Hỏi: Khi ly hôn, tôi đồng ý giao cho chồng cũ (tên X) nuôi con và tôi được quyền đi lại thăm, chăm sóc con. Nay ông X không đủ điều kiện nuôi con như: không có nhà, thu nhập thấp, khiến cuộc sống của con tôi rất khó khăn… Nay tôi muốn thay đổi người trực tiếp nuôi con, xin được luật sư tư vấn.
Nguyễn Thị Hồng Anh (ngụ H.Long Thành)
- Trả lời: Liên quan đến việc thay đổi người trực tiếp nuôi con, được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau: Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định, tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
- Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên.
- Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Trường hợp người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con: ngoài cha, mẹ thì cá nhân (người thân thích); cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, về trẻ em hoặc Hội LHPN có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Nay chị có yêu cầu tòa án giải quyết việc thay đổi người trực tiếp nuôi con, nếu 2 người không tự thỏa thuận được, nghĩa vụ của chị là phải chứng minh việc ông X không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con. Theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đương sự có yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Cụ thể như: thu thập hàng tháng của cha cháu; sống chung nhà với ông bà nội…; không có thời gian chăm sóc con như lịch công tác của cha cháu; cản trở việc thăm con của chị; thành tích học tập, sức khỏe tâm thần của cháu…
LS Ngô Văn Định
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin