. Chỉ còn tôi vẫn nặng lòng với sợi gai”.
Trong quá trình phát triển, nguyên liệu để đan chũm cũng đã có sự thay đổi. Thay vì sử dụng sợi gai như trước đây, bà con nơi đây đã chuyển sang dùng sợi dù, một nguyên liệu dễ dàng tìm mua.
Dụng cụ để đan chũm. |
Để hiểu hơn về nghề đan chũm, chúng tôi đến nhà bà Chu Thị Giữ, 85 tuổi ở xã Vĩnh Lại, đã gắn bó với nghề đan chũm hơn 70 năm.
Bà Giữ cho hay: “Tôi không rõ nghề đan chũm gai có từ bao giờ nhưng khi tôi lớn lên đã thấy cha mẹ, ông bà đan chũm. Trẻ con ngày xưa cứ lên 8 tuổi là biết đan. Khi đan chũm phải quan sát đan các mắt đều nhau.
Thời gian hoàn thành một chiếc chũm tùy thuộc vào nhu cầu của người đan muốn đan mắt thưa hay mau. Phải đan 160 lượt mới có thể hoàn thành một chiếc chũm hình vuông dài khoảng 1-3 sải tay. Nếu đan chũm mau sẽ mất khoảng 3 ngày, còn thưa mắt thưa là 1-2 ngày.
Ngày xưa, để nuôi sống cả gia đình, ngoài nghề chính là làm ruộng thì chúng tôi có nghề tay trái là đan chũm. Bởi vậy bà con nơi đây vẫn thường có câu:
Nghề đan chũm giờ cũng mai một dần vì người trẻ họ theo đuổi công việc khác kiếm thêm nhiều thu nhập hơn, không còn mặn mà với nghề thủ công của ông bà, cha mẹ. Hiện cả xã chỉ còn những ông bà lớn tuổi biết đan chũm và đặc biệt, họ đều ở tuổi “xưa nay hiếm” .
Theo lời kể của bà Giữ, ngày xưa, chũm gai được bán với giá từ 5.000 đến 7.000 đồng/chiếc. Còn bây giờ, chũm dù và chũm gai bán với giá dao động từ 40.000 đến 100.000 đồng/chiếc.
Hơn nửa thập kỷ trôi qua, ngoại trừ lúc ốm đau hoặc nhà có việc, bà Phạm Thị Thứ (xã Vĩnh Lại Thao, huyện Lâm) luôn cần cù đan chũm đem đi bán. Bà Thứ chia sẻ: “Nghề này ở xã tôi cũng mai một nhiều vì ao hồ đã lấp bớt, không còn nhiều người dùng chũm kéo cá. Ở xã cứ 5 ngày lại có một phiên chợ, người dân tích cực làm rồi đem ra chợ giao bán".
Nặng lòng với nghề nên những người lớn tuổi trong làng vẫn luôn trăn trở về sự mai một. Họ cho rằng, nếu không có sự quan tâm từ thế hệ trẻ, nghề đan chũm sẽ khó có thể tồn tại. Và nếu như có thể kết hợp giữa những kỹ thuật truyền thống và sự sáng tạo của thế hệ trẻ, nghề đan chũm ở Vĩnh Lại có thể sẽ không chỉ tồn tại mà còn phát triển hơn nữa trong tương lai.
Nghề đan chũm tại xã Vĩnh Lại từ đó cũng đối mặt với sự mai một đáng lo ngại. Một thời, nghề này không chỉ là nguồn sống chính cho nhiều gia đình mà còn là biểu tượng văn hóa đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghiệp và thương mại đã làm giảm đi nhu cầu sử dụng chũm truyền thống, khi mà các sản phẩm công nghiệp ngày càng dễ dàng tiếp cận và giá thành cạnh tranh hơn.
Thêm vào đó, những người trẻ tuổi trong xã không còn mặn mà với nghề đan chũm, ít quan tâm đến việc kế thừa nghề truyền thống, thay vào đó là xu hướng tìm kiếm những công việc ổn định và có thu nhập cao hơn. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề, khiến nghề đan chũm dần bị mai một.
Dù đang phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng sự cống hiến và tâm huyết của những người lớn tuổi vẫn là ngọn lửa giữ gìn nghề truyền thống. Nghề đan chũm không chỉ là công việc mà còn là niềm tự hào của người dân nơi đây.
Một số người cao tuổi vẫn duy trì nghề để gìn giữ truyền thống, nhưng số lượng ngày càng ít ỏi. Nếu không có sự quan tâm, bảo tồn từ cả cộng đồng và chính quyền, nghề đan chũm tại Vĩnh Lại có nguy cơ trở thành quá khứ, mang theo những giá trị văn hóa, lịch sử quý báu và “hồn cốt” của địa phương.
Theo BaoPhuTho