Mặc dù hay nghe con cháu trong nhà nói chuyện về những thủ đoạn lừa đảo tinh vi của tội phạm công nghệ cao nhưng một người quen của tôi (đã lớn tuổi) vẫn bị lừa mất 2 triệu đồng cho thủ đoạn mời nhận xe máy trúng thưởng.
Vào một ngày đầu tháng 3-2024, người quen của tôi nhận được cuộc gọi thông báo là người may mắn trúng thưởng một chiếc xe máy. Người gọi cho biết, họ là nhân viên của một công ty kinh doanh xe máy, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập công ty nên tri ân khách hàng thân thiết và người quen của tôi nằm trong danh sách trúng thưởng…
Để nhận quà thưởng, họ yêu cầu ông này ứng phí nhận thưởng 2 triệu đồng, trong đó 1 triệu đồng để làm biển số, giấy tờ xe; 1 triệu đồng còn lại tạm ứng để họ chuyển xe về nhà cho ông, khi nhận xe, ông sẽ được nhận lại số tiền này. Nếu ông chuyển tiền ngay thì chỉ sau 3 ngày ông sẽ nhận được xe.
Nghe vậy, người quen của tôi vội vã ra ngân hàng nhờ chuyển 2 triệu đồng vào số tài khoản mà người gọi điện báo tin trúng thưởng xe máy đã cung cấp, nhưng sau đó ông chờ gần một tháng chưa thấy ai gọi lại.
Theo thông tin từ ngành công an, số vụ tội phạm công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng có xu hướng gia tăng. Trong đó chủ yếu là hình thức mạo danh cơ quan công an, viện kiểm sát gọi điện thoại thông báo vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển khoản; mua hàng trúng thưởng; quen qua mạng rồi gửi quà giá trị cao... Việc thu hồi tài sản bị mất rất khó khăn khi đây là tội phạm “ẩn”, sử dụng công nghệ mạng, thời gian gây án ngắn, xóa dấu vết nhanh, nguồn tiền lấy được bị chuyển lòng vòng nên cơ quan chức năng rất khó thu hồi tài sản cho người bị hại.
Để tránh bị lừa đảo, mỗi người hãy bảo vệ thông tin cá nhân của chính mình (số điện thoại, địa chỉ nhà, số căn cước công dân, ngày/tháng/năm sinh…), đừng nên tin vào những lời dụ dỗ, đe dọa hay bẫy trúng thưởng mà bấm vào link lạ, chuyển tiền cho người lạ kẻo… “sập bẫy” của tội phạm công nghệ cao.
Nguyễn Đặng Lam Khuê (phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin