Theo Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (viết tắt Khu bảo tồn, đóng tại xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu), rừng do Khu bảo tồn quản lý không chỉ là “lá phổi” xanh của vùng Đông Nam bộ mà còn là nơi cư trú của nhiều loài lâm sản, thủy sản.
Kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Bù Đăng thu và phá bỏ các bẫy thú trong lúc tuần tra rừng. Ảnh: Đ.PHÚ |
Để bảo vệ rừng, lòng hồ Trị An, sự đa dạng sinh học, lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn đã không ngừng tuần tra, kiểm soát các đối tượng vào rừng, xâm nhập rừng trái phép.
* Còn nhiều vi phạm về khai thác, bảo vệ rừng
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn Trần Đình Hùng cho biết, các hành vi xâm phạm về rừng tại Khu bảo tồn chủ yếu như: đặt bẫy thú; khai thác măng, ươi; lấn chiếm vùng bán ngập; khai thác thủy sản bằng công cụ bị cấm; tổ chức hoạt động du lịch tự phát…
Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn đã tổ chức tháo gỡ, phá bỏ tại rừng gần 3 ngàn sợi bẫy các loại, trên 400 bẫy thú, 8 chòi tạm; trên 200 dàn lưới chài điện, máy xung điện, lợp xếp…; phát hiện trên 817 lượt người vào rừng trái phép…
Từ đầu năm 2023 đến nay, Khu bảo tồn đã phối hợp với chính quyền địa phương lập hồ sơ xử lý 84 trường hợp lấn chiếm đất, đảo bán ngập nơi lòng hồ Trị An. |
Lực lượng kiểm lâm cũng lập biên bản xử lý hành chính 19 vụ việc; chuyển cơ quan chức năng xử lý 58 trường hợp. Cụ thể, ngày 29-6, trong quá trình tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản nơi lòng hồ Trị An, 2 kiểm lâm viên: Nguyễn Văn Lưu và Nguyễn Thành Lương (Trạm Kiểm lâm số 1, Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn) phát hiện tại khu vực vàm Sa Mách (ấp 5, xã Thanh Sơn, H.Định Quán) có ngư cụ lợp xếp được thả dưới lòng hồ Trị An để đánh bắt thủy sản. Do đây là ngư cụ cấm ngư dân đánh bắt nên các kiểm lâm tiến hành thu gom, xử lý theo thẩm quyền.
Khi 2 kiểm lâm Lưu và Lương kéo được khoảng 30 ngư cụ lợp xếp lên ca nô thì bị một nhóm người tấn công, dùng dây trói và chở đến khu vực Đồi Cá (ấp Vĩnh An, xã La Ngà, H.Định Quán) giam giữ cho tới khi được lực lượng chức năng tới giải cứu. Vụ việc sau đó đã được Khu bảo tồn chuyển cho cơ quan công an địa phương giải quyết theo thẩm quyền.
Ông Trần Đình Hùng cho biết thêm, không chỉ công tác bảo vệ rừng, thú rừng, nguồn lợi thủy sản nơi lòng hồ Trị An, lực lượng kiểm lâm mới gặp sự chống đối của người vi phạm, mà ngay cả công tác ngăn chặn, xử lý việc chuyển đổi cây trồng trên đất lâm nghiệp; xây dựng các công trình nơi vùng bán ngập, du lịch tự phát cũng gặp sự phản kháng mạnh mẽ, không hợp tác của một số hộ dân.
* Để rừng không bị xâm hại
Hiện nay, hành vi vi phạm về rừng, nguồn lợi thủy sản được Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BNNPTNT ngày 28-3-2022 của Bộ NN-PTNT quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp chế tài rất nghiêm. Cụ thể như: khai thác trái phép môi trường rừng và thực hiện các dịch vụ, kinh doanh trái phép trong rừng sẽ bị phạt tiền đến 25 triệu đồng (Điều 8); khai thác rừng trái pháp luật bị phạt tiền đến 120 triệu đồng (Điều 13); phá rừng trái pháp luật bị phạt tiền đến 200 triệu đồng (Điều 20); vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng bị phạt tiền tới 400 triệu đồng (Điều 21)…
“Thời gian qua, các hành vi vi phạm về rừng xảy ra nhiều nhưng đa phần không bắt được đối tượng thực hiện nên không xử lý triệt để được” - ông Trần Đình Hùng cho hay.
Ngoài ra, Giám đốc Khu bảo tồn Nguyễn Hoàng Hảo cho biết, dù lực lượng kiểm lâm tuần tra, kiểm tra, xử phạt rất nghiêm nhưng các vi phạm về khai thác, bảo vệ rừng vẫn còn xảy ra. Nguyên nhân là do trong vùng đệm Khu bảo tồn và các vùng tiếp giáp với tỉnh Bình Phước vẫn còn một bộ phận người dân, đồng bào dân tộc thiểu số sống dựa vào rừng, lòng hồ Trị An. Bên cạnh đó, việc lấn chiếm vùng bán ngập để sản xuất, nuôi thủy sản, xây dựng các điểm du lịch tự phát cho lợi nhuận hấp dẫn nên một số người dân bất chấp quy định cấm vẫn triển khai thực hiện.
Trước thực trạng đó, trong thời gian tới, ngoài biện pháp tăng cường tuần tra, bảo vệ, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về rừng, khai thác nguồn lợi thủy sản trái phép, lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân sinh sống ven rừng, nơi vùng đệm ý thức bảo vệ rừng, cam kết không vi phạm và tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng, nguồn lợi thủy sản. Về lâu dài, vẫn phải triển khai chủ trương di dời dân ra khỏi rừng.
Để bảo vệ rừng Khu bảo tồn, hạn chế các hành vi vi phạm về rừng, nguồn lợi thủy sản, theo cán bộ pháp chế Khu bảo tồn Nguyễn Bá Lộc, rất cần sự chung tay của các cấp chính quyền, người dân sinh sống trong vùng đệm trong công tác bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, xã hội cũng cần bỏ thói quen sử dụng thịt rừng làm đặc sản; cây rừng làm đồ gia dụng, vật trang trí thì nạn săn bẫy thú rừng, xâm hại rừng sẽ giảm thiểu tới mức thấp nhất.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin