Những năm qua, nhiều hộ dân ở khu phố Tân Lập (phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa) không có nước máy sử dụng. Nhiều người phải sử dụng nước lọc từ nước giếng đã nhiễm phèn hoặc mua nước của hợp tác xã, từ các hộ dân ở khu phố lân cận về dùng với giá cao.
Nước giếng đào vừa phèn, vừa ô nhiễm nên bà Nguyễn Thị Phượng (ngụ khu phố Tân Lập, phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa) phải mua nước máy về nấu ăn. Ảnh: P.LIỄU |
Các hộ dân này mong muốn hệ thống cấp nước máy được đưa về đây để họ không còn phải mua nước sinh hoạt với giá cao hoặc sử dụng nguồn nước giếng bị nhiễm phèn, ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe.
* Trả tiền nước nhiều hơn tiền điện
Theo nhiều người dân ở khu phố Tân Lập, không có nước máy không chỉ gây khó khăn trong sinh hoạt, mà còn phải tốn kém chi phí khi mua lại nước giá cao của những hộ dân ở khu vực lân cận.
Ông Trần Văn Hậu, một hộ dân sống lâu năm ở khu phố Tân Lập, cho biết gia đình ông nhiều năm qua sử dụng nước giếng đào, sau này dùng giếng khoan nhưng nước bị nhiễm phèn rất nặng. Dù ông đã bơm nước giếng lên bể lắng lọc nhưng cũng chỉ dám dùng để lau nhà, rửa rau, giặt giũ (đồ tối màu) chứ không dám nấu ăn, tắm gội hay giặt đồ trắng, sáng.
Theo ông Hậu, mấy năm gần đây, sông Buông bị ô nhiễm hơn nên chất lượng nguồn nước ngầm ở khu vực này bị ảnh hưởng, có màu vàng đục, mùi hôi khiến gia đình ông phải mua nước từ một người quen ở khu phố lân cận về dùng với giá cao nhất là 18 ngàn đồng/m3.
“Nhà tôi có 6 người, dù sử dụng nước tiết kiệm nhưng mỗi tháng cũng tốn gần 700 ngàn đồng, trong khi tiền điện chỉ hơn 400 ngàn đồng. Trong cùng một xã nhưng nhiều khu phố khác đã được lắp đặt đường ống cung cấp nước máy. Người dân ở các khu phố này không chỉ dùng nước thoải mái, tiện lợi, mà còn được mua nước theo giá gốc 5,8 ngàn đồng/m3 cho 10m3 đầu tiên”.
Hàng xóm của ông Hậu là nhà bà Nguyễn Thị Phượng cũng ở tình cảnh tương tự. Gia đình bà Phượng có 4 người, nước giếng bị ô nhiễm nên bà mua nước sinh hoạt của một hộ dân ở khu phố khác gần nhà về dùng với chi phí 500-600 ngàn đồng/tháng.
Do điều kiện kinh tế khó khăn, không thể lo nổi tiền nước hàng tháng nên mới đây bà Phượng thôi mua nước mà quay lại lắng lọc nước giếng để dùng. Mỗi ngày, chồng bà đi mua 2-3 can nước (loại can 20 lít) về nấu ăn và tắm cho 2 cháu nhỏ. Dù tiết kiệm nước, mỗi tháng gia đình bà cũng tốn gần 300 ngàn đồng tiền nước, trong khi tiền điện chỉ khoảng 250 ngàn đồng.
Nhiều người không có điều kiện mua nước đành tiếp tục sử dụng nguồn nước giếng vừa phèn, vừa ô nhiễm.
Bà Trần Thị Tâm (ngụ khu phố Tân Lập) cho biết: “Với mức độ độc hại của nước phèn, ô nhiễm, các hộ dân nơi đây rất lo lắng cho sức khỏe của mình. Chúng tôi chỉ mong có nước sạch để dùng và được trả tiền nước theo giá gốc”.
* Sớm đưa nước sạch về phục vụ người dân
Phước Tân được nâng cấp từ xã lên phường khoảng 5 năm rồi nhưng đến nay vẫn còn hàng ngàn hộ dân chưa có nước sạch để sử dụng, trong đó có nhiều hộ dân ở khu phố Tân Lập.
Theo Quyết định số 20/2014/QĐ-UBND ngày 23-5-2014 của UBND tỉnh về việc ban hành giá cung cấp nước máy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (có hiệu lực từ ngày 3-6-2014), giá nước sinh hoạt hộ dân cư có 4 mức sau: từ 0-10m3 giá 5,8 ngàn đồng/m3; từ trên 10 đến 20m3 có giá 8,5 ngàn đồng/m3; từ trên 20 đến 30m3 có giá 10 ngàn đồng/m3 và từ trên 30m3 có giá 12,8 ngàn đồng/m3. |
Chủ tịch UBND phường Phước Tân Lê Kim Hường cho biết, thời gian qua, UBND phường nhận được phản ảnh của nhiều người dân về vấn đề thiếu nước sinh hoạt. Phường đã khảo sát ý kiến người dân trong khu phố và đề xuất với thành phố, cũng như Công ty CP Cấp nước Đồng Nai sớm đưa hệ thống ống cấp nước sinh hoạt về phục vụ người dân.
Hiện khu phố Tân Lập có khoảng 1 ngàn hộ dân sinh sống với khoảng 3-4 ngàn khẩu. Trên địa bàn khu phố hiện chỉ đường Thành Thái được lắp đặt đường ống cấp nước, nhưng đường ống cấp nước này mới chỉ lắp đặt được khoảng 800m (tính từ đường Võ Nguyên Giáp vào), cung cấp nước sinh hoạt cho một số hộ dân sống hai bên đường, chứ chưa kéo đường nước vào nhà dân trong các hẻm, ngõ.
Phó giám đốc Công ty CP Cấp nước Đồng Nai Nguyễn Cao Hà cho biết, khu phố Tân Lập thuộc vùng cấp nước của Hợp tác xã Miền Đông quản lý. Hiện công ty đã chính thức tiếp nhận, quản lý vận hành hệ thống cấp nước của Hợp tác xã Miền Đông và dự kiến đến hết quý III-2024 sẽ hoàn thành các thủ tục tiếp nhận.
“Sau khi hoàn thành công tác bàn giao, tiếp nhận giữa công ty và hợp tác xã, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát tổng thể để cải tạo, chống thất thoát nước và có kế hoạch đầu tư các tuyến ống cấp nước mới cho khu phố này và một số khu vực chưa có đường ống cấp nước khác. Dự kiến đầu năm 2025 sẽ bắt đầu cấp nước và người dân sẽ được sử dụng nước sạch với giá nước sinh hoạt hộ dân cư theo Quyết định số 20/2014/QĐ-UBND ngày 23-5-2014 của UBND tỉnh về việc ban hành giá cung cấp nước máy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” - ông Nguyễn Cao Hà nói.
Phương Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin