Báo Đồng Nai điện tử
En

Giấc mơ xe buýt điện ở Đồng Nai (Bài 1)

Phương Liễu
08:43, 29/11/2023

Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, dân cư đông, lượng xe cá nhân lớn. Tình trạng quá tải xe chạy xăng, dầu đang gây sức ép lên môi trường đô thị. Nồng độ bụi mịn và khí thải giao thông thường xuyên vượt ngưỡng, kéo theo sự gia tăng bệnh tật và căng thẳng tâm lý ở người dân. Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ, sự dịch chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng; từ xe buýt xăng, dầu sang xe buýt điện ở Việt Nam là xu hướng tất yếu.

Bài 1: Đô thị đối mặt với “khủng hoảng” ô nhiễm từ khí thải giao thông

Theo các chuyên gia môi trường, khí thải từ hoạt động giao thông là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm môi trường ở đô thị, kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe thể chất và tinh thần.

Dòng người chen chúc trên đường Đồng Khởi (TP.Biên Hòa) vào giờ cao điểm dẫn đến ùn tắc giao thông, gia tăng lượng khí thải từ phương tiện giao thông ra môi trường. Ảnh: Đăng Tùng
Dòng người chen chúc trên đường Đồng Khởi (TP.Biên Hòa) vào giờ cao điểm dẫn đến ùn tắc giao thông, gia tăng lượng khí thải từ phương tiện giao thông ra môi trường. Ảnh: Đăng Tùng

Để hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống… thì việc hạn chế xe xăng, dầu và đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi từ xe xăng, dầu sang xe điện, đặc biệt là từ xe buýt xăng, dầu sang xe buýt điện là hết sức cấp thiết.

* Ra đường ngột ngạt xe xăng…

Với dân số hơn 3,1 triệu người, Đồng Nai hiện có đến 2,7 triệu phương tiện cá nhân, trong đó 90% là xe máy chạy xăng. Vào các giờ cao điểm, nhiều nút giao thông trở nên hỗn loạn khi hàng ngàn xe máy, ô tô cá nhân đổ ra đường cùng lúc, nhất là ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp như: Biên Hòa, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch. Đặc biệt là tại TP.Biên Hòa, các tuyến đường: Phạm Văn Thuận, Đồng Khởi, Bùi Văn Hòa… hoặc các nút giao như: ngã tư Tân Phong, ngã tư Vũng Tàu, ngã tư Amata, ngã ba Phát Triển, vòng xoay Cổng 11... thường xuyên bị ách tắc, trở thành nỗi ám ảnh của người đi đường.

Tại ngã ba Trảng Dài, giao giữa đường Đồng Khởi và đường Bùi Trọng Nghĩa (TP.Biên Hòa) thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, khiến lượng khói, bụi tỏa ra từ các phương tiện giao thông rất lớn.

Bà Nguyễn Thị Bình (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) than thở, vào giờ cao điểm, mắc kẹt trong “rừng” xe máy, xe ô tô và phải hít khói xe trên đường luôn là nỗi ám ảnh của bà.

Tương tự, chị Lâm Thúy Hạnh (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa), nhân viên một nhà máy ở Khu công nghiệp Long Bình cho biết, nhà cách công ty 7km nhưng chị phải đi mất 60 phút vì giao thông ùn tắc ở khu vực ngã tư Vincom (giao giữa đường Phạm Văn Thuận và Dương Tử Giang) và ngã ba Bình Đa (giao giữa đường Phạm Văn Thuận và đường Trần Quốc Toản). Lượng xe máy, xe ô tô quá lớn trong khi nhiều tuyến đường ở Biên Hòa chật hẹp nên dễ bị ùn tắc; người đi đường thì phải hít khói bụi do các phương tiện giao thông tỏa ra.

“Nếu có được xe buýt điện vận chuyển hành khách trên phố hoặc đưa công nhân vào các khu công nghiệp thì thật tốt. Một chiếc xe buýt điện có thể “cõng” vài chục người, đồng nghĩa hạn chế được vài chục xe gắn máy lưu thông, sẽ khiến giảm tình trạng quá tải, giảm khói bụi, giảm tắc đường, giảm tác động tiêu cực đến sức khỏe” - chị Hạnh nói.

Quan sát bản đồ chất lượng không khí Đồng Nai theo thời gian thực trên hệ thống quan trắc không khí từ dữ liệu vệ tinh hiển thị trong nhiều ngày, chúng tôi ghi nhận các điểm báo ô nhiễm không khí tại các nơi có mật độ giao thông cao trong ngày tại Biên Hòa, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành… phần lớn là màu vàng cam, đỏ (không khí ở các mức kém, xấu) vào các giờ cao điểm, trong đó nồng độ bụi mịn PM 2.5 luôn vượt từ 3,5 lần so với ngưỡng giá trị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - đây là chất gây ô nhiễm chính cho môi trường không khí.

Theo nhận định của Sở TN-MT, nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đô thị hiện nay chủ yếu là phát thải từ hoạt động giao thông, trong đó có “góp phần” của hệ thống xe buýt cũ chạy xăng, dầu.

Theo BS HOÀNG THI THƠ, Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Nai, trong khói xe có chứa khí CO2 rất độc hại cho sức khỏe. WHO đã nhiều lần khẳng định, ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông là “kẻ giết người” thầm lặng. Trong đó, khoảng 30% các trường hợp ung thư phổi tử vong có liên quan đến ô nhiễm không khí; tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%.

Đánh giá hiện trạng, chất lượng xe buýt hiện nay, theo Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở GT-VT), trong số 270 phương tiện đang tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn toàn tỉnh thì có 142 xe buýt có tuổi đời hoạt động trên 10 năm (chiếm 52,6%), 41 xe hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 15,2%), số còn lại là hoạt động dưới 5 năm.

* Khói bụi giao thông: “Đầu độc” môi trường và sức khỏe con người

Nhận định mức độ gây ô nhiễm liên quan đến hoạt động giao thông, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, giao thông - vận tải đang là một trong những hoạt động gây phát thải khí nhà kính lớn thứ 3, chỉ sau ngành năng lượng và nông nghiệp; chiếm 18,38% tổng lượng khí thải vào bầu khí quyển hàng năm. Quá trình hoạt động của các phương tiện giao thông phát thải lượng lớn các chất như: bụi, CO, NOx, SOx, hơi xăng dầu, bụi chì, benzen… gây ô nhiễm môi trường không khí; xe càng cũ thì phát thải càng nhiều, ô nhiễm càng lớn.

Đồ họa thể hiện phát thải độc hại từ các phương tiện vận tải. Nguồn: Trung tâm Quan trắc Đồng Nai - Đồ họa: ĐỖ QUYÊN
Đồ họa thể hiện phát thải độc hại từ các phương tiện vận tải

Do đó, theo TS Hoàng Dương Tùng, để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị, các địa phương - trong đó có Đồng Nai - nên hạn chế xe xăng, dầu và tăng lượng xe điện hoặc xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG (khí thiên nhiên); trong đó, cần đẩy nhanh sự chuyển dịch từ phương tiện chạy xăng, dầu sang chạy điện.

Trao đổi với PGS-TS Nguyễn Văn Sơn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, ông cho biết, khí thải của các phương tiện giao thông động cơ đốt trong chạy bằng xăng, dầu là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự gia tăng ô nhiễm không khí ở các đô thị khi góp 70% tổng lượng bụi và khí thải vào môi trường không khí. Nguồn ô nhiễm này gây tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng…

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Sơn, mỗi năm Việt Nam chi hơn 1 ngàn tỷ đồng để điều trị các bệnh tật liên quan đến ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm từ hoạt động giao thông. Nhưng còn những tác động tiêu cực âm thầm của nguồn phát thải khí CO2 từ hoạt động giao thông đến chất lượng giống nòi, sự bào mòn, sa sút về sức khỏe thể chất và tâm lý người dân thì không thể đong đếm được.

PGS-TS Nguyễn Văn Sơn đặt vấn đề, hãy làm một bài toán: Một chiếc xe buýt điện có giá 7 tỷ đồng, nếu lấy khoản ngân sách hàng năm chi giải quyết hậu quả bệnh tật liên quan đến ô nhiễm từ giao thông để mua xe buýt điện thì chúng ta đã có cả trăm chiếc buýt điện. Và, nếu thay thế được ngần ấy xe buýt chạy bằng xăng, dầu thì ô nhiễm môi trường sẽ giảm rất đáng kể. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong các đô thị, ngăn ngừa bệnh tật liên quan đến môi trường, nâng cao chất lượng sống, Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng cần hạn chế xe xăng, dầu và đẩy nhanh lộ trình sử dụng xe điện hoặc xe dùng năng lượng sạch.

Từ thực tế hiện nay, môi trường đô thị ở Đồng Nai vẫn đang ô nhiễm do hoạt động phát thải từ giao thông, trong đó có sự “góp phần” đáng kể của hệ thống xe buýt đã sử dụng nhiều năm, thêm vào đó tiềm năng kinh tế của các đơn vị kinh doanh phương tiện vận tải hành khách công cộng còn hạn chế… … nên buýt điện ở Đồng Nai vẫn còn là giấc mơ dài.

Phương Liễu

Bài 2: Chuyển xe buýt xăng, dầu sang buýt điện: Cần những đòn bẩy chính sách

Tin xem nhiều