Báo Đồng Nai điện tử
En

Để dịch vụ hành chính công trực tuyến hấp dẫn người dân hơn

Phương Liễu
09:01, 23/11/2023

Cổng dịch vụ hành chính công trực tuyến (DVHCCTT) được xây dựng với kỳ vọng rút ngắn thời gian, công sức và chi phí cho cả cán bộ cơ quan nhà nước lẫn người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.

Người dân làm hộ chiếu online trên Cổng dịch vụ công quốc gia tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh. Ảnh: P.Liễu

Nhưng trên thực tế, việc tiếp cận và thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) dù được coi là tiện lợi vẫn chưa hấp dẫn nhiều người dân. Đặc biệt là người dân vẫn giữ thói quen đến cơ quan chức năng để làm giấy tờ trực tiếp.

* Vì sao người dân còn chưa mặn mà?

Thực hiện các DVCTT đang được các cơ quan chức năng khuyến khích người dân chọn lựa bởi sự tiện ích, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức đi lại. Bên cạnh một bộ phận người dân có thể thực hiện khá tốt DVCTT trong các giao dịch hành chính, không ít người lại gặp khó khăn bởi không rành công nghệ hoặc còn gặp rắc rối trong quá trình thao tác, vì thiếu hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu.

Chuẩn bị cho chuyến đi công tác nước ngoài vào cuối năm 2023 nhưng hộ chiếu sắp hết hạn và bận đi làm, chị Hoàng Anh Thảo (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) đã vào Cổng dịch vụ công quốc gia để làm thủ tục đổi hộ chiếu online. Trong quá trình thao tác, chị Thảo thấy một số chỗ thiếu hướng dẫn cụ thể nên việc khai thông tin hay bị sai hoặc thiếu; có khi đang làm thì hệ thống báo lỗi như không thể tải ảnh lên, có khi nhập xong thông tin lại bị xóa hết và yêu cầu nhập lại...

Thông tin từ Sở Nội vụ, đến nay toàn tỉnh đã có gần 1,2 ngàn thủ tục hành chính đã được đưa lên Cổng DVCTT đối với cấp sở, ngành, trong đó có 885 thủ tục được giải quyết toàn phần. Đối với cấp huyện, đã có 193 thủ tục được đưa lên cổng DVCTT và 165 thủ tục được giải quyết toàn phần. Tại đơn vị cấp xã, đến nay đã có 80 thủ tục được cập nhật và 60 thủ tục được giải quyết toàn phần qua mạng.

Dù khá thành thạo về công nghệ thông tin nhưng sau một buổi “vật lộn” với DVCTT mà không thực hiện được, chị Thảo phải trực tiếp đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh để đăng ký đổi hộ chiếu. Tại đây, chị được hướng dẫn làm thủ tục đổi hộ chiếu trực tuyến nhưng vẫn phải có một cán bộ ngành hỗ trợ, hướng dẫn, thậm chí “cầm tay chỉ việc” mới hoàn tất được thủ tục.

“Tôi là người trẻ, cũng rành về công nghệ mà làm hồ sơ trực tuyến còn mất nhiều thời gian và sai sót như vậy thì làm sao những người không thông thạo hoặc người lớn tuổi có thể hoàn thành việc khai báo. Tôi mong muốn việc làm thủ tục hành chính công trực tuyến phải thật dễ dàng thao tác như Facebook, Zalo thì người dân mới có thể sử dụng nhiều” - chị Thảo đề xuất.

Cũng theo nhiều người dân, các dịch vụ cấp đổi giấy phép lái xe, làm giấy chứng nhận độc thân trực tuyến, gia hạn thẻ bảo hiểm y tế, làm khai sinh, bảo hiểm xã hội, đăng ký thường trú… là những dịch vụ khá phổ biến nhưng nhiều người vẫn cho là còn bất tiện.

Cách đây 1 tuần, anh Dương Hoàng Khang (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) vào Cổng dịch vụ công quốc gia để tiến hành đổi bằng lái xe ô tô sắp hết hạn. Anh Khang cho hay, ngay từ khâu đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công trực tuyến đã khá rắc rối khi không thể sử dụng số căn cước công dân, bởi số điện thoại của anh lại gắn liền với chứng minh nhân dân cũ. Không những thế, thay vì chỉ gửi hình ảnh của giấy khám sức khỏe thì hệ thống lại yêu cầu phải có chứng thực điện tử của giấy tờ này tại UBND phường nơi cư trú.

“Việc đổi bằng lái xe trên Cổng DVCTT khá rắc rối và tốn nhiều thời gian. Hiện nay, các hướng dẫn đi kèm không cụ thể, từ ngữ khó hiểu nên người thực hiện rất dễ làm sai và phải thực hiện lại nhiều lần, đôi lúc không thể hoàn tất thủ tục. Trong khi đó, tôi đến trung tâm hành chính công làm trực tiếp thì chỉ mất 2 giờ là xong” - anh Khang chia sẻ.

* Thủ tục hành chính công trực tuyến cần dễ hiểu, dễ thao tác

Có thể thấy, mặc dù rất nhiều tiện ích, tiện lợi nhưng DVCTT vẫn còn khá xa lạ với nhiều người. Những “rào cản” này khiến người dân chưa mặn mà lựa chọn. Không ít ý kiến cho rằng, hạ tầng công nghệ phục vụ cho DVCTT cần phải điều chỉnh, hoàn thiện theo hướng phổ thông để người dân có thể tiếp cận dễ dàng.

Hiện ở cấp tỉnh có gần 2 ngàn thủ tục hành chính công trực tiếp, những DVCTT phổ biến và thiết yếu trong cuộc sống cần được phân loại, ưu tiên, đặc biệt là từ ngữ, thông tin cần dễ hiểu, cách thức thao tác đơn giản. Chẳng hạn như hiện nay có những dịch vụ yêu cầu phải sử dụng chữ ký điện tử, nộp các khoản phí trực tuyến là không dễ dàng với những người dân có trình độ công nghệ hạn chế, không có điều kiện về thiết bị thông minh có kết nối internet, không có tài khoản ngân hàng, không dùng dịch vụ chuyển tiền trực tuyến…

Theo kết quả đồng bộ dữ liệu được ghi nhận công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Đồng Nai có tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính bằng DVCTT đạt 33,61%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 22,24%.

Hơn nữa, hiện “rào cản” lớn nhất chính là tâm lý của người dân khi có thói quen đến trực tiếp cơ quan Nhà nước để làm thủ tục hành chính. Theo phần lớn người được hỏi, đến trực tiếp khiến họ cảm thấy an tâm hơn khi được cán bộ hướng dẫn và thực hiện trực tiếp; trong quá trình làm thủ tục, họ được cán bộ hướng dẫn điền thông tin vào biểu mẫu chứ không phải làm đi làm lại như một số DVCTT có mức độ phức tạp. Do đó, muốn đạt được tỷ lệ người dân tiếp cận, lựa chọn và thực hiện các DVCTT, hạ tầng công nghệ phục vụ cần phải hoàn chỉnh, gần gũi và thân thiện hơn với người dân.

Phát biểu tại hội nghị ký kết hợp tác hỗ trợ, phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện DVCTT giữa Công an tỉnh và Bưu điện tỉnh ngày 16-11, Phó giám đốc Công an tỉnh, đại tá Trần Anh Sơn cho rằng, với nhiều người dân, thực hiện các DVCTT hiện còn gặp khó khăn do hạn chế về công nghệ. Do đó, để nâng tỷ lệ người dân thực hiện các DVCTT thì hạ tầng công nghệ phục vụ cho DVCTT cần phải hoàn thiện, dễ hiểu, dễ thao tác. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh tuyên truyền, thậm chí là cầm tay chỉ việc để người dân hiểu về lợi ích của DVCTT. Theo mục tiêu của Chính phủ, phấn đấu đến cuối năm 2023, tỷ lệ người dân sử dụng DVCTT đạt 50%.

Riêng về kế hoạch ký kết giữa Công an tỉnh và Bưu điện tỉnh, thời gian tới, người dân có nhu cầu sẽ được nhân viên bưu điện hướng dẫn nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; nhận trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ bưu chính công ích, nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, lựa chọn và sử dụng DVCTT trong giao tiếp thủ tục hành chính.

Phương Liễu

Tin xem nhiều