Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước vấn nạn bạo hành

Đoàn Phú
09:01, 17/10/2023

Thực trạng phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn còn xảy ra trên địa bàn Đồng Nai. Để ngăn ngừa thực trạng này, đội ngũ nữ trí thức Đoàn Luật sư Đồng Nai đã đề ra nhiều giải pháp hay trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ là nạn nhân của BLGĐ cũng như con cái của họ; ngăn ngừa từ sớm BLGĐ.

Luật sư Nguyễn Thị Ngà (Đoàn Luật sư Đồng Nai) phát biểu tại tọa đàm Vai trò của nữ luật sư trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, công bằng xã hội trong giai đoạn hiện nay, do Đoàn Luật sư Đồng Nai tổ chức vào ngày 13-10. Ảnh: Đ.Phú

* Những vụ việc đau lòng

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ BLGĐ gây xôn xao dư luận. Nạn nhân đa phần là phụ nữ và trẻ em. Điển hình, vào ngày 11-9, tức giận vì vợ bỏ nhà đi, Nguyễn Tiến Lưu (38 tuổi, tạm trú tại P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đã nhẫn tâm bóp cổ con gái ruột 10 tuổi đến tử vong rồi gửi thông tin vào nhóm Zalo công ty nơi 2 vợ chồng đang làm thuê. Hiện Lưu đã bị Công an tỉnh bắt tạm giam để điều tra về hành vi giết người.

Từ nạn nhân của BLGĐ, không ít phụ nữ do sự ức chế kìm nén lâu ngày và hiểu biết pháp luật hạn chế dẫn đến hành động nóng giận bộc phát, ra tay sát hại chồng của mình.

Cụ thể, ngày 30-6, Thạch Thị Oanh Đi (38 tuổi, ngụ P.An Bình, TP.Biên Hòa) bị TAND tỉnh tuyên phạt 5 năm tù về tội giết người. Bị hại là anh Thạch Rône (quê tỉnh Trà Vinh), sống chung với bị cáo Oanh Đi như vợ chồng trong hơn 2 năm qua.

Trước tòa, Oanh Đi khai thường xuyên bị chồng bạo hành. Mỗi lần đi nhậu về và có mâu thuẫn thì Oanh Đi luôn trở thành “bia đỡ đạn” để người chồng trút hết mọi bực tức. Thậm chí, những lần Oanh Đi có thai, Thạch Rône đều yêu cầu phá bỏ vì không nuôi con nổi. Ngày 11-7-2022, Thạch Rône tiếp tục đánh đập Oanh Đi khi bị nhắc giảm âm lượng của nhạc cho vợ nghỉ ngơi. Trong lúc tức giận, Oanh Đi đã dùng kéo đâm chồng bị thương tật tỷ lệ 34%. Oanh Đi bị bắt ngay sau đó.

Theo luật sư Lê Thị Tú Oanh (Đoàn Luật sư Đồng Nai), luật sư bào chữa cho bị cáo Oanh Đi, hành vi của bị cáo là hậu quả của tình trạng BLGĐ kéo dài ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần, tâm lý, tạo ra sự ấm ức dẫn đến những hành động tiêu cực. Hành vi BLGĐ kéo dài một phần là do tâm lý người vợ cho rằng chuyện riêng của gia đình nói ra sẽ “xấu chàng, hổ thiếp” nên họ ngại “vạch áo cho người xem lưng”.

* Chủ động phòng tránh xảy ra BLGĐ

Tại diễn đàn Vai trò của nữ luật sư trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, công bằng xã hội trong giai đoạn hiện nay do Đoàn Luật sư Đồng Nai tổ chức vào ngày 13-10, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Đồng Nai Nguyễn Thị Hồng Điệp bày tỏ, hậu quả của BLGĐ có thể ảnh hưởng vô cùng lớn đến nạn nhân, gia đình và xã hội. Các nạn nhân có thể bị tổn hại về thể chất, tinh thần lẫn tài chính. Bạo lực còn đe dọa sự bền vững của gia đình và ảnh hưởng tiêu cực đến các thành viên trong gia đình, kể cả những trẻ em phải chứng kiến bạo lực và lớn lên trong môi trường xung đột, không hạnh phúc.

“Do đó, với ý thức trách nhiệm xã hội của mình, các luật sư thuộc Đoàn Luật sư Đồng Nai, nhất là các nữ luật sư luôn sẵn sàng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí với các nạn nhân của BLGĐ. Trường hợp luật sư không thể giúp đỡ sẽ giới thiệu họ đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh để được hỗ trợ kịp thời” - luật sư Nguyễn Thị Hồng Điệp cho biết.

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Đồng Nai LÊ QUANG Y nhấn mạnh, công tác phòng ngừa BLGĐ đóng vai trò rất quan trọng. Không thể chờ khi có hành vi bị bạo lực xảy ra mới vào can thiệp, hỗ trợ mà phải cùng ngăn ngừa ngay từ đầu thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Làm tốt công tác phòng ngừa không chỉ nâng cao ý thức cho người dân về tích cực đấu tranh, ngăn chặn vấn nạn BLGĐ, mà còn góp phần cùng xã hội xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh, tiến bộ, bình đẳng giới.

Để bảo vệ phụ nữ, trẻ em trong vấn nạn BLGĐ, luật sư Nguyễn Thị Ngà (Đoàn Luật sư Đồng Nai) cho rằng, nữ luật sư cần phải có kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng nắm bắt tâm lý và tư vấn cho nạn nhân. Làm sao để chị em phụ nữ, bé gái bị BLGĐ kể ra hết những nỗi đau mà họ gánh chịu nhưng vẫn đảm bảo bí mật cho họ về riêng tư, quyền nhân thân trước dư luận xã hội, cộng đồng và người thân thích.

“Đây là vấn đề khó, nhạy cảm nhưng với trách nhiệm nghề nghiệp, trái tim đồng cảm, sẻ chia với người bị BLGĐ, luật sư phải góp phần cùng xã hội, cơ quan tố tụng tìm ra sự thật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị bạo lực” - luật sư Nguyễn Thị Ngà chia sẻ.

Luật sư Lê Thị Tú Oanh cho biết thêm, thời gian qua, Đoàn Luật sư Đồng Nai dành nhiều sự quan tâm tới công tác phòng, chống BLGĐ. Cụ thể, đã triển khai nhiều hoạt động từ thiện kết hợp tuyên truyền áp dụng Hiến pháp; Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022; Luật Trẻ em năm 2016; Bộ luật Dân sự năm 2015… Qua đó nhằm giúp người dân hiểu rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; kế hoạch hóa gia đình; phòng ngừa những tệ nạn tiêu cực xâm nhập vào đời sống gia đình và thực hiện nếp sống văn minh, ngăn ngừa BLGĐ ngay từ cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều