Hỏi: Mẹ tôi đã tặng cho toàn bộ di sản thừa kế của mẹ cho cha tôi. Sau đó, cha lập di chúc cho tôi căn nhà dùng để thờ cúng; 2 chị gái của tôi hưởng 2 căn nhà nhỏ hơn cùng khu đất có diện tích hơn 1 ngàn m2. Đột ngột, cha tôi bị tai nạn giao thông, chị em tôi có ý định bán căn nhà thờ cúng cùng một phần diện tích đất để chữa bệnh cho cha. Nếu cha tôi mất, tôi có được hưởng di sản theo di chúc?
Nguyễn Trường Thanh (H.Tân Phú)
- Trả lời: Việc chuyển nhượng nhà đất để chữa trị cho người cha thể hiện sự hiếu đạo, phù hợp với đạo đức xã hội, nhưng về pháp luật thì chị em của anh không có quyền định đoạt căn nhà thờ nếu không được người cha ủy quyền bằng văn bản, hoặc ông trực tiếp ký tên trên hợp đồng chuyển nhượng, vì ông là người đứng tên trên giấy tờ nhà đất. Nếu không, hợp đồng chuyển nhượng sẽ vô hiệu.
Nếu việc chuyển nhượng nhà đất hợp pháp và cha anh chết, theo Bộ luật Dân sự hiện hành quy định về hiệu lực của di chúc thể hiện: di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực”...
Như vậy, nếu một phần di sản thừa kế là nhà đất đã chuyển nhượng cho người khác, trên thực tế không còn, do vậy khi cha của anh chết thì di chúc của ông đối với phần này bị vô hiệu, các phần khác của di chúc vẫn có hiệu lực pháp luật (nếu phù hợp pháp luật).
Nói cách khác, do nhà đất (không còn) vì chuyển nhượng hợp pháp trước khi người cha chết, nên anh là người được chỉ định hưởng di sản sẽ không được nhận di sản thừa kế, các nội dung khác về việc phân chia di sản thừa kế cho các chị (đồng thừa kế khác) vẫn có hiệu lực pháp luật, nên họ vẫn được nhận di sản thừa kế theo đúng nội dung di chúc.
LS Ngô Văn Định
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin