Báo Đồng Nai điện tử
En

‘Đặc sản’ ở rừng có được 'thích thì lấy'?

Đoàn Phú
08:44, 22/01/2024

Thông thường vào những ngày cuối năm, nhiều loại hoa, lá, cây cảnh có nguồn gốc từ rừng, rẫy, vườn được nhiều người săn lùng để trưng bày, mua bán. Chính tâm lý chuộng “đặc sản” có từ rừng, rẫy vườn mà không ít người có hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, xâm phạm quyền tài sản của người khác mà không hề biết.

Lan rừng được người dân bày bán ngoài đường phố ở TP.Biên Hòa trong những ngày cận Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: Đ.Phú

* Tìm “đặc sản” từ rừng, vườn rẫy

Vốn làm nghề cưa, cắt cây thuê, ông P.V.H. (ngụ xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) cho biết, nhiều nơi có cây mai, cây cảnh mọc hoang nên khi không có việc làm, ông thường vào rừng, đến các bờ suối đào về bán cho các vựa cây cảnh hoặc người thân quen. Công việc của ông H. những ngày cuối năm có vẻ khấm khá khi ông khoe vừa đào được gốc mai khá đẹp tại suối Mã Đà (khu vực xã Hiếu Liêm, H.Vĩnh Cửu) bán được 5 triệu đồng. Ngoài đào cây mai, cây  cảnh, ông H. còn tranh thủ vào rừng, vườn rẫy của dân cắt lá dong, lá chuối rừng, lồ ô bán cho các hộ gói bánh tét, bánh chưng tết.

Do gắn bó với những khu rừng giáp ranh với tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước, ông T.X. (ngụ H.Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) ngoài vào rừng tìm đọt may, măng rừng, lá díp về làm những món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc S’tiêng, còn tìm bắt mật ong rừng, lan rừng về bán. Mùa Xuân là thời điểm ong làm mật nhiều và lan rừng ra hoa rất đẹp nên lấy được nhiều hay ít cũng bán được tiền. Năm nào cũng vậy, khi Tết đến, ông X. thường đi một mình hoặc rủ thêm vài người bạn vào rừng, vườn rẫy kiếm “đặc sản” đem bán để kiếm tiền tiêu Tết.

Còn ông C.V.B. (ngụ xã Hiếu Liêm) thì cho biết, những món hàng ông lấy từ rừng, vườn rẫy về được dân thành thị xem là đặc sản nên bán được giá cao nhưng cũng đối diện với không ít rủi ro vì dễ bị xử phạt hành chính vì vi phạm các quy định về lâm nghiệp, bảo vệ rừng.

* Ai là chủ của “đặc sản” trong rừng, vườn rẫy

Theo luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh), nếu các loại “đặc sản” này thuộc về chủ rừng theo Điều 8, Luật Lâm nghiệp năm 2017 thì quyền quản lý, sử dụng, bảo vệ, khai thác thuộc về tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng theo quy định của pháp luật. Còn khi “đặc sản” thuộc đất sông, suối, đầm, ao, hồ…, theo Luật Đất đai năm 2013 do Nhà nước phân cấp cho địa phương quản lý hoặc giao khoán cho cá nhân, tổ chức quản lý.

Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai NGUYỄN HOÀNG HẢO cho biết, để bảo vệ tài nguyên rừng, sự đa dạng của động, thực vật rừng và thủy sản lòng hồ Trị An; phòng, chống cháy rừng…, những ngày cận Tết Giáp Thìn 2024, lực lượng kiểm lâm của khu bảo tồn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát rừng, nhất là ngăn chặn hiện tượng người dân vào rừng khai thác mật ong, ươi, lồ ô, lan rừng, lá dong, rau rừng… để bán tết.

Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì các “đặc sản” này là hoa lợi, lợi tức từ đất, quyền thuê đất, sử dụng đất nên chủ sở hữu, sử dụng đất có các quyền định đoạt, sử dụng, chiếm hữu và quyền này được pháp luật về dân sự, hành chính, hình sự tôn trọng, bảo vệ. Cho nên về bản chất, các “đặc sản” này đều có chủ, nhưng có thể do các chủ rừng, người sử dụng đất không quản lý tốt hoặc không xem đó là tài sản, hoa lợi cần bảo vệ nên người khác vào thu hoạch, khai thác mặc nhiên nghĩ đó là vật vô chủ.

Cũng theo luật sư Nguyễn Đức, do pháp luật tôn trọng, bảo vệ quyền của chủ sở hữu của “đặc sản” nên hành vi vào rừng, rẫy vườn lấy măng, rau, lan, cây… nếu không được phép của chủ rừng, chủ đất thì đó là hành vi xâm phạm tài sản của cá nhân, tổ chức và hành vi này có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

Chẳng hạn, tại Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25-4-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp thì hành vi khai thác trái pháp luật thực vật rừng ngoài gỗ có thể bị phạt tiền đến 150 triệu đồng (Khoản 4, Điều 13). Hoặc có thể bị xử phạt về hành vi trộm cắp tài sản theo điểm a, Khoản 1, Điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình với số tiền từ 2-3 triệu đồng.

“Còn nếu nghiêm trọng hơn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo Khoản 1, Điều 173, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) với mức án đến 3 năm tù” - luật sư Nguyễn Đức khuyến cáo.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Theo bạn ăn mít sấy có nóng không những điều cần lưu ýĐơn vị cung cấp Công Nghệ Thiên Nhiên Từ Trà Việt uy tínĐơn vị cung cấp Đẳng Cấp Đích Thực Với Trà Việt uy tín