Ngày 11-1, 17 người đã bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn một số món hải sản như: hàu, bào ngư, bạch tuộc nướng tại quán F. (trên đường Trương Định, P.Tân Mai, TP.Biên Hòa), trong đó 2 trẻ em có các triệu chứng nặng.
Khi mua hải sản nên chọn những con còn tươi sống. Ảnh: C.T.V |
Đánh bắt ở biển nên hải sản thường được cấp đông, thậm chí được ướp hóa chất để giữ tươi nên trước khi vào nhà hàng, quán ăn cũng đã trải qua nhiều ngày. Nếu không được bảo quản ở nhiệt độ phù hợp, rã đông không đúng quy trình và chế biến không kỹ sẽ rất dễ nhiễm khuẩn dẫn đến ngộ độc.
* Không bảo quản đúng, nguy cơ ngộ độc cao
Thông tin từ Phòng Y tế TP.Biên Hòa cho biết, trong các ngày từ 13 đến 16-1, phòng đã nhận được tin báo của người dân về 17 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện điều trị sau khi ăn hải sản tại một quán ăn trên địa bàn TP.Biên Hòa. Đến nay, sau 10 ngày kể từ khi bị ngộ độc, sức khỏe các bệnh nhân ổn định và đã lần lượt xuất viện. Tuy nhiên, đây là lời cảnh báo về nguy cơ mất an toàn khi ăn hải sản đông lạnh.
Cũng theo thông tin từ cơ quan chức năng, vụ ngộ độc thực phẩm tại quán F., ngoài các nguyên nhân về điều kiện vệ sinh chế biến thì một trong những nguyên nhân dẫn đến ngộ độc là do hải sản nhiễm khuẩn, rã đông không đủ thời gian dẫn đến bên trong hải sản chưa đủ chín.
Thực tế, đây không phải là vụ ngộ độc hải sản hiếm gặp, bởi đã có không ít trường hợp ăn hải sản đông lạnh bị ngộ độc, nhưng tình trạng không quá nặng hoặc không phải nhiều người mắc cùng một chỗ, cùng một lúc nên vấn đề chưa được cảnh báo.
Anh Trần Quốc Đạt (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) rất thích ăn hải sản nướng. Tết Dương lịch 2024, cả gia đình anh đi chơi biển Vũng Tàu và đặt hải sản về khách sạn ăn với gia đình. Trong 4 món ăn hôm ấy, anh Đạt có đặt món gỏi cua biển ăn sống với mù tạt, trong đó có uống rượu pha huyết cua biển. Tối hôm đó về đến nhà ở TP.Biên Hòa thì 3 người ăn món gỏi cua đã bị đau bụng, nôn ói và tiêu chảy. Rất may là chỉ qua một hôm các triệu chứng cũng dừng lại nên không phải đi bệnh viện.
Hải sản là loại thực phẩm tươi sống được nhiều người ưa thích, chế biến được nhiều món ăn ngon. Tuy nhiên, nếu mua phải các loại hải sản chết, ngộp hoặc loại đã được cấp đông, rồi rã đông qua lại nhiều lần, nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao.
Có người nhà ở miền Trung chuyển hải sản vào để bán, bà Phan Thị Thuấn (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết, muốn ăn tôm, cá, ốc… sống thì hầu như chỉ mua được hàng nuôi, chứ hàng đánh bắt từ biển đều phải được cấp đông, nên nói là hàng biển sống và ở giữa thành phố xa biển thì khó lắm.
Cũng theo bà Thuấn, khi đánh bắt lên, hải sản phải được cấp đông ngay hoặc phải hấp hay phơi. Nhưng thực tế, nhiều loại hải sản đánh bắt khơi xa vào bờ cũng qua nhiều ngày, qua nhiều khâu, di chuyển nhiều nơi mới đến tay người ăn, việc hải sản cứ rã đông rồi lại cấp đông nhiều lần sẽ dẫn đến nhiễm độc và gây ra ngộ độc.
Theo khuyến cáo của ông NGUYỄN ĐÌNH MINH, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), khi mua hải sản, người dân nên chọn loại tươi sống. Nếu mua hải sản muốn cấp đông để dùng nhiều ngày cần phải xử lý sạch hoặc hấp chín, chia phần đủ dùng và bảo quản ở nhiệt độ -400C. Khi muốn ăn, lấy thực phẩm ra rã đông bằng việc để lên ngăn mát qua một đêm. Tuyệt đối không nên rã đông rồi lại cấp đông thực phẩm nhiều lần.
* Phòng tránh ngộ độc khi ăn hải sản cấp đông
Hải sản là thực phẩm sử dụng thường ngày ở nhiều gia đình và cũng là món ăn được nhiều quán ăn chế biến thành những món ăn ngon. Tuy nhiên, nếu người nấu thiếu kiến thức về việc bảo quản, chế biến hải sản, sẽ dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, những cơ sở y tế này cũng thường xuyên tiếp nhận, cấp cứu một số bệnh nhân bị ngộ độc do ăn hải sản, có khi là 1-2 người riêng lẻ, cũng có khi là một nhóm 5-7 người đi du lịch có ăn hải sản hoặc ăn hải sản tại các nhà hàng. Trong đó chủ yếu là ngộ độc ciguatera, histamine… Đây là những độc tố phát sinh khi hải sản chết và quá trình cấp đông không đạt yêu cầu.
Cẩn trọng khi ăn một số loại ốc độc, lạ |
Chẳng hạn, khi hải sản chết, trong điều kiện bảo quản không đủ lạnh ngay từ đầu, các vi khuẩn có trên hải sản chuyển hóa thịt hải sản thành histamine. Nếu hải sản tươi sống, hàm lượng histamine chỉ dưới 1mg/100g thịt thì khi chết trong vòng 3 giờ sẽ là 50mg/100g thịt hải sản; hải sản chết càng lâu thì lượng độc tố histamine tích lũy ngày càng tăng và nguy cơ ngộ độc và tử vong do ngộ độc càng lớn.
Rõ ràng là hiện nay nhiều người kinh doanh, chế biến hải sản cũng như ăn hải sản vẫn chưa lường hết được những nguy cơ ngộ độc từ các loại hải sản. Đặc biệt, thời gian này là cận Tết Nguyên đán, nhu cầu mua trữ và sử dụng hải sản là rất lớn.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) Nguyễn Đình Minh khuyến cáo, người dân cần nâng cao hiểu biết, ý thức về mua bán, bảo quản, chế biến và sử dụng một số loại hải sản, chỉ nên ăn các loại còn tươi hoặc được cấp đông ở nhiệt độ quy định ngay sau khi đánh bắt. Cũng không nên mạo hiểm ăn một số loại hải sản sắc màu bắt mắt, nhất là các loại: so biển, cá nóc hay một số loại hải sản độc lạ. Sau khi ăn, nếu xuất hiện các triệu chứng: nôn mửa, tê môi, miệng, chân tay, lơ mơ, choáng váng, mệt mỏi toàn thân… thì cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cấp cứu kịp thời.
Phương Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin