Dịch vụ cho thuê, mượn người đóng giả bạn bè, người yêu để đi chơi, ra mắt bạn bè, người thân… được quảng cáo trên các trang mạng xã hội (MXH) càng rộn ràng những trái tim cô đơn dịp xuân về, Tết đến.
Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn cho người dân về pháp luật phòng, chống mua bán người. Ảnh: Đ.Phú |
Loại hình dịch vụ này hiện chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận nên chứa đựng nhiều rủi ro trong thực tế như: lừa đảo, môi giới mại dâm, vi phạm thuần phong mỹ tục…
* Dịch vụ “ảo” có trong đời thật
Chỉ cần gõ vào Google các cụm từ “thuê người yêu; bạn tình; người đi du lịch cùng…”, màn hình nhanh chóng xuất hiện rất nhiều địa chỉ của trang MXH giới thiệu các gói dịch vụ với những lời quảng cáo hấp dẫn như: uy tín, bảo mật, giá cả phải chăng, mọi độ tuổi, nhan sắc, trình độ, nhất là tạo cơ hội biến “tình giả” thành “tình thật” để lựa chọn.
Chẳng hạn, địa chỉ “CLB Tìm Bạn Đời” tự giới thiệu là công ty duy nhất, đầu tiên ở Việt Nam tổ chức dưới quy mô công ty với sức mạnh uy tín bảo mật là phương châm, tạo cơ hội cho mỗi thành viên để làm quen, để kết bạn, đây là một cách tốt để phát triển một mối quan hệ nghiêm túc qua các sự kiện với những người bạn khác giới như tiêu chí bạn mong muốn.
Hay như một website khác giới thiệu: "Trong cuộc sống hối hả của xã hội hiện nay, nhiều khi chúng ta bị cuốn vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền mà không có đủ thời gian đi tìm một nửa của cuộc đời mình. Nhận thức rõ được những hạn chế của cuộc sống hiện đại cùng với những nhu cầu rất lớn của thị trường, chúng tôi thành lập CLB tìm bạn đời để mong có thể kết nối những trái tim đồng điệu lại với nhau, để có thể giúp khách hàng tìm được bến bờ hạnh phúc mà vẫn đảm bảo được thời gian dành cho công việc".
“Mặc dù loại hình dịch vụ thuê người yêu, bạn đời để đi chơi, du lịch… không có tên trong danh mục ngành nghề kinh tế của nước ta, nhưng nếu các công việc trong loại dịch vụ này là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, được xã hội thừa nhận, tôn trọng, xuất phát từ tinh thần tự nguyện thì không bị coi là vi phạm pháp luật” - luật sư VŨ DUY NAM (Đoàn Luật sư Đồng Nai) cho hay. |
Còn website của cá nhân N.P.T.H. - “Dịch vụ cho thuê người yêu đi chơi, du lịch” quảng cáo như sau: cho thuê người yêu, bạn trai, bạn gái đi chơi, du lịch, vũ trường… Website này cam kết không thực hiện các dịch vụ liên quan tới mại dâm, trái với pháp luật và thuần phong mỹ tục.
Vốn là người am hiểu về các loại dịch vụ này trên không gian mạng, anh H.V.L. (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết: “Thật giả lẫn lộn rất khó đoán nếu chưa một lần thực hiện dịch vụ này. Khi bỏ ra vài trăm ngàn đồng để vào tìm hiểu dịch vụ thì chỉ là người “cưỡi ngựa xem hoa” cho vui, còn chịu chi vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng thì mới thấy được sự hấp dẫn của nó, lẫn nhận thức được nghiêm túc hay không nghiêm túc”.
Cũng theo anh H.V.L., các đường link để đăng nhập vào website này nếu không am hiểu thì dễ bị mất tiền hoặc không vào các bước tiếp theo được. Một khi vào được rồi thì khách hàng như vào một “rừng hoa đẹp” với rất nhiều gói lựa chọn từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng và tùy vào người sánh vai là: hoa khôi, sinh viên, hotgirl với thời gian là bao lâu, làm gì cùng nhau…
* “Nằm” ngoài quy định pháp luật
Pháp luật về dân sự, doanh nghiệp hiện nay chưa có quy định nào cho phép, cấp phép đối với loại hình dịch vụ cho thuê người yêu, bạn bè… Do pháp luật hiện chưa có quy định về loại hình này nên việc cá nhân, tổ chức hoạt động và quảng bá loại hình trên đều bị xã hội nhìn và đánh giá tiêu cực. Bởi, dù xã hội tiến bộ, tự do yêu đương, kết nối bạn bè nhưng hành vi bỏ tiền ra thuê người làm bạn (cùng giới hoặc khác giới) để khoe, du lịch, tiệc tùng chung… là không hợp với thuần phong, mỹ tục, tình cảm, đạo lý của người Việt Nam.
Quan điểm ngược lại thì cho rằng, do pháp luật không có quy định cấm hay cho phép loại hình dịch vụ này thì người dân, doanh nghiệp có quyền làm. Miễn sao việc cung ứng dịch vụ của họ đúng quy định pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không phải là hoạt động mại dâm trá hình là được.
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) bày tỏ, đúng là pháp luật về dân sự, doanh nghiệp của nước ta hiện nay chưa có bất cứ quy định pháp luật nào quy định loại hình dịch vụ thuê người yêu, bạn đời. Tuy nhiên, thực tế xã hội có phát sinh loại hình dịch vụ này thì cũng cần xem xét tới các yếu tố pháp lý khác để đánh giá.
Chẳng hạn, nếu bên cung ứng dịch vụ và bên thuê dịch vụ giao kết hợp đồng và hợp đồng đó thỏa mãn Điều 117 và Điều 513 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì giao dịch đó được pháp luật thừa nhận, tôn trọng. Còn nếu đó là giao dịch trái pháp luật, đạo đức xã hội như: hoạt động mại dâm trá hình, buôn bán người, luật lao động… thì đương nhiên bị cấm, không được làm.
Cũng theo luật sư Ngô Văn Định, hành vi lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm bị khoản 8, Điều 4 Pháp lệnh số 10/2003/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17-3-2003 về Phòng, chống mại dâm nghiêm cấm. Hành vi lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật bị khoản 6, Điều 8 Bộ luật Lao động năm 2019 nghiêm cấm. Môi giới, tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao người để bóc lột tình dục bị Điều 3 Luật Phòng, chống mua bán người nghiêm cấm.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin