Báo Đồng Nai điện tử
En

Trang phục nơi công cộng, lễ hội với góc nhìn đa chiều

Đoàn Phú
08:35, 19/02/2024

Mùa Xuân - mùa của lễ hội, cũng là dịp để mọi người tự do diện những trang phục yêu thích để du Xuân, thưởng ngoạn cùng người thân, bạn bè.

Bảng nội quy Bảo vệ di tích quốc gia chùa Ông (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), trong đó có quy định về trang phục được niêm yết trước cổng chùa. Ảnh: Đ.Phú
Bảng nội quy Bảo vệ di tích quốc gia chùa Ông (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), trong đó có quy định về trang phục được niêm yết trước cổng chùa. Ảnh: Đ.Phú

* Quy định còn chung chung

Trong dòng người du Xuân những ngày tháng Giêng nơi công viên, chùa chiền, khu di tích lịch sử… rất dễ bắt gặp nhiều người mặc áo dài truyền thống đủ sắc màu rất trang trọng, lịch sự, vui tươi. Bên cạnh đó, có không ít người mặc đồ thoải mái như: quần short, váy ngắn…

Chiều 17-2 (mùng 8 Tết) tại chùa Ông (KP.Nhị Hòa, P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) có rất đông người đến viếng chùa đầu năm. Ngay phía trước cổng chính vào chùa có niêm yết bảng nội quy Bảo vệ di tích quốc gia chùa Ông, trong đó tại Điểm 2, Mục I của nội quy có quy định khách viếng chùa phải có trang phục phù hợp, lịch sự…

Một bảo vệ lâu năm tại chùa Ông cho biết, mặc dù có quy định khách viếng chùa phải có trang phục phù hợp, lịch sự…, nhưng thỉnh thoảng cũng có khách mặc trang phục chưa phù hợp. Do việc ăn mặc là vấn đề tế nhị nên ông chỉ nhắc nhở khi người đó vào bên trong viếng chùa.

Một số ý kiến cho rằng, hiện không có quy định pháp luật nói rõ thế nào là ăn mặc không hợp hoàn cảnh, phản cảm, hở hang, không lành mạnh. Tại Nghị định 110/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội chỉ quy định trách nhiệm của người tham gia lễ hội là trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam chứ không quy định, hướng dẫn, giải thích thế nào là trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam người dân mặc khi tham gia lễ hội biết mà phòng tránh vi phạm như: xử phạt hành chính, nhắc nhở, cảnh cáo.

Cho nên, việc Điểm c, Khoản 1, Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo có quy định hành vi mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam bị phạt tiền từ 200-500 ngàn đồng rất khó khả thi.

Cũng đi viếng chùa Ông vào chiều 17-2, anh Quốc Huy (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho rằng, ăn mặc đẹp hay xấu là quyền của cá nhân. Tùy theo hoàn cảnh, điều kiện vật chất, gu thời trang, tính cách mà mỗi người có cách ăn mặc khác nhau. Tuy nhiên, đến những nơi tôn nghiêm như: chùa chiền, đình, miếu, di tích lịch sử cần ăn mặc kín đáo, lịch sự,

Đồng quan điểm, chị Thu Thảo (ngụ P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) chia sẻ, mặc dù cơ quan chức năng chưa đưa ra những tiêu chí xác định thế nào là trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam nhưng bản thân mỗi người cần cân nhắc lựa chọn trang phục phù hợp với hoàn cảnh xuất hiện, môi trường làm việc. Không thể thích gì mặc đó, sẽ trở nên phản cảm trong mắt người khác.

* Trang phục phải phù hợp

Dù chưa có văn bản pháp lý nào quy định hướng dẫn trang phục không lịch sự, không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam mặc khi tham gia lễ hội hay tham gia nơi sinh hoạt tại chỗ đông người nhưng khi được hỏi, không ít bạn trẻ cho rằng, dù ăn mặc là quyền của cá nhân nhưng để đẹp trong mắt người khác thì cũng phải ý tứ trong trang phục khi đi du Xuân nơi lễ hội, công viên, dạo phố…

“Để hạn chế người viếng chùa, di tích lịch sử mặc trang phục phản cảm, không phù hợp, một số chùa, di tích lịch sử ngoài niêm yết bảng thông báo yêu cầu về trang phục lịch sự còn có trang bị sẵn váy quây hoặc áo choàng để cho du khách sử dụng khi viếng thăm” - bà Nguyễn Thị Nhi (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết.

“Chẳng hạn, mặc quần short, váy ngắn, áo thun ôm đi dạo phố, cà phê, bar thì đẹp, năng động, còn đi viếng chùa, thăm viếng người thân lớn tuổi, đi học thì không nên. Hay áo dài là truyền thống nhưng quá mỏng, ôm sát, xẻ tà quá sâu, cổ quá hở thì cũng không nên mặc khi đi viếng chùa” - chị Thu Thảo dẫn chứng.

 Anh Trung Minh (ngụ xã Bình Hòa, H.Vĩnh Cửu) cho biết, việc ăn mặc là quyền riêng tư của mỗi người và do cá nhân họ tự quyết định. Tuy nhiên, việc ăn mặc phải phù hợp với hoàn cảnh như: đi chơi khác với đi lễ chùa, thăm ông bà. Bởi, cách ăn mặc cũng một phần ảnh hưởng đến cảm xúc của những người xung quanh, liên quan về lứa tuổi, giới tính, tính chất của hoàn cảnh của từng người, mục đích viếng thăm… Nhất là không nên đánh đồng trang phục sinh hoạt thoải mái đời thường với việc đi thăm, viếng những nơi trang nghiêm như: đền, chùa...

Bàn về chuyện ăn mặc, luật gia Nguyễn Thị Hồng (Hội Luật gia tỉnh) chia sẻ, pháp luật hiện hành chưa có hướng dẫn về khái niệm hành vi mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam, ăn mặc thiếu lịch sự, hở hang, phản cảm để có biện pháp chế tài. Để xử phạt hành chính các hành vi này, pháp luật phải quy định các tiêu chí cụ thể thế nào là hành vi mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam thì mới có cơ sở xử phạt theo quy định.

“Vi phạm thì phải xử lý, nhưng xử lý phải đúng với các quy định pháp luật hiện hành. Còn khi chưa có quy định rõ về ăn mặc từng nơi, từng chỗ thì không những không xử lý được mà biện pháp nhắc nhở cũng khó thực thi, vì không khéo, không tế nhị dễ dẫn tới bị phản kháng do vi phạm tới quyền tự do ăn mặc của cá nhân” - luật gia Nguyễn Thị Hồng lưu ý.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Xưởng may đồng phục tạp dề đầu bếp