Việc sử dụng mạng xã hội (MXH) để kết nối, chia sẻ, đăng tải, tìm kiếm thông tin… đang rất phổ biến. Tuy vậy, việc sử dụng MXH văn minh, văn hóa, thượng tôn pháp luật và quyền, lợi ích hợp pháp của người khác đòi hỏi người dùng cần có kiến thức, kỹ năng nhất định.
TS Đinh Thị Thanh Nga (bìa phải, Trưởng bộ môn Hành chính - hình sự, Trường đại học Sài Gòn) trao đổi về quy chuẩn sử dụng mạng xã hội đối với người dùng tại hội nghị Báo cáo viên pháp luật quý IV-2023 do Sở Tư pháp tổ chức vào ngày 15-12. Ảnh: Đ.Phú |
* Độc lạ và độc hại
Hiện nay, người dùng MXH có xu hướng thích chia sẻ những khoảnh khắc, câu chuyện, vấn đề… được cho là “độc lạ” lên các trang MXH. Các chuyên gia về giáo dục, pháp luật đánh giá, ngoài những thông tin, hình ảnh tích cực, còn có những khoảnh khắc “độc, lạ” hội tụ cả những mặt tiêu cực, phản ảnh lối sống kỳ dị, đua đòi vật chất, trái thuần phong mỹ tục, đạo đức, pháp luật… Để rồi “độc, lạ” chẳng thấy, mà toàn ẩn chứa nhiều thứ “độc hại”, ảnh hưởng tới tâm lý, tình cảm, đời sống riêng tư của người khác, xã hội, pháp luật.
Cụ thể, vì muốn “câu like” trên MXH, một nhóm thanh, thiếu niên ở H.Long Thành đã có hành vi điều khiển bốc đầu xe máy trên một số tuyến đường chính thuộc Trung tâm Hành chính H.Long Thành; sau đó quay clip đăng lên MXH thu hút hàng ngàn lượt xem, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện. Do đó, ngày 4-12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an H.Long Thành đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 4 thanh, thiếu niên từ 17-21 tuổi trong nhóm này để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Bên cạnh đó, thời gian qua có không ít người dùng MXH đăng tải hình ảnh “độc, lạ” của mình một cách vô tội vạ, thiếu ý thức như: hay chia sẻ cảnh người đi rẫy, rừng với các hoạt động bẫy chim, bắt rắn, xẹt cá bằng điện. Hành vi đó thể hiện sự thiếu ý thức bảo vệ môi trường, không chấp hành pháp luật về bảo vệ rừng, nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên. Đây cũng là cơ sở để cơ quan chức năng xử phạt hành chính do vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng, thủy sản.
Ngoài ra, trên thực tế đã có một số người đăng tải các bài viết có nội dung sai sự thật lên MXH và bị xử phạt hành chính. Cụ thể, ngày 15-7, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng đối với ông H.T.T. (66 tuổi, ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) về hành vi dùng MXH để đăng tải thông tin sai sự thật. Cụ thể, tài khoản Facebook “Thien Ho” do ông T. quản trị và sử dụng đã thường xuyên đăng tải các bài viết có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
* Sử dụng MXH văn hóa, văn minh
Theo Vietnam Digital Report 2023, We Are Social, tính đến đầu năm 2023, Việt Nam có gần 77 triệu người sử dụng internet, tương đương 79,1% dân số cả nước. Về thời gian sử dụng internet mỗi ngày, báo cáo của We Are Social cho thấy người dùng Việt Nam dành khoảng 6 giờ 23 phút để lướt internet, trong đó 55,4% thời gian sử dụng internet thông qua các thiết bị di động. 5 nền tảng MXH được sử dụng nhiều nhất Việt Nam gồm có: Facebook (91,6%), Zalo (90,1%), TikTok (77,5%), Facebook Messenger (77%) và Instagram (55,4%). Mục đích sử dụng internet của người dùng tại Việt Nam trong năm 2023 gồm: 66% để kết nối với gia đình và bạn bè; 65,2% để tìm kiếm thông tin; 55,4% để xem video, phim hoặc các chương trình trên TV; 47,2% để tìm kiếm ý tưởng mới…
“Trên MXH tràn ngập thông tin tích cực lẫn tiêu cực, bịa đặt nên người dùng MXH cần tỉnh táo, phải tìm hiểu kỹ các nguồn thông tin để kiểm chứng, không nên đưa ra những nhận xét, bình luận vội vàng, không đúng sự thật hoặc ác ý nhằm hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người khác” - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh PHAN VĂN CHÂU lưu ý. |
Để hạn chế sự tiêu cực của MXH tác động đến người dùng, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh; hướng tới việc xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên MXH…, Bộ TT-TT đã ban hành Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17-6-2021 về việc Ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH.
Theo đó, có 4 quy tắc ứng xử chung cho tất cả các nhóm đối tượng như: quy tắc tôn trọng, tuân thủ pháp luật (tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân). Quy tắc lành mạnh (hành vi, ứng xử trên MXH phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam). Quy tắc an toàn, bảo mật thông tin (tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin). Quy tắc trách nhiệm (chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên MXH; phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật).
Tại hội nghị báo cáo viên pháp luật quý IV-2023, do Sở Tư pháp tổ chức vào ngày 15-12, TS Đinh Thị Thanh Nga (Trưởng bộ môn Hành chính - hình sự, Trường đại học Sài Gòn) lưu ý, ngoài các quy tắc trên, người sử dụng MXH cần chú ý tới các nhóm quy tắc ứng xử dành riêng cho tổ chức, cá nhân như: tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ MXH trước khi đăng ký, tham gia MXH. Nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng MXH. Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy. Khuyến khích sử dụng MXH để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt…
“Ứng xử như vậy mới được xem là người dùng MXH sáng suốt, tỉnh táo, có văn hóa, văn minh, tôn trọng quyền con người, thượng tôn pháp luật” - TS Đinh Thị Thanh Nga nhấn mạnh.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin