Báo Đồng Nai điện tử
En

Học sinh lập nhóm bày tỏ điều không tích cực: Coi chừng vi phạm pháp luật

Đoàn Phú
08:37, 18/09/2023

Hiện nay, việc học sinh sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet để giải trí và bổ trợ cho việc học rất phổ biến. Tuy nhiên, do không được kiểm soát chặt chẽ từ phụ huynh nên không ít em bị ảnh hưởng bởi mặt trái của internet, trong đó có việc lập nhóm trên mạng xã hội (MXH) để vô tư trêu đùa người khác hoặc đăng tải những thông tin tiêu cực mà không hề biết hành vi này có thể vi phạm pháp luật.

Nhiều học sinh tiểu học sử dụng mạng xã hội để giải trí. Ảnh minh họa: Đ.Phú
Nhiều học sinh tiểu học sử dụng mạng xã hội để giải trí. Ảnh minh họa: Đ.Phú

* Đưa lên MXH những gì quay được

Việc học sinh chứng kiến bạn bị bạo lực không ngăn cản hoặc nhờ người lớn can thiệp, lại vô tư dùng điện thoại quay lại truyền cho nhau xem hoặc tung lên MXH trở thành hiện tượng xấu trong học đường. Hành vi trên của các em không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, danh dự của người bị bạo hành mà còn ảnh hưởng tới uy tín nhà trường, xã hội khi clip được cộng đồng mạng bình phẩm, phán quyết tiêu cực.

Cụ thể, ngày 12-9-2022, trên MXH lan truyền clip ghi lại cảnh một nhóm nữ sinh đánh hội đồng 2 nữ sinh khác, trong đó có 1 em bị lột quần áo. Qua xác minh, cơ quan chức năng xác định sự việc xảy ra tại một trường THCS-THPT trên địa bàn xã Thanh Sơn (H.Định Quán) và đã có giải pháp xử lý thích đáng số học sinh có liên quan.

Trước đó, vào ngày 26-6-2022, trên MXH xuất hiện clip (hơn 3 phút), ghi cảnh một nhóm nữ sinh liên tục dùng tay, chân, mũ bảo hiểm đánh hội đồng vào vùng đầu, vùng bụng của một nữ sinh khác, kèm theo nhiều tiếng chửi tục trước sự chứng kiến của nhiều người khác. Cơ quan chức năng xác định, người bị đánh trong clip là một học sinh lớp 8 trên địa bàn xã Bàu Cạn, H.Long Thành. Nhóm học sinh tham gia đánh đều 14 tuổi, học tại một trường THCS trên địa bàn xã Long Thọ, H.Nhơn Trạch.

Theo Ban giám hiệu và Phòng GD-ĐT nơi các học sinh bị đánh, hành vi chứng kiến bạn bè bị bạo lực không can ngăn, thông báo kịp thời cho giáo viên, nhà trường, cơ quan chức năng mà quay clip tung lên mạng của học sinh như vậy là sai trái, không đúng với những gì mà giáo viên, nhà trường từng khuyến cáo học sinh trong việc sử dụng MXH.

Với góc nhìn pháp luật, luật sư Nguyễn Đình Hải (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả thương tật, ảnh hưởng danh dự, nhân phẩm của người bị đánh, ảnh hưởng tới an ninh trật tự, độ tuổi vi phạm pháp luật, nhà trường sẽ có hình thức xử lý kỷ luật học sinh phù hợp, còn pháp luật sẽ có chế tài hành chính hoặc hình sự thỏa đáng. Riêng người quay clip tung lên mạng cũng có thể bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính.

* Lập nhóm để tẩy chay bạn

Việc lập nhóm Zalo, Facebook để kết thân, trao đổi học tập, tìm kiếm bạn bè không chỉ học sinh THPT, THCS thông thạo mà ngay cả học sinh tiểu học cũng khá rành. Chị N.T.H., giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn P.Tân Phong, TP.Biên Hòa kể, vừa rồi chị được một phụ huynh phản ảnh, con của người này bị nhóm bạn trong lớp  (lớp 5) lập hẳn nhóm Zalo để tẩy chay vì có cách sống “tiểu thư”, được cha mẹ cưng chiều thái quá.

“Việc học sinh lập nhóm Zalo, sử dụng Zalo kết bè phái trong lớp để nói xấu, trêu chọc bạn bè, thầy cô giáo; chia sẻ những thông tin không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi cũng cần phải kiểm soát và ngăn chặn từ đơn vị cung cấp dịch vụ và đơn vị quản lý nhà nước về MXH” - bà NGUYỄN BÍCH THỦY (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) kiến nghị.

Chị H. cho biết, khi chưa rõ tính xác thực của vấn đề mà phụ huynh phản ảnh, chị vẫn khéo léo nhắc nhở học sinh trong lớp đoàn kết, thân ái, thương yêu, giúp đỡ bạn chứ không được xa lánh, tẩy chay. Đồng thời, lưu ý học sinh việc lập nhóm tẩy chay bạn, phân biệt giàu nghèo là không phù hợp với học sinh, môi trường học đường.

“Việc lập nhóm là quyền của các em, vì hiện nay chưa có quy định pháp luật nào cấm hay quy định rõ độ tuổi được tham gia hay lập nhóm trên MXH đối với học sinh. Do đó, giáo viên chỉ căn cứ theo quy định, nội quy của trường, ngành Giáo dục không cho phép học sinh tiểu học mang điện thoại vào lớp học. Riêng việc lập nhóm, sử dụng điện thoại ngoài lớp học thì giáo viên không thể kiểm soát được” - cô H. bày tỏ.

Tương tự, thầy Ngô Quốc Toàn, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Long Tân (xã Long Tân, H.Nhơn Trạch) cho biết, do chưa có quy định pháp luật về độ tuổi sử dụng MXH nên hiện tại, nhà trường chỉ căn cứ vào các quy định hiện hành như: Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên của Thông tư 06/2019/TT-BGDDT ngày 12-4-2019 của Bộ GD-ĐT; Quyết định 874/QĐ-BTTTT ngày 17-6-2021 của Bộ TT-TT về việc ban hành bộ quy tắc ứng xử trên MXH để định hướng giáo dục cho toàn thể học sinh, giáo viên trong trường.

“Theo đó, chúng tôi chú trọng giáo dục các em khi sử dụng MXH tuân thủ các quy định của pháp luật; phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của dân tộc. Thể hiện được các giá trị cốt lõi: nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực trong mối quan hệ…” - thầy Toàn cho biết thêm.

Theo cam kết từ Công ty CP VNG (bên cung cấp dịch vụ của Zalo) chỉ cung cấp dịch vụ sử dụng nền tảng cho người dùng trên 14 tuổi. Tuy nhiên, thực tế nhiều học sinh chưa đủ 14 tuổi vẫn có thể tạo lập được Zalo riêng nhờ khai báo thông tin “ảo”. Điều này theo các chuyên gia pháp lý, cơ quan chức năng nên sớm có quy định rõ về độ tuổi cụ thể để buộc các nền tảng MXH tuân thủ và kiểm soát chặt khi cung cấp dịch vụ cho trẻ em.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí