Bạo lực học đường là một vấn nạn trong nhiều trường học. Hiện có rất nhiều hình thức bạo lực, bắt nạt học đường; từ những hành động dễ dàng nhìn thấy như: đánh nhau, chửi nhau, đe dọa, thách đố cho đến nhiều chiêu bắt nạt học đường ngày càng tinh vi như: nói xấu, thao túng, cô lập hoặc bắt nạt trên không gian mạng…
Từ đầu năm 2023 đến nay, tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, đã xảy ra một số vụ bạo lực học đường. Mới nhất, vào ngày 10-11, em L.T.N. (học sinh lớp 6D, Trường THCS Tân Minh, H.Thường Tín, Hà Nội) bị 4 học sinh đấm đá túi bụi lên đầu, cổ, mặt. Điều đáng nói, trong khi nhóm người đang hành hung nữ sinh, xung quanh các học sinh khác đứng xem và quay clip tung lên mạng xã hội.
Tháng 4-2023, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh nữ sinh đánh nhau gần một trường tiểu học thuộc P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa). Nạn nhân bị kéo tóc, bắt quỳ rồi bị đạp vào người. Dù nạn nhân khóc lóc, van xin nhưng những nữ sinh kia vẫn liên tiếp đánh khiến em này ngã xuống đường.
Ngành Giáo dục Đồng Nai và các trường học đã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa nạn bạo lực học đường; trong đó có việc phối hợp với Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh nói chuyện chuyên đề về phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh. Qua đó, giúp học sinh nhận biết hành vi bạo lực học đường; cách phòng tránh, cách xử lý khi xảy ra bạo lực học đường.
Theo đó, tốt nhất học sinh cần báo sự việc đến thầy cô, nhà trường, cha mẹ, công an địa phương khi có dấu hiệu bị bạn bè đe dọa, bắt nạt, hành hung. Học sinh không nên quay clip bạn bè bị đánh rồi tung lên mạng; điều này không chỉ ảnh hưởng đến nạn nhân trong vụ việc, mà bản thân học sinh quay clip cũng vướng vào phiền phức. Nếu bản thân không thể can ngăn được vụ việc đánh nhau giữa các bạn thì cần tìm những người lớn gần đó để giúp đỡ nạn nhân. Nếu có quay clip thì gửi cho nhà trường, cơ quan chức năng để làm cơ sở xử lý những người có sai phạm.
Ngoài ra, để phòng tránh bạo lực học đường, vai trò của phụ huynh cũng rất quan trọng. Trước hết, phụ huynh cần sống gương mẫu, nói không với bạo lực gia đình; thường xuyên quan tâm, hỏi han con để sớm phát hiện những bất thường mới có thể can thiệp kịp thời; hướng dẫn con kỹ năng tự bảo vệ mình trên không gian mạng.
Song song đó, việc dạy con kỹ năng ứng xử với bạn bè, thầy cô cũng rất quan trọng; tuyệt đối không có lời nói, hành động tỏ thái độ lăng mạ, thách thức, nói xấu người khác… thì mới hạn chế những va chạm, xích mích với bạn bè ở trường; đồng thời, học sinh cũng không nên lo sợ khi bị bạn xấu bắt nạt vì xung quanh luôn có cha mẹ, thầy cô và bạn bè tốt bảo vệ, yêu thương.
Như Quỳnh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin