Thời gian gần đây, nhiều thông tin liên quan đến chính sách đối với nghề giáo được dư luận xã hội quan tâm, phản hồi tích cực như: đề xuất xếp bảng lương cao nhất cho nghề giáo; xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại; tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học.
Nhiều giáo viên đang mong chờ các chính sách hỗ trợ thu nhập được triển khai để nâng cao đời sống. Trong ảnh: Cô và trò Trường mầm non Thống Nhất (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Liễu |
Nhiều người mong chờ các đề xuất trên sớm được triển khai, thực thi để các giáo viên được tiếp sức, có thêm động lực thực hiện tốt hơn công việc vất vả mang tính đặc thù và ý nghĩa của mình.
* Giáo viên - nghề đặc thù, vất vả
Trả lời tại kỳ họp Quốc hội ngày 7-11 trong phiên chất vấn các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Khi cải cách chính sách tiền lương, Bộ sẽ ưu tiên xếp lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp. Đồng thời phối hợp với Bộ GD-ĐT rà soát quy định tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề nhà giáo.
Trước đó, Bộ GD-ĐT nhiều lần làm việc với Bộ Nội vụ và 2 bộ đã thống nhất trình Chính phủ tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non và tiểu học. Cụ thể, tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non là 10% và giáo viên tiểu học là 5%. Đồng thời, Bộ GD-ĐT đã có ý kiến chính thức đề nghị xếp hạng giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc và giáo viên nữ nghỉ hưu ở độ tuổi 55. Các thông tin trên đã nhận được sự đồng tình của nhiều người. Bởi với những gì mà giáo viên đóng góp, họ xứng đáng được hưởng những chế độ ưu đãi tương xứng với công sức bỏ ra.
Nhiều nhà giáo cho rằng, các đề xuất này phù hợp, là động lực để giáo viên gắn bó với nghề. Cô Trương Mỹ Trinh, giáo viên Trường mầm non Hoa Sen (TP.Biên Hòa) bộc bạch: “Nghề giáo viên vốn vất vả, riêng giáo viên mầm non, tiểu học là công việc có tính đặc thù nên khi được quan tâm chúng tôi rất mừng. Tăng lương và phụ cấp ưu đãi là cách thiết thực để sẻ chia, làm vơi đi gánh nặng cuộc sống, để các thầy, cô giáo có thêm động lực gắn bó với nghề”.
Theo cô Trinh thì giáo viên tiểu học, mầm non có đặc thù công việc rất vất vả, đòi hỏi sức lao động bền bỉ bởi ở lứa tuổi mẫu giáo, đa phần các cháu chưa biết tự ăn uống và vệ sinh cá nhân, thường xuyên quấy khóc. Còn các bé cấp tiểu học thì còn nhỏ nên ý thức kỷ luật của trẻ chưa tốt, ý thức tự học chưa có. Việc tiếp thu kiến thức phụ thuộc rất nhiều vào giáo viên nên giáo viên chính là “người mẹ” thứ hai dạy các cháu bằng tình yêu thương, trách nhiệm giúp các cháu có nền tảng để vững vàng và trưởng thành ở các cấp học sau này. “Do đó, việc tăng phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên 2 cấp học này là rất xứng đáng” - cô Trinh nói.
* Tăng lương, phụ cấp là xứng đáng
Đồng quan điểm, bà Trần Thu Hiền có con học lớp mầm Trường mầm non Hướng Dương (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) chia sẻ, trung bình giáo viên mầm non mỗi ngày phải làm việc từ 10-12 giờ. Giáo viên hàng ngày phải có mặt ở trường từ 6 giờ 30, chiều có khi đến 18 giờ, trưa phải trông trẻ ăn, ngủ, làm đồ dùng dạy học... Không may trẻ nào bị trầy xước trong lúc chơi với bạn, có khi giáo viên còn bị phụ huynh lớn tiếng đe dọa, xúc phạm. Cường độ làm việc cao, vất vả cộng với áp lực tâm lý, đồng lương ít ỏi khiến không ít giáo viên nản lòng.
Từ năm 2020-2023, toàn tỉnh có 1.178 giáo viên nghỉ việc, nguyên nhân chính là thu nhập chưa đủ sống. So với định biên, đội ngũ giáo viên các cấp của tỉnh đang thiếu 3.600 người, trong đó giáo viên nhà trẻ thiếu 203 người, mẫu giáo 442 người, tiểu học 2.166 người, THCS 627 người, THPT 162 người. Sở GD-ĐT đang xây dựng chính sách hỗ trợ giáo viên các cơ sở công lập trước năm học mới 2023-2024. Hiện dự thảo chính sách đang được triển khai lấy ý đóp góp trước khi trình cơ quan chức năng thông qua. |
“Việc xếp công việc giáo viên mầm non có phải là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay không sẽ do cơ quan chức năng xem xét. Tuy nhiên, nếu có sự đồng thuận của các cơ quan chức năng khi xếp giáo viên mầm non vào danh sách các ngành nghề nặng nhọc, độc hại cũng là điều rất tốt. Bởi nếu được xếp vào nhóm nghề này, giáo viên mầm non sẽ có thêm phụ cấp, tăng thêm thu nhập” - bà Hiền nói.
Hiệu trưởng một trường mầm non tại TP.Biên Hòa chia sẻ, lương cơ bản điều chỉnh tăng từ tháng 7-2023 nhưng cơ bản thu nhập giáo viên không tăng bao nhiêu. Những người có thâm niên làm việc 15 năm mới chỉ có mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng. Còn giáo viên làm việc dưới 5 năm chỉ có mức 4-5 triệu đồng/tháng. Nghề giáo viên mầm non đòi hỏi phải có sức khỏe mới đảm đương tốt nhiệm vụ do đó cần đưa vào nghề lao động nặng nhọc và nghỉ hưu ở độ tuổi 55. Với đặc thù như trên, việc đề xuất đưa giáo viên mầm non vào nghề nặng nhọc cũng như nghỉ hưu ở độ tuổi 55 là phù hợp. Bởi ở độ tuổi đó, giáo viên đã chậm chạp, khó đảm bảo sức khỏe để dạy học bậc mầm non vốn rất nhiều việc.
Liên quan đến tiền lương cho giáo viên các cấp học, tại buổi gặp gỡ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn với giáo viên, trực tuyến qua 63 điểm cầu trên cả nước vào sáng 15-8 đã ghi nhận gần 2 ngàn ý kiến đề nghị về chế độ chính sách cho giáo viên. Hầu hết giáo viên phản ảnh tiền lương rất thấp so với mức sống của toàn xã hội, dù có bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Điều này cho thấy chính sách đối với nghề giáo được dư luận xã hội quan tâm.
Theo phản ảnh thì mức lương giáo viên hiện nay thấp, không đủ trang trải khiến nhiều người muốn bỏ nghề và đã bỏ nghề. Thực tế nhiều giáo viên ở lại với nghề cũng đang phải làm thêm nhiều việc để sống. Do phải làm thêm ngoài giờ lên lớp nên hạn chế việc tự học, trau dồi chuyên môn… Thế nên việc quan tâm đến chính sách đối với nghề giáo là cần thiết, nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay. Tăng lương, phụ cấp sẽ tạo thêm động lực giúp các giáo viên thêm gắn bó và cống hiến hết mình với nghề.
Gia An
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin