Cận Tết, với những người thuê nhà, việc giữ lại nơi ở, chỗ kinh doanh tốt không dễ trước sức ép người cho thuê tăng giá, đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) tư vấn cho người lao động thuê nhà trọ khi bị chủ nhà trọ đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà. Ảnh: Đ.Phú |
Vậy người thuê nhà cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi khi bị người cho thuê ép dọn nhà, cửa hiệu khi năm hết, Tết đến.
* Nỗi lo dời nhà bất đắc dĩ của người thuê
Gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nhưng việc kinh doanh quần áo vẫn ế ẩm, chị Ngọc Diệp (quê tỉnh Bạc Liêu) còn bị ông chủ cho thuê mặt bằng (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đề nghị tăng tiền thuê nhà từ 2 triệu lên 3 triệu đồng/tháng. Chủ nhà này nói, nếu chị Diệp đồng ý với giá thuê đó thì đầu tháng 2-2024 làm lại hợp đồng thuê cửa tiệm, còn không đồng ý thì chị phải trả lại mặt bằng để ông cho người khác thuê.
Chị Diệp cho biết, gần 1 năm gồng mình chịu trận để mong dịp Tết kinh doanh suôn sẻ đôi chút, vậy mà chủ nhà lại đòi tăng giá thuê hoặc trả mặt bằng. Chị Diệp giờ không biết phải làm gì để đối phó với việc chủ nhà lợi dụng dịp Tết bắt chẹt người thuê mặt bằng như chị?
Do nhiều lần trả tiền thuê phòng trọ không đúng hẹn nên những tuần gần Tết, vợ chồng anh Duy Tân (quê tỉnh Tiền Giang) bị chủ nhà trọ S.H. (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) thúc ép chuyển chỗ ở. Nêu lý do gặp khó khăn về kinh tế, vợ chồng anh Tân cố gắng nài nỉ chủ nhà trọ cho ở tới ra Tết rồi dọn đi nhưng chủ nhà trọ không chấp nhận và muốn vợ chồng anh hạn chót vào ngày 30-1-2024 phải trả phòng.
“Thời điểm này đi thuê phòng trọ rất khó và giá thuê cao hơn so với trong năm, cộng với bao nhiêu thứ cần phải mua sắm mới nên vợ chồng tôi chưa thể chuyển đi được” - anh Tân cho biết.
Chuyện đầu năm thuê, cuối năm vội vã chuyển chỗ ở khác như là điệp khúc đến hẹn lại lên của rất nhiều công nhân lao động nhập cư, sinh viên khi gặp phải chủ nhà trọ, cửa tiệm thiếu cảm thông, chia sẻ hoặc xuất phát từ phía người thuê như: thay đổi chỗ ở mới với giá rẻ, rộng rãi, thuận tiện cho công việc, học hành…
Chính vì vậy, cả người thuê, lẫn người cho thuê đều muốn biết pháp luật dân sự về nhà ở hiện quy định vấn đề này ra sao nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho bên thuê hoặc bên cho thuê khi một bên cố tình vi phạm hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng trước hạn.
“Chỗ ở hợp pháp, kinh doanh của công dân được pháp luật bảo vệ nên khi người cho thuê có hành vi buộc người thuê rời khỏi nơi ở, kinh doanh không đúng luật và gây thiệt hại thì phải bồi thường”- luật sư CHU VĂN HIỂN (Hội Luật gia tỉnh) lưu ý.
* Không có chuyện “thích” thì đuổi, không “thích” thuê thì dọn đi
Luật sư Chu Văn Hiển (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, bên cho thuê và bên thuê nhà ở được thỏa thuận về thời hạn thuê, giá thuê và hình thức trả tiền thuê nhà theo định kỳ hoặc trả một lần. Bên cho thuê và bên thuê nhà ở được Nhà nước bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình thuê và cho thuê nhà ở. Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Nhà ở năm 2014 và quy định pháp luật có liên quan.
Cụ thể, tại khoản 2, Điều 131 Luật Nhà ở năm 2014 có quy định, thuê nhà ở không thuộc sở hữu nhà nước thì việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở chỉ được xem là hợp pháp khi có một trong các sự kiện pháp lý xảy ra như: hợp đồng thuê nhà ở hết hạn. Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng. Nhà ở cho thuê không còn. Bên thuê nhà ở chết hoặc có tuyên bố mất tích của tòa án mà khi chết, mất tích không có ai đang cùng chung sống. Nhà ở cho thuê bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ hoặc thuộc khu vực đã có quyết định thu hồi đất, giải tỏa nhà ở hoặc có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhà ở cho thuê thuộc diện bị Nhà nước trưng mua, trưng dụng để sử dụng vào các mục đích khác. Thuộc trường hợp bên cho thuê và bên thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo Điều 132 Luật Nhà ở năm 2014.
Chẳng hạn, bên thuê không trả tiền thuê nhà ở theo thỏa thuận từ 3 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng. Bên thuê sử dụng nhà ở không đúng mục đích như đã thỏa thuận trong hợp đồng. Bên thuê tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở đang thuê. Bên thuê chuyển đổi, cho mượn, cho thuê lại nhà ở đang thuê mà không có sự đồng ý của bên cho thuê. Bên thuê làm mất trật tự, vệ sinh môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của những người xung quanh đã được bên cho thuê nhà ở hoặc trưởng khu phố, ấp, lập biên bản đến lần thứ ba mà vẫn không khắc phục. Bên cho thuê nhà ở có một trong các hành vi: không sửa chữa nhà ở khi có hư hỏng nặng; tăng giá thuê nhà ở bất hợp lý hoặc tăng giá thuê mà không thông báo cho bên thuê nhà ở biết trước theo thỏa thuận; khi quyền sử dụng nhà ở bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba.
Đồng thời, luật sư Chu Văn Hiển lưu ý thêm, bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở phải thông báo cho bên kia biết trước ít nhất 30 ngày, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Trường hợp hợp đồng thuê nhà ở hết hạn mà trong hợp đồng không xác định thời hạn thì hợp đồng chấm dứt sau 90 ngày, kể từ ngày bên cho thuê nhà ở thông báo cho bên thuê nhà ở biết việc chấm dứt hợp đồng.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin