Thời gian qua, Bộ GT-VT đã có nhiều thông tư hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung nhằm giúp cho công tác quản lý về đào tạo lái xe ô tô được chặt chẽ. Tuy nhiên, một số quy định sau khi áp dụng đã bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo và học viên.
Học viên của Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe loại 1 Đồng Nai đang học cabin điện tử. Ảnh: A.Nhơn |
* Nhiều quy định không phù hợp thực tiễn
Tại Đồng Nai, nhiều giáo viên, học viên ở các trung tâm, cơ sở đào tạo lái xe cho rằng, một số quy định về đào tạo lái xe ô tô đang bộc lộ những bất cập. Điển hình là việc một số môn học lý thuyết bị trùng lặp nội dung, chưa phù hợp và hình thức tổ chức lớp học thiếu linh hoạt.
Trưởng Phòng nghiệp vụ Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe loại 1 Đồng Nai (Sở GT-VT) Mai Văn Hoạt cho biết, Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15-4-2017 của Bộ GT-VT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ đã bộc lộ nhiều bất cập và không còn phù hợp với tình hình hiện nay.
Cụ thể, trong phần học lý thuyết, quy định bắt buộc học viên phải có mặt và điểm danh bằng vân tay, thẻ từ, nhận diện khuôn mặt… đã gây nhiều khó khăn cho người học. Bởi, có nhiều học viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và họ chỉ tranh thủ học lái xe vào những ngày nghỉ cuối tuần hoặc vào ban đêm. Do đó, việc quy định học viên phải đi học là không phù hợp với thực tiễn.
Xử lý tình huống giao thông trên clip mô phỏng là môn học thiết thực, các tình huống mô phỏng được căn cứ từ những vụ tai nạn thực tế xảy ra. Môn học này cần đưa vào chương trình đào tạo để giúp cho người học có kinh nghiệm phòng tránh các tình huống tại nạn xảy ra. Tuy nhiên, môn mô phỏng lại đưa vào phần thi sát hạch cấp giấy phép lái xe là điều còn nhiều bất cập, bởi phần thi này đã khiến cho người học hoàn toàn bị áp đặt cách xử lý của người viết phần mềm. Tức là học viên phải ấn bàn phím đúng thời điểm của người viết đặt ra thì mới đạt số điểm tối đa (5 điểm/tình huống), còn học viên ấn bàn phím sớm hơn hoặc muộn hơn sẽ không có điểm hoặc điểm thấp.
Đầu ra phải đảm bảo chất lượng
Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe loại 1 Đồng Nai TRẦN QUANG PHONG cho rằng: “Nghề lái xe được đào tạo với những kiến thức cơ bản nên ai cũng có thể theo học được. Do đó, quy định cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho học viên đăng ký học phần lý thuyết bằng nhiều cách như: học trực tiếp hoặc học từ xa bằng online, tự học… Quan trọng là đầu ra phải đảm bảo chất lượng để học viên tự vượt qua kỳ thi sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô”.
“Mỗi người có cách xử lý tình huống phù hợp với hoàn cảnh, không thể áp đặt tư duy, nhận định tình huống trên màn hình vào thực tế. Đây là điều rất bất hợp lý” - ông Hoạt chia sẻ.
Phần học cabin điện tử chỉ xây dựng được các bài tập ảo trên màn hình máy tính kết hợp hệ thống truyền động và gây cho người học khó chịu về thị giác cũng như tư duy khi ngồi lên luyện tập. Thực tế đã có nhiều học viên trong quá trình học hay xảy ra tình trạng mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn. Ngoài ra, trong phần học lý thuyết có nhiều nội dung trùng lặp như: môn nghiệp vụ vận tải có nhiều nội dung trùng với môn Luật Giao thông đường bộ năm 2008 hay môn Đạo đức văn hóa giao thông có quá nhiều nội dung trùng với môn Pháp luật giao thông…
Ngoài ra, theo ông Hoạt, trong phần thực hành cũng có một số bất cập. Cụ thể, quy định thời gian tập lái của 1 học viên là 84 giờ đối với hạng B1 và B2, trong đó có 41 giờ thực hành trong sân tập lái (tương ứng với 290km, trung bình 7km/giờ) và 40 giờ thực hành trên đường giao thông (tương ứng với 810km, trung bình 20,2km/giờ). Quy định này rất bất hợp lý, không phù hợp với thực tế. Thực tế tại các sân tập, trung bình học viên chỉ có thể đi được 3,5km/giờ, còn trên đường giao thông thì học viên trung bình đi được 35km/giờ mới không gây cản trở các phương tiện khác lưu thông.
* Điều chỉnh cho phù hợp xu thế, tạo điều kiện cho học viên
Về phía học viên, nhiều người cũng rất quan tâm đến những bất hợp lý về công tác đào tạo lái xe hiện nay, vì điều đó đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến họ.
Chị Phạm Thị Dung (học viên lái xe tại Trung tâm Đào tạo - sát hạch lái xe loại 1 Đồng Nai) cho biết, chị đang làm nhân viên văn phòng cho một công ty đóng trên địa bàn TP.Biên Hòa. Công ty đã tạo điều kiện thuận lợi cho chị đi học lái xe ô tô (bằng B2) để phục vụ trong công việc. Tuy nhiên, quy định phần học lý thuyết bắt buộc người học phải có mặt đã khiến chị gặp khó khăn ít nhiều, vì thời gian làm việc của chị chủ yếu diễn ra vào giờ hành chính.
“Trong thời buổi công nghệ phát triển như hiện nay thì nên tạo điều kiện cho học viên học từ xa như: học online hoặc tự học rồi sau đó nhà trường cho làm bài kiểm tra để đánh giá chất lượng học tập của họcviên. Nếu quy định tạo được “hướng mở” như vậy thì việc học lái xe của học viên sẽ tốt hơn” - chị Dung kiến nghị.
Theo Sở GT-VT, Bộ GT-VT vừa tổ chức lấy ý kiến các Sở GT-VT, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe ô tô trên toàn quốc. Qua đó, các cơ quan, đơn vị đã tích cực góp ý, kiến nghị về việc chỉnh sửa những quy định còn nhiều bất cập ở lĩnh vực đào tạo lái xe ô tô.
Ông Mai Văn Hoạt cho biết thêm, nhiều cơ quan, đơn vị đều có ý kiến về việc sửa đổi chương trình đào tạo lái xe, đặc biệt là sửa đổi nội dung học lái xe trên đường giao thông công cộng theo hướng giảm số giờ học và tăng tốc độ chạy lên hoặc cho chạy theo tốc độ của cung đường quy định để không gây cản trở giao thông; sửa đổi các quy định khác còn nhiều bất cập theo hướng rút gọn, đơn giản hóa để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý cũng như thực hiện đối với lĩnh vực đào tạo và sát hạch lái xe…
“Hy vọng lần này Bộ GT-VT sẽ sớm có sự điều chỉnh phù hợp để các quy định, chính sách đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho các trung tâm, cơ sở đào tạo lái xe và học viên” - ông Hoạt chia sẻ.
An Nhơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin