Báo Đồng Nai điện tử
En

Tháo gỡ khó khăn cho người dân sống ở vùng lõi rừng khu bảo tồn

Đoàn Phú
08:23, 11/12/2023

Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (viết tắt là Khu bảo tồn) được thành lập vào năm 2003 trên cơ sở sáp nhập 3 lâm trường: Mã Đà, Hiếu Liêm, Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu). Tuy nhiên, khi thành lập Khu bảo tồn, các đơn vị trên vẫn chưa thanh lý các hợp đồng giao khoán rừng, đất rừng nên hiện nay phát sinh một số vấn đề bất cập liên quan tới hợp đồng giao khoán giữa người dân với Khu bảo tồn.

Ông Nguyễn Văn Truyên (ngụ xã Hiếu Liêm, H.Vĩnh Cửu) phản ảnh về bất cập trong hợp đồng giao khoán đất rừng tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 7-12 vừa qua. Ảnh:  Đ.PHÚ
Ông Nguyễn Văn Truyên (ngụ xã Hiếu Liêm, H.Vĩnh Cửu) phản ảnh về bất cập trong hợp đồng giao khoán đất rừng tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 7-12 vừa qua. Ảnh: Đ.PHÚ

Khu bảo tồn hiện tại có hơn 2 ngàn hộ dân đang nhận khoán sử dụng trên 5 ngàn ha rừng, đất rừng do Khu bảo tồn quản lý. Trong đó, có gần 4 ngàn ha/1,6 ngàn hộ dân có hợp đồng giao khoán và trên 1 ngàn ha/876 hộ dân chưa có hợp đồng giao khoán.

* Người dân kêu khó

Theo người dân sinh sống tại các vùng lõi Khu bảo tồn phản ảnh, trước khi thành lập Khu bảo tồn thì diện tích đất lâm nghiệp hiện họ đang sử dụng là đất rừng sản xuất được 3 lâm trường: Mã Đà, Hiếu Liêm, Vĩnh An giao khoán cho họ với mục đích trồng rừng, các cây công nghiệp, nông nghiệp với thời hạn 20 hoặc 50 năm theo hợp đồng. Tuy nhiên, khi thành lập Khu bảo tồn thì rừng sản xuất của họ được chuyển thành rừng đặc dụng nên việc xây dựng nhà ở trên đất giao khoán, khai thác rừng trồng, chuyển đổi cây trồng… để ổn định cuộc sống không thực hiện được.

Căn cứ theo Khoản 2, Điều 52, Luật Đa dạng sinh học năm 2008; Khoản 2, Điều 5 và Điều 46, Luật Lâm nghiệp năm 2017; Điều 6, Luật Đất đai năm 2013 thì Khu bảo tồn buộc người dân phải sử dụng đất đúng mục đích, trong phân khu phục hồi sinh thái phải trồng loài cây bản địa, không được trồng cây ngoại lai, xây nhà ở kiên cố. Nhất là tại Điểm d, Khoản 2, Điều 11, Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018 của Chính phủ có quy định, không được trồng các loại thực vật không có phân bố tự nhiên tại rừng đặc dụng… Do đó, hiện người dân muốn chuyển đổi diện tích đất trồng xoài, điều, keo lai đã trồng trước kia sang cây trồng khác như: chuối cấy mô, cây ăn trái thì không thực hiện được.

Cũng theo người dân sinh sống nơi vùng lõi Khu bảo tồn, do họ sinh sống tại các khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng nên cơ sở vật chất, hạ tầng như: điện, đường, nước sạch, viễn thông chưa được đầu tư; nhà ở của họ xuống cấp nhưng chỉ được sửa chữa tạm bợ, không được xây dựng kiên cố; đời sống của họ chủ yếu dựa vào rừng nhưng thu nhập từ rừng hiện tại rất bấp bênh nên gặp rất nhiều khó khăn…

* Sớm triển khai dự án di dời dân

Mặc dù Thông tư 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30-12-2022 của Bộ NN-PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, cho phép người dân được khai thác rừng trồng trên đất giao khoán. Tuy nhiên, khi người dân xin phép Khu bảo tồn cho phép họ khai thác các loại cây trồng trên diện tích đất giao khoán thuộc đất quy hoạch rừng đặc dụng thì Khu bảo tồn cho rằng, do thông tư không có quy định về trình tự, thủ tục khai thác đối với cây trồng trên diện tích đất giao khoán thuộc quy hoạch rừng đặc dụng nên bị tạm dừng.

Việc di dời dân cư ra khỏi rừng Khu bảo tồn là chủ trương đúng của tỉnh, huyện nhằm bảo vệ rừng, sự đa dạng sinh vật, động vật rừng, ổn định đời sống dân cư. Đây là vấn đề mà người dân sinh sống trong rừng, ven lòng hồ Trị An quan tâm và chờ đợi thực hiện” -  ông  VƯƠNG VĂN MẾN (ấp 3, xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu).

Đồng thời, theo đề xuất của nhiều hộ dân, diện tích đất sản xuất nông lâm nghiệp họ đang quản lý, sản xuất hiện một số đã hết hợp đồng giao khoán. Chính vì vậy, họ muốn Khu bảo tồn tiếp tục ký lại hợp đồng giao khoán để  được ở lại rừng, mảnh đất mà họ gắn bó từ hơn 30 năm nay.

Vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu bảo tồn cho biết, Khu bảo tồn hiện có 209 hộ/396 ha rừng hết hạn hợp đồng giao khoán. Hiện có 2 phương án giải quyết: đối với các hợp đồng giao khoán thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, Khu bảo tồn sẽ không ký lại hợp đồng giao khoán mới. Còn đối với hợp đồng giao khoán thuộc quy hoạch rừng sản xuất nếu các hộ dân thực hiện đúng nội dung hợp đồng thì tiếp tục được tái ký hợp đồng giao khoán mới thời hạn không quá 20 năm; nếu hộ dân không thực hiện đúng hợp đồng, sử dụng diện tích khoán sai mục đích, diện tích khoán chuyển nhượng trái pháp luật sẽ bị thu hồi, không tái ký lại hợp đồng.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Khu bảo tồn, dự án di dời ổn định dân cư 2 xã: Mã Đà, Hiếu Liêm mới thực hiện được 50 hộ dân ở khu vực suối Sai (ấp 5, xã Mã Đà). Khu vực Đồng 4 (ấp 5, xã Mã Đà) và các khu vực khác đang trong quá trình triển khai, thực hiện đề án di dời.

Để giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân sinh sống trong Khu bảo tồn, ông Nguyễn Hoàng Hảo kiến nghị, các cấp ngành, địa phương, Trung ương sớm tạo điều kiện cho các hộ dân nhận giao khoán đất trồng rừng được khai thác các loại cây do người dân trồng trên đất giao khoán thuộc rừng đặc dụng; có chính sách hỗ trợ người dân khi đơn vị thanh lý hợp đồng giao khoán; sớm triển khai dự án di dời dân khu vực 2 xã: Mã Đà, Hiếu Liêm ra khỏi rừng...

Đoàn Phú

Tin xem nhiều