Dịp Tết, sinh viên được nghỉ học khá sớm với thời gian khá dài (từ 3-4 tuần). Tận dụng thời gian này, nhiều sinh viên tranh thủ làm thêm với nhiều mục đích như kiếm tiền xài dịp Tết, luyện kỹ năng giao tiếp, học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp cũng như trải nghiệm cuộc sống bên ngoài giảng đường…
Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng làm bán thời gian tại một tiệm thức ăn nhanh. Ảnh: P.LIỄU |
* Đa dạng việc làm cho sinh viên
Thời điểm này, nhiều trường đại học gần như đã hoàn thành chương trình kỳ I của năm học, thời gian còn lại trước khi chính thức nghỉ Tết thường là các hoạt động ngoại khóa với lịch học bán thời gian… Do đó, nhiều sinh viên đã tranh thủ dịp này để đi làm thêm.
Ngay từ đầu tháng 1, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống đã có nhu cầu tuyển lao động thời vụ với mức lương từ 30-40 ngàn đồng/giờ, phần lớn là các công việc không đòi hỏi thời gian cố định, không cần học việc hay chuyên môn như: phụ bán hàng, gói quà, quảng cáo sản phẩm, phục vụ trong các shop thời trang, siêu thị, nhà hàng ăn uống, tiệm cà phê… Và đội quân “ứng tuyển” đông nhất trong mùa lao động thời vụ này chính là sinh viên.
Trong rất nhiều lựa chọn, phần lớn sinh viên chọn việc “làm thêm” là phụ việc ở những cửa hàng thời trang, nhà hàng, tiệm cà phê vì mức thu nhập khá hấp dẫn, nhất là những quán cà phê có phong cách “chill chill” rất được sinh viên ưu tiên tìm việc.
Trần Lệ Giang và Ngô Kiều Khanh là 2 sinh viên đang theo học ngành Công nghệ thực phẩm tại Trường đại học Lạc Hồng. 2 người đã chọn làm thêm tại một quán cà phê khá đẹp bên bờ sông Đồng Nai thuộc P.Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) với mức lương 25 ngàn đồng/giờ. Công việc của Giang và Khanh là phụ bàn, bắt đầu làm từ 16-22 giờ.
Giang cho biết: “Do không gian quán dễ thương mà tụi em xin vào làm phục vụ. Quán đông khách nên khá bận rộn. Ngày thường, em được trả lương 25 ngàn đồng/giờ, cuối tuần là 30 ngàn đồng/giờ và làm cả ngày, tính ra mỗi tháng cũng được 4 triệu đồng”.
Còn Khanh cho biết: “Em thích pha chế nên hay xem các anh chị làm việc để học nghề. Biết đâu sau này em lại khởi nghiệp với một quán cà phê, trà sữa hay một loại nước giải khát nào đó”.
Còn Trần Tuấn Anh, sinh viên năm thứ 2 Trường đại học Đồng Nai thì “đầu quân” cho một nhà hàng kiểu Thái ở TP.Biên Hòa. Do nhà hàng này khá đông khách nên công việc của Tuấn Anh bận rộn hơn vào trưa và tối.
“Đây là nhà hàng kiểu Thái có những quy định riêng nên em sẽ được hướng dẫn cách phục vụ, đi lại, giao tiếp. Yêu cầu thời gian và phong cách làm việc ở đây cao nhưng thù lao khá tốt, khoảng 35 ngàn đồng/giờ”.
Bà NGUYỄN PHƯƠNG LAN, chủ quán cà phê Lian ở P.Tam Hiệp (TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi thích thuê sinh viên phục vụ vì các em có trình độ văn hóa, năng động, chăm chỉ, ứng xử thông minh và rất dễ thương”. |
Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng thích phục vụ ở các quán cà phê và nhà hàng ăn uống, nhiều người lại chọn làm mẫu live stream cho shop thời trang online. Theo những bạn trẻ này thì đây là công việc nhẹ nhàng, sạch sẽ và thu nhập cũng rất được.
Nhờ ngoại hình xinh xắn nên Trần Phương Dung, sinh viên Khoa Thiết kế thời trang, Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đã chọn làm mẫu cho một shop bán quần áo online. Do việc giới thiệu sản phẩm phát trực tiếp vào giờ nghỉ trưa và tối nên công việc của Dung bắt đầu từ 12-13 giờ và từ 18-20 giờ mỗi ngày. Mỗi giờ làm việc, Dung được trả 50 ngàn đồng, sau khi live stream thì phụ lên đơn hàng và đóng gói, thu nhập cũng đủ để Tết này rủng rỉnh.
* Trải nghiệm thực tế, rèn luyện kỹ năng
Trần Bảo Ngân là sinh viên năm thứ 4 Khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Lạc Hồng. Qua nhiều năm đi làm thêm, Ngân chia sẻ kinh nghiệm: “Em làm thêm ngoài giờ học ngay từ năm nhất. Dù gia đình không quá khó khăn về tài chính nhưng đi làm sẽ có thêm cơ hội rèn bản lĩnh, khả năng giao tiếp, học cách quản lý và điều hành công việc. Đặc biệt là tiếp xúc nhiều với khách hàng nên còn phần nào nắm được tâm lý khách hàng, những kinh nghiệm này sẽ có ích cho công việc của em sau khi ra trường”.
Cũng qua trao đổi với một số sinh viên làm tiếp thị, phục vụ quán ăn cho biết, làm ở những quán này thu nhập tốt hơn, lại được tiền tip của khách, nhưng nhiều khi cũng bực mình vì có những vị khách có thái độ, cử chỉ, lời nói thiếu chuẩn mực… Những lúc “vào thế” phải tự mình biết cách thoát khỏi tình huống bằng sự khôn khéo nhằm bảo vệ mình và bảo vệ cho uy tín cho nhà hàng, điều đó cũng cho các em thêm kinh nghiệm trong ứng xử, giao tiếp.
Trần Phương Dung (bìa trái) trong một buổi live stream giới thiệu hàng cho một shop bán quần áo online ở Biên Hòa |
Nắm bắt được nhu cầu tìm việc của sinh viên để trang trải chi tiêu cũng như trải nghiệm cuộc sống, nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh cũng giúp kết nối với những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng sinh viên làm thời vụ. Chẳng hạn như Trường đại học Đồng Nai, trước Tết khoảng 2-3 tháng, một số doanh nghiệp gửi thông tin về nhu cầu cần người phụ việc, trường đưa thông tin lên website để các sinh viên tự chọn. Hay ở Trường đại học Lạc Hồng cũng đăng thông tin về việc làm thời vụ trên fanpage của trường để sinh viên tham khảo.
Nói về việc sinh viên Lạc Hồng tham gia làm thêm mùa Tết, PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng cho biết: “Sinh viên bây giờ rất năng động, các em thường lập một nhóm cùng nhau đi làm và khởi nghiệp bắt đầu từ kinh nghiệm từ những việc làm thêm. Trường cũng động viên sinh viên đi làm thêm để trải nghiệm, nhưng phải tìm hiểu thông tin công ty, đơn vị mình phụ việc, làm việc với tinh thần chuyên nghiệp, tận tâm, nghiêm túc, tránh làm thêm những công việc không phù hợp, không làm quá nhiều để giữ sức khỏe, bảo đảm cho việc học hành và để giữ uy tín cho bản thân và nhà trường. Đây là một trải nghiệm thực tế rất tốt với các em, bởi không chỉ đóng góp một phần đội ngũ lao động thời vụ theo nhu cầu của xã hội, mà còn giúp nhiều sinh viên hiểu được giá trị của sức lao động, có thêm vốn sống, kỹ năng khi trải nghiệm thực tiễn để sau này khởi nghiệp”.
Phương Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin