Báo Đồng Nai điện tử
En

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022: Phát huy vai trò, tiếng nói của dân

Đoàn Phú
08:41, 21/08/2023

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2023) có nhiều quy định mới. Trong đó luật quy định rất rõ những việc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát...

Luật gia Phạm Thanh Phương, Hội Luật gia tỉnh phát tài liệu Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 cho người dân xã Cây Gáo (H.Trảng Bom)
tại buổi tuyên truyền. Ảnh: Đ.PHÚ
Luật gia Phạm Thanh Phương, Hội Luật gia tỉnh phát tài liệu Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 cho người dân xã Cây Gáo (H.Trảng Bom) tại buổi tuyên truyền. Ảnh: Đ.PHÚ

Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu đúc kết, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 có tính ưu việt là hướng tới xây dựng một nền dân chủ thuộc về nhân dân, phát huy tiếng nói, vai trò của nhân dân tại cơ sở, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

* Các quy định mới nổi bật

Theo Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu, việc “dân biết, dân tham gia, giám sát, bàn bạc, hiến kế…” được Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 thể hiện khá đầy đủ, cụ thể tại các điều, mục của chương 2 về thực hiện dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn.

Chẳng hạn luật quy định cụ thể một số nội dung chính quyền xã phải công khai thông tin cho người dân biết, nắm để giám sát, theo dõi  như: nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã. Việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án đối với địa bàn cấp xã; các khoản huy động nhân dân đóng góp. Tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán, thanh lý, tiêu hủy và hình thức xử lý khác đối với tài sản công do cấp xã quản lý; tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công của chính quyền địa phương cấp xã…

Bên cạnh đó, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 cũng quy định 10 hình thức công khai thông tin bao gồm: thông qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa UBND cấp xã với nhân dân; việc tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của UBND cấp xã theo quy định của pháp luật; mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã, tại thôn, tổ dân phố...

Luật gia Phan Văn Châu cho biết thêm, so với  Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20-4-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (gọi tắt là Pháp lệnh số 34) thì Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 ngoài kế thừa, còn bổ sung rất nhiều nội dung, hình thức mới bắt buộc chính quyền cấp xã phải niêm yết, công khai cho dân biết. Từ đó giúp người dân nắm chắc, kịp thời, hiểu đúng và đầy đủ chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và của các cấp chính quyền nhằm thực hiện tốt nhất các quyền của mình như: bàn và quyết định (từ Điều 15 đến Điều 24); tham gia ý kiến (từ Điều 25 đến Điều 29); kiểm tra, giám sát (từ Điều 30 đến Điều 45) với tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm.

* Tạo được sự đồng thuận

Ông Xíu Lũy Sầu (dân tộc Hoa, ngụ ấp Tân Lập, xã Cây Gáo, H.Trảng Bom) bày tỏ, các quyền của người dân, cộng đồng dân cư được Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 bắt buộc chính quyền cơ sở, ấp, tổ nhân dân, cán bộ, công chức thực thi nghiêm, đầy đủ, chính xác, công khai, minh bạch; nếu không thực thi, thực thi chiếu lệ thì có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính; gây thiệt hại thì phải bồi thường. Qua đó giúp  người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình và sẽ phát huy tốt quyền này khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 có hiệu lực.

Theo khoản 3 và 4, Điều 9, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, các hành vi: lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để xuyên tạc, vu khống, gây mâu thuẫn, kích động bạo lực, phân biệt vùng, miền, giới tính, tôn giáo, dân tộc, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… bị nghiêm cấm.

Bà Lê Thị Oanh, Chi hội trưởng phụ nữ ấp Cây Điệp (xã Cây Gáo) cũng cho rằng, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 có nhiều ưu việt, khắc phục được những hạn chế Pháp lệnh số 34. Cụ thể, Pháp lệnh số 34 thiếu những quy định cụ thể, minh bạch về thời gian, cách thức công khai thông tin của chính quyền cấp xã nên nhiều vấn đề người dân muốn biết, giám sát, bàn bạc, quyết định thì không thực hiện được hoặc thực hiện chưa tốt vì thông tin được cung cấp hạn chế.

“Nay Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định rõ thời gian, địa điểm, cách thức, nội dung công khai thông tin cho dân biết và xác định đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của chính quyền. Do đó, nếu chính quyền không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ có thể bị xử phạt hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường” - bà Oanh bày tỏ.

Đồng Nai là tỉnh về đích nông thôn mới (NTM) đầu tiên của cả nước, hiện nay các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tiến tới mục tiêu NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Trong xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu,  nhiều công trình được làm theo hình thức 100% sức dân hoặc nhà nước và nhân dân cùng làm. Chính vì vậy, vai trò, tiếng nói của người dân trong việc bàn bạc, giám sát, kiểm tra, hiến kế thể hiện rất rõ.

Phó chủ tịch UBND P.Xuân Lập (TP.Long Khánh) Tạ Văn Hậu bày tỏ, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 khuyến khích, khích lệ người dân, cộng đồng dân cư  phát huy vai trò, tiếng nói của mình vào việc đóng góp, giám sát, phản biện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đó là cơ sở pháp lý để người dân phát huy quyền và nghĩa vụ của mình đối phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phát huy  sức mạnh để việc thực hiện các chương trình, kế hoạch được triển khai khả thi, đúng quy định và hợp lòng dân.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều