Gần đây, tại một số địa phương trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ trẻ bị trọng thương do đốt pháo, chế tạo pháo. Dù tại Đồng Nai chưa xảy ra vụ nào nhưng tai nạn liên quan đến pháo tự chế vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cần ngăn chặn mối họa này, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên, học sinh.
Các clip hướng dẫn cách chế tạo pháo trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình |
Nhiều trường hợp, đặc biệt là các thanh thiếu niên bất chấp nguy hiểm để học làm pháo nổ theo các video trên mạng xã hội và gặp nạn, thậm chí tử vong.
* Liên tiếp các vụ tai nạn thương tâm
Chỉ cần vào Google, YouTube gõ các từ khóa có cụm từ “chế tạo pháo” là có thể xem hàng chục clip hướng dẫn cách chế tạo pháo. Các clip trên thu hút hàng trăm ngàn lượt xem, bình luận, cổ xúy. Để thu hút người xem, nhiều chủ clip còn đốt thử các quả pháo vừa được quấn để chứng minh sức nổ lớn.
Không chỉ hướng dẫn cách làm pháo nổ, cách pha trộn các loại hóa chất, nhiều clip trên các trang mạng xã hội còn rao bán các loại hóa chất và vật liệu để chế tạo pháo nổ và các nguyên liệu kèm theo như: vỏ pháo, dây cháy chậm... Nhiều bạn trẻ, nhất là các thanh thiếu niên, học sinh đã làm theo các hướng dẫn chế tạo pháo và gặp nạn với nhiều vết thương nghiêm trọng, thậm chí thiệt mạng.
Gần nhất, vào ngày 9-1, 2 học sinh lớp 9 ở H.Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) đã dùng máy xay sinh tố để trộn hóa chất chế tạo pháo dẫn đến bị nổ. Nạn nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng, sau đó chuyển xuống Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) điều trị trong tình trạng nguy kịch vì thủng đường thở, dẫn đến suy hô hấp nhanh, nhiều vết thương ở ngực, thủng ruột, rách gan, chấn thương mắt...
Cũng xem video hướng dẫn làm pháo và mua nguyên liệu trên mạng, ngày 19-12-2023, một thiếu niên 14 tuổi ở tỉnh Gia Lai đã gây nổ lớn, bỏng nặng vùng mặt và tay phải.
Tương tự, ngày 25-12-2023, một nam sinh lớp 6 ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lấy bột cạo từ que diêm cho vào chai thủy tinh đốt gây nổ, các mảnh vỡ bắn vào người em, gây nhiều thương tích. Trong đó, một mảnh vỡ thủy tinh lớn cắm vào cổ, gần khí quản bệnh nhân. Các bác sĩ đã mất hơn 4 giờ để gắp ra gần 20 mảnh thủy tinh vỡ trên cơ thể bệnh nhân…
Trước đó, trong tháng 3-2023, 3 học sinh THCS ở tỉnh Đắk Lắk trong lúc chế tạo pháo tại nhà đã gây nổ dẫn đến một em thiệt mạng…
* Ngăn chặn hiểm họa từ việc mua bán - chế tạo pháo
Từ các vụ việc trên cho thấy, việc tự chế pháo là việc rất nguy hiểm, có thể gây hại nghiêm trọng cho người thực hiện và những người xung quanh.
Bác sĩ CKI Ngô Như Định, Khoa Khám bệnh cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, gần đây bệnh viện không có tiếp nhận ca tai nạn do đốt pháo tự chế. Dù thời điểm này chưa xảy ra vụ tai nạn thương tích do sử dụng pháo tự chế nào nhưng việc phòng ngừa là hết sức cần thiết, nhất là trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán.
Công an tỉnh khuyến cáo các cá nhân, tổ chức tuyệt đối không sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Mọi thông tin về tội phạm và vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, đề nghị cung cấp kịp thời cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc qua đường dây nóng số điện thoại 02518.820.999 hoặc trên ứng dụng VNeID. |
Việc sử dụng, chế tạo pháo sẽ dẫn đến nguy cơ cháy, nổ rất cao. Pháo nổ gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng và có sức công phá rất cao, gây ra những vết thương nghiêm trọng, nhất là các vùng đầu mặt cổ, bàn tay, chân… có thể gây vết thương giập nát vùng mặt, mắt, đứt hay giập nát bàn tay, chân và các chấn thương phần mềm khác. Bỏng do pháo nổ ở vùng đầu mặt, cổ… có thể để lại những di chứng thẩm mỹ về sau, điều trị tốn kém, ảnh hưởng đến khả năng tái hòa nhập cộng đồng. Đã có không ít trường hợp tàn tật và tử vong do pháo.
Ngoài ra, BS Định khuyến cáo, khi trẻ bị bỏng do pháo nổ vùng mặt thì có thể dùng khăn ướt đắp lên vùng mặt. Bỏng vùng tay, chân có thể ngâm trong nước sạch hoặc xả nhẹ vòi nước trong 15 phút để làm giảm độ sâu của bỏng và giảm đau cho trẻ. Hạn chế tuyệt đối, không bôi các hóa chất vào vết thương như: dầu gió, mỡ trăn, kem đánh răng, nước mắm… và các thảo dược không rõ nguồn gốc, bởi trẻ có thể bị nhiễm trùng và tổn thương nặng hơn. Bỏng vùng mắt thì rửa ngay bằng nước sạch để loại trừ bớt vết bẩn, băng lại bằng gạc mỏng. Sau khi sơ cứu thì cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
“Các em ở độ tuổi thanh thiếu niên có tâm lý ham vui, tò mò, thích thể hiện mình, dễ bị lôi kéo, không lường trước những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Do vậy, các bậc phụ huynh giám sát chặt chẽ trẻ, không để xảy ra các tai nạn gây nguy hại sức khỏe, tính mạng của con em mình” - BS Định lưu ý.
Nhằm ngăn chặn tình trạng trên, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã tích cực vào cuộc điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm liên quan đến sản xuất, mua bán, tàng trữ pháo. Tuy nhiên, các thông tin tiêu cực liên quan đến pháo trên không gian mạng, trong đó có các clip hướng dẫn tự chế pháo nổ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn vẫn chưa được xử lý triệt để.
Vậy nên, cùng với sự nỗ lực của lực lượng chức năng, để ngăn chặn tình trạng sử dụng pháo, tự chế pháo ở trẻ, rất cần sự vào cuộc của gia đình và các nhà trường. Cách phòng ngừa tai nạn thương tích do pháo nổ cho trẻ hiệu quả nhất vẫn là nâng cao nhận thức cho các em qua việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo.
Kim Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin