Vấn đề dạy thêm, học thêm đã được đem ra tranh luận từ nhiều năm nay. Mới đây, nội dung này lại nóng lên tại diễn đàn Quốc hội với đề xuất đưa việc dạy thêm, học thêm vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã thu hút được sự quan tâm của dư luận.
Các bình luận của bạn đọc dưới bài báo Đề xuất đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện: Có giải quyết được cái gốc của vấn đề? đăng trên Báo Đồng Nai ngày 2-12 |
Phản hồi bài viết Đề xuất đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện: Có giải quyết được cái gốc của vấn đề? đăng trên Báo Đồng Nai ngày 2-12, ngoài các ý kiến nhất trí với đề xuất của Bộ GD-ĐT, nhiều bạn đọc (BĐ) đề xuất cần sửa đổi các quy định về quản lý để nâng cao hiệu quả dạy thêm, học thêm, ngăn ngừa các biến tướng tiêu cực hiện nay.
* Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý
BĐ Nguyễn Anh Đài (ngụ xã Sông Thao, H.Trảng Bom) chia sẻ: “Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, khi trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến việc dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhận định, cần đưa hoạt động dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo Bộ trưởng, đây chính là cơ sở pháp lý để quản lý việc học và dạy thêm ngoài trường học. Tôi rất đồng tình với ý kiến này”.
Nhiều BĐ bày tỏ sự đồng tình, bởi thực tế nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT đã có nhiều quy định về dạy thêm, học thêm. Trong đó có Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16-5-2012 về ban hành quy định về dạy thêm, học thêm, trong đó chủ yếu kiểm soát việc dạy thêm, học thêm trong khuôn khổ nhà trường. Song song đó, Bộ cũng đã ban hành các quy định về đạo đức nhà giáo, quy tắc ứng xử trong trường học, văn hóa học đường... Thế nhưng, việc quản lý dạy thêm, học thêm lâu nay chỉ chặt chẽ trên mặt giấy tờ, quy định, còn thực tế hoạt động này đã biến tướng dưới nhiều hình thức.
“Còn nhớ năm 2022, Sở GD-ĐT Đồng Nai có ban hành văn bản ngưng dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. Tuy nhiên, việc dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra thông qua cách này hay cách khác” - BĐ Trần Văn Lâm (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) dẫn chứng.
Theo ông Lâm, thực tế nhu cầu dạy thêm, học thêm là có, nếu không cấm thì cơ quan chức năng nên có cách để quản lý, đưa hoạt động này vào khuôn khổ với các quy định chặt chẽ, cụ thể từ mức phí, giờ giấc, chất lượng… Thực tế chi phí cho con học thêm là gánh nặng kinh tế của phụ huynh học sinh, chứ không phải học phí ở các trường công lập.
Nhiều BĐ cho rằng, hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường hiện vẫn còn đang trống cơ sở pháp lý để quản lý, giám sát, điều tiết, xử lý.
* Để việc dạy thêm, học thêm đi đúng hướng
Một số BĐ đề xuất, trong lúc chờ các cơ quan có thẩm quyền xem xét và quyết định bổ sung việc dạy thêm, học thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ngành Giáo dục và chính quyền địa phương nên có sự phối hợp để thống nhất biện pháp, quy chế quản lý hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường. Trước hết là việc tổ chức lớp dạy thêm, học thêm phải trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, học sinh và phù hợp trình độ của người học. Giáo viên và cơ sở dạy thêm tuyệt đối không được o ép học sinh để tổ chức các lớp dạy thêm, học thêm…
BĐ Trần Ngọc Bích (ngụ xã Lộc An, H.Long Thành) cho rằng, việc dạy thêm và học thêm không xấu mà biến tướng của hoạt động này đã khiến xã hội có cái nhìn xấu về dạy thêm, học thêm. Mặt tiêu cực của hoạt động này thể hiện ở chỗ học thêm, dạy thêm gây tốn kém cho phụ huynh, quá tải cho học sinh và làm mất đi công bằng trong môi trường giáo dục. Đáng buồn nhất là làm méo mó hình ảnh cao quý của người thầy. Do đó, việc đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết nhằm quản lý, giám sát, kiểm tra cũng như xử lý khi có sai phạm.
Phản hồi sau khi đọc bài viết Đề xuất đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện: Có giải quyết được cái gốc của vấn đề?, bà Huỳnh Thị Nga (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) nhận xét, bài viết đã ghi nhận được các ý kiến đa chiều về vấn đề này. Câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu sau khi đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì ngành GD-ĐT có tổ chức và quản lý được hoạt động dạy thêm, học thêm? Khi dạy thêm được luật hóa, lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương, mà chương trình và cách thức thi cử vẫn nặng nề như thế thì rất khó đưa việc dạy thêm, học thêm vào nề nếp như chúng ta mong muốn.
Kim Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin