Bộ Y tế vừa có chỉ đạo khẩn đến các tỉnh, thành trong cả nước về tăng cường phòng, chống bệnh dại trước tình trạng tại nhiều địa phương có tình trạng gia tăng nguy cơ bùng phát các ổ dịch bệnh dại, cũng như báo động về số ca tử vong do chó dại cắn.
Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh. |
Trao đổi phóng viên Báo Đồng Nai về công tác phòng, chống dịch bệnh dại trên địa bàn thành phố Biên Hòa, Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa NGUYỄN XUÂN THANH cho biết, thành phố đang rất nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch bệnh dại và mỗi hộ nuôi chó, mèo không thể đứng ngoài cuộc.
* Ông nhận định như thế nào về nguy cơ dịch bệnh dại trên địa bàn thành phố Biên Hòa khi tình trạng chó thả rông vẫn còn phổ biến như hiện nay?
- Mặc dù thành phố đã tăng cường công tác tuyên truyền về bệnh dại, áp dụng nhiều biện pháp như: nhắc nhở, xử phạt các hộ dân để chó chạy rông, đưa chó ra đường mà không có dây xích, rọ mõm… song thực tế tình trạng chó thả rông vẫn chưa được cải thiện tích cực. Đặc biệt, từ khi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chuyển hoạt động bắt chó thả rông từ cơ quan thú y về các địa phương thì công tác quản lý và xử lý chó thả rông gặp nhiều khó khăn, việc này cũng khiến công tác phòng, chống dịch bệnh dại trên địa bàn thành phố vất vả hơn.
Lãnh đạo thành phố nhận định Biên Hòa là một trong những địa bàn có dịch bệnh dại phức tạp khi trong năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn Biên Hòa xảy ra nhiều vụ người dân bị chó cắn phải đi tiêm phòng bệnh dại.
Năm 2023, toàn tỉnh có 7 ổ bệnh dại bùng phát thì thành phố có 2 ổ tại phường Trảng Dài; trong 3 ca tử vong do chó dại cắn tính từ tháng 12-2022 đến cuối năm 2023 thì có 1 ca ở phường Tân Phong. Do đó, lãnh đạo thành phố xác định nguy cơ, mức độ phức tạp của dịch bệnh để có kế hoạch ứng phó, dựa trên Kế hoạch Phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030.
* Tình hình dịch bệnh dại trên địa bàn thành phố phức tạp. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân?
- Biên Hòa là đô thị trung tâm của tỉnh, là địa phương có diện tích nhỏ hẹp (chỉ hơn 263km2) nhưng mật độ dân cư lại rất đông đúc khi có đến hơn 1,27 triệu người.
Trong khi đó, số lượng vật nuôi (chó, mèo) lại rất lớn. Tính đến ngày 31-12-2023, toàn thành phố có hơn 20 ngàn hộ nuôi chó, mèo với gần 33 ngàn con chó và hơn 3,3 ngàn con mèo. Chính tình trạng đất chật, người đông, vật nuôi nhiều đã dẫn đến nguy cơ cao cũng như diễn biến phức tạp khi dịch bệnh dại xảy ra.
Cùng với đó, đội ngũ nhân viên thú y cơ sở còn rất mỏng. Theo Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15-3-2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y, mỗi xã, phường, thị trấn phải có ít nhất một nhân viên thú y. Hiện thành phố có 30 phường, xã nhưng mới chỉ có 7 nhân viên thú y. Tất nhiên, nhiều phường, xã ở Biên Hòa không còn hoạt động chăn nuôi, nhưng số lượng vật nuôi là chó, mèo lại rất lớn nên hiện nay một nhân viên thú y phải “gánh” công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi cho 3 phường.
Đặc biệt, nhận thức của một bộ phận người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại còn hạn chế, coi thường việc quản lý vật nuôi, không đưa chó đi tiêm phòng dại định kỳ… là những nguy cơ có thể dẫn đến bùng phát dịch bệnh dại khi lỗ hổng miễn dịch đủ lớn.
* Trước thực tế khó khăn này, thành phố Biên Hòa đã có những giải pháp nào để hạn chế và ngăn chặn nếu dịch bệnh dại bùng phát, thưa ông?
- Trong kế hoạch phòng, chống dịch bệnh dại trên địa bàn, thành phố tập trung vào 4 giải pháp: tăng cường công tác tuyên truyền; quản lý đàn chó, mèo; công tác tiêm phòng dại và xử lý ổ dịch.
Cụ thể, thành phố đang đẩy mạnh tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh dại, quy định phòng, chống bệnh dại và quản lý chó, mèo trên địa bàn thông qua nhiều hình thức như: họp tổ dân phố, phát tờ rơi, loa phát thanh, thông tin qua mạng xã hội (Zalo). Đối với vấn đề quản lý đàn chó, mèo, yêu cầu chủ vật nuôi chó, mèo có trách nhiệm tiêm vaccine phòng bệnh dại cho vật nuôi, đăng ký, cam kết nuôi nhốt vật nuôi trong nhà, khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt để giữ an toàn cho người đi đường.
Đặc biệt, đối với công tác tiêm vaccine ngừa bệnh dại, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các chủ tịch phường, xã, trưởng khu phố, tổ trưởng dân phố phối hợp với cán bộ thú y thành phố, nhân viên thú y cơ sở hàng tháng đi tiêm vaccine ngừa bệnh dại tại các điểm tập trung, thậm chí đến tận nhà dân để tiêm phòng, tạo miễn dịch khép kín trên đàn chó mèo. Đồng thời, thống kê định kỳ về việc tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi với tần suất một quý/lần. Riêng công tác xử lý ổ dịch, trong năm 2023, tại phường Trảng Dài có 2 ổ dịch, thành phố đã chỉ đạo và huy động các lực lượng, dùng các biện pháp nghiệp vụ để dập tắt ổ dịch.
Trong năm 2024, thành phố xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại với 8 vùng cấp phường, tái thẩm định 5 vùng cấp phường khác, tổ chức tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại vào đầu tháng 4-2024 theo hình thức xã hội hóa tiêm phòng bệnh dại; tăng cường quản lý đàn chó, mèo và ra quân bắt chó thả rông.
Cán bộ Trạm Thú y Biên Hòa lấy mẫu đầu chó để gửi đi xác định bệnh dại. Ảnh do Trạm Thú y Biên Hòa cung cấp |
* Một trong những giải pháp được xem là căn cơ để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh dại trên chó, đó là việc bắt chó thả rông. Thành phố Biên Hòa triển khai hoạt động này như thế nào?
- Trong khi còn nhiều hộ nuôi chó vẫn còn chưa ý thức quản lý, nuôi nhốt vật nuôi, để chó chạy rông ra đường gieo rắc mầm bệnh dại, gây tai nạn thương tích, gây mất vệ sinh, mỹ quan đô thị… thì việc thành lập các đội bắt chó thả rông trong toàn thành phố là việc cần thiết và sớm triển khai.
Thực hiện Kế hoạch số 265/KH-UBND ngày 16-12-2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch Phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030, trong đó có quy định về việc thành lập đội bắt chó thả rông sẽ do UBND cấp huyện, thành phố phụ trách, UBND thành phố Biên Hòa đã lên kế hoạch thành lập đội bắt chó thả rông tại 30 phường xã. Trong đó, phường Trảng Dài sẽ là địa bàn đầu tiên thực hiện mô hình thí điểm này, bởi đây là địa bàn xảy ra nhiều trường hợp chó cắn người, phần lớn là ở trẻ em.
Trong quá trình triển khai, thành phố đề nghị Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai (thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn) hỗ trợ về mặt nhân sự, chuyên môn, kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật bắt chó, công cụ bắt chó, phương tiện vận chuyển, địa điểm tạm giữ và xử lý việc nuôi nhốt chó… cho các thành viên trong đội bắt chó thả rông của các phường, xã.
Hiện nay, phường Trảng Dài đang kiện toàn nhân sự và các thành viên trong đội bắt chó thả rông của phường đang được tập huấn về chuyên môn, kỹ thuật bắt chó, đến khi thành thạo sẽ ra quân triển khai nhiệm vụ.
* Xin cảm ơn ông!
Theo Trạm Thú y Biên Hòa, năm 2023 đã tiêm gần 33,4 ngàn vaccine ngừa bệnh dại cho chó, mèo. Trong đó có gần 6 ngàn liều khẩn cấp, 15,3 ngàn liều đợt chính và hơn 12 ngàn liều bổ sung. Tỷ lệ tiêm vaccine ngừa bệnh dại đạt trên 92% trên tổng đàn chó, mèo của thành phố. |
Phương Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin