Nhiều người lo ngại thực phẩm “bẩn” nên có xu hướng tìm mua và sử dụng thực phẩm quê được nuôi, trồng tự nhiên dù giá đắt gấp đôi, gấp ba ngoài chợ.
Những thứ thực phẩm quê được người thân của chị Trần Thị Ngọc Nga (ngụ P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) chuyển lên cho gia đình chị ăn dần. Ảnh: P.LIỄU |
Hiện có nhiều người chọn mua thực phẩm từ quê hoặc nhờ người nhà ở quê cung ứng thực phẩm lên để tủ lạnh ăn dần. Tuy nhiên, các thực phẩm “quà quê” này có thực sự sạch, không sử dụng hóa chất thì khó có thể xác định được, bởi việc mua bán chỉ bằng… lòng tin.
* Thực phẩm quê hút hàng
Từ khi mang thai con đầu lòng cho đến khi ở cữ, chị Trần Thị Ngọc Nga (ngụ P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) thường xuyên được cha mẹ ruột ở xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) gửi đồ “tiếp tế” đều đặn mỗi tuần một lần, mỗi lần 2 thùng gồm các thực phẩm gọi là “cây nhà, lá vườn”, từ mớ rau, quả bầu, quả trứng đến thịt heo, thịt gà. Trong vườn nhà có thứ cây trái nào trồng được, cha mẹ chị đều dành mang lên bồi dưỡng cho con gái. Lâu lâu lại kèm bao gạo xát còn vỏ cám…
Nhà gần chợ Biên Hòa, nơi đây hầu như không thiếu thứ gì, nhưng chị Nga vẫn thích những loại “quà quê” của mẹ gửi cho. Có lúc chị muốn rau rừng, nấm mối, cá rô đồng, ốc núi…, vườn, ao nhà không có thì mẹ chị đi lùng mua để gửi cho con, dù giá có khi đắt hơn mua ở chợ đến 2-3 lần.
Chị Nga cho biết: “Thấy báo chí nói nhiều về việc thực phẩm nhiễm hóa chất nên tôi ăn gì cũng sợ. Thực phẩm là thứ nạp vào người nên phải lựa chọn thận trọng, tốt nhất là mua các loại thực phẩm nuôi, trồng, đánh bắt tự nhiên. Những loại thực phẩm này vừa sạch, vừa ngon, đặc biệt là luôn có hương vị đặc trưng của miền quê, dù có đắt tôi vẫn thích mua phần vì ngon, phần vì an toàn”.
Còn nhà anh Nguyễn Tiến Lực (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) lại sắm cả tủ đá để trữ đông thực phẩm. Mỗi lần anh Lực về quê vợ ở xã Đồi 61 (H.Trảng Bom), anh nhờ người nhà mua giúp một con heo nuôi thả tự nhiên chừng chục ký, vài con gà đồi, ít thứ rau củ quả của người dân trong xã. Heo, gà được làm sẵn, rau củ được đóng bịch chất lên xe chở về Biên Hòa, anh cho cấp đông các loại thịt để ăn dần.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) NGUYỄN ĐÌNH MINH khuyến cáo, để tránh lãng phí, người mua nên cùng một vài người đặt hàng và chia nhau sử dụng để luôn được ăn thực phẩm tươi mới, tránh mua quá nhiều, để quá lâu dẫn đến thực phẩm bị hư hỏng phải đổ bỏ, gây lãng phí. |
Anh Lực cho biết, mới đây cha mẹ vợ anh thuê một khu vườn rộng khoảng 200m2 để trồng một số loại rau ăn lá và quả dây leo, đây chính là nguồn cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình anh và nhiều người khác khi ông bà trồng rau, nuôi gà theo cách tự nhiên; rau không hóa chất, gà thả ăn lúa nên gia đình anh có nguồn rau sạch ăn hàng tuần. Ngoài ra, anh Lực còn có “mối” cá, tôm đánh bắt tự nhiên từ gia đình người em ở tỉnh Bạc Liêu cấp đông gửi lên.
Sự nở rộ của trào lưu “săn” thực phẩm quê, thực phẩm sạch, “nhà tự làm” đã thay đổi thói quen mua sắm của không ít bà nội trợ. Hầu hết mọi người đều suy nghĩ, cứ thực phẩm quê là sạch, là đảm bảo, ăn đồ quê là yên tâm…
Còn chị Trần Ngọc Uyên, một nhân viên ngân hàng (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) cho biết, chị thường mua thực phẩm ở siêu thị cho yên tâm. Nhưng khoảng 2 năm nay chị đã chuyển sang “săn” quà quê khi trên đường đi làm về, có một vài người mang những thứ rau củ quả nhà trồng, con gà, mớ cá câu được bày bán ven đường. Chị Uyên cho biết, nhìn những nải chuối, đu đủ, quả mít vườn có phần đèo đẹt, những bó rau vườn hái ngọn, vài quả trứng gà dù nhỏ nhưng loại nào cũng tươi ngon. Giá đắt hơn ngoài chợ, ăn cũng thấy yên tâm hơn.
Nhiều năm bán thực phẩm quê trên lề đường Phan Đình Phùng (thuộc P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa), bà Nguyễn Thị Họt (ngụ xã Bình Hòa, H.Vĩnh Cửu) cho biết, nhà bà có vườn trồng chủ yếu là chuối và bưởi, có khi nhặt được ít rau, ít trứng hay con gà, con vịt thì đem bán. Bà Họt cho biết, vườn nhà bà không có nhiều nên mấy tháng nay con trai bà đi mua lại của mấy nhà trong xóm, mua gì bán nấy, sản vật ở quê không đẹp mắt, nhưng thực sự an toàn.
* Mua bằng… lòng tin
Hiện nay, tại các siêu thị, chợ hay ở những điểm bán tự phát có nhiều loại thực phẩm được người bán bảo đảm là hàng sạch, hàng tự nhiên, hàng nhà làm và bán với giá khá cao. Với suy nghĩ của nhiều người, ăn thực phẩm quê là yên tâm về sự an toàn và chất lượng nên đã bỏ công săn tìm và không tiếc tiền mua.
Thực tế, trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan thì việc lựa chọn nguồn thực phẩm quê được nuôi trồng tự nhiên là “ưu tiên” của nhiều bà nội trợ. Nhưng để kiểm chứng những thực phẩm này thực sự có lành, sạch hay không thì chỉ người bán mới biết.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) Nguyễn Đình Minh cho biết, lựa chọn và mua thực phẩm ở quê đang là xu hướng của nhiều gia đình bởi có một số ưu điểm như thông qua các mối quan hệ thân quen, người tiêu dùng biết được nguồn gốc, xuất xứ cũng như quá trình nuôi trồng sản phẩm và lựa chọn được thực phẩm tươi ngon, giảm bớt nỗi lo thực phẩm “bẩn”. Tuy nhiên, hiện nay những trường hợp mua qua người thân thì đáng tin cậy, còn mua qua người chuyên thu gom, kinh doanh thực phẩm quê lại chủ yếu dựa vào lòng tin.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Minh, do thực phẩm quê khá hút hàng, giá cao có thể vô tình tạo ra tình trạng người bán đi thu mua hàng trôi nổi giả làm hàng quê và bán giá cao. Mặt khác, khi mua thực phẩm quê thường được vận chuyển từ nông thôn lên, nên khi mua để bõ công vận chuyển, nhiều người thường đặt mua với số lượng lớn và dự trữ ăn dần. Khi ấy, thực phẩm dù là hàng sạch nhưng để lâu mất độ tươi ngon nên sẽ bị mất chất, độ dinh dưỡng giảm.
Phương Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin