Hỏi: Trong bản án ly hôn cấp huyện có hiệu lực pháp luật xác nhận cháu T. là con chung của tôi và vợ cũ là chị A., nhưng cháu không có dáng vẻ giống tôi nên tôi nghi ngờ cháu không phải là con ruột. Để xác định cháu T. không phải con ruột, tôi phải làm như thế nào, mong được luật sư tư vấn?
Nguyễn Văn Bảy (H.Tân Phú)
- Trả lời: Theo Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành, liên quan đến con chung được quy định như sau: con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân…
Trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được tòa án xác định.
Mặt khác, luật cũng quy định trường hợp: người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu tòa án xác định người đó không phải là con mình.
Khi nghi ngờ cháu T. không phải là con ruột, anh phải xét nghiệm ADN để xác định giữa anh và cháu T. có quan hệ cha con không. Trường hợp giữa anh và cháu T. không có quan hệ huyết thống cha con, nhằm đảm bảo giải quyết vụ án đúng sự thật khách quan, đúng pháp luật cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của các đương sự và cháu T., do bản án của TAND cấp huyện có hiệu lực pháp luật nên anh dùng kết quả xét nghiệm ADN yêu cầu TAND cấp tỉnh xem xét theo trình tự tái thẩm đối với bản án hôn nhân và gia đình nêu trên theo hướng hủy một phần bản án liên quan đến việc xác định cháu T. là con chung của hai người, vì đây là tình tiết mới mà khi giải quyết vụ án ly hôn giữa anh và chị A. mà tòa án cấp huyện xét xử sơ thẩm cũng như anh chị không cho biết, nên xác nhận cháu T. là con chung.
LS Ngô Văn Định
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin