Báo Đồng Nai điện tử
En

Quyền định đoạt đối với toàn bộ di sản thừa kế

LS Ngô Văn Định
08:19, 20/02/2024

Hỏi: Anh chị em chúng tôi là những người thừa kế di sản của cha mẹ. Vậy chúng tôi có toàn quyền định đoạt đối với di sản thừa kế không, xin được luật sư hướng dẫn?

Bùi Thị Trúc Anh (H.Long Thành)

- Trả lời: Quyền định đoạt tài sản là một trong các quyền mà Bộ luật Dân sự hiện hành quy định cụ thể: Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản. Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản...

Đối với người hưởng di sản thừa kế không được quyền định đoạt đối với toàn bộ di sản thừa kế vì theo Bộ luật Dân sự hiện hành quy định: Những người thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại (trừ trường hợp có thỏa thuận khác).

Mặt khác, nếu thừa kế theo di chúc thì người hưởng di sản còn phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản (không thực hiện nghĩa vụ về nhân thân như thực hiện tác phẩm hội họa...) theo ý chí của người lập di chúc như: dành di sản vào việc thờ cúng, hoặc di tặng cho cá nhân hoặc tổ chức... hoặc sau thời hạn nhất định thì mới được chia di sản, hoặc một người nào đó phải đạt độ tuổi nhất định mới được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản...

Như vậy, người hưởng di sản thừa kế trước khi được quyền định đoạt phần di sản mà mình được hưởng cần phải thực hiện nghĩa vụ tài sản  của người để lại di sản đối với người thứ ba, thực hiện theo nội dung di chúc hợp pháp (nếu có). 

LS Ngô Văn Định

Từ khóa:

luật sư

cha mẹ

Tin xem nhiều