Báo Đồng Nai điện tử
En

Tài khoản ngân hàng bị trừ tiền dù không thực hiện giao dịch

Kim Liễu
09:00, 23/03/2024

Thời gian qua, tình trạng tài khoản ngân hàng bị chiếm đoạt bằng nhiều thủ đoạn xảy ra ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Tại Đồng Nai cũng xảy ra không ít vụ việc tài khoản ngân hàng của người dân bị trừ tiền không rõ nguyên nhân.

Thông tin tra soát tài khoản từ ngân hàng cho biết chị V.T.T.T. (ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) đã chuyển hơn 24 triệu đồng cho một tài khoản lạ.

* Bỗng dưng mất tiền trong tài khoản

Chị V.T.T.T. (ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) cho biết, tài khoản tiền gửi của chị tại một ngân hàng ở huyện Trảng Bom mới đây đột ngột mất hơn 24 triệu đồng không rõ nguyên nhân, nghi bị kẻ gian lấy cắp.

Chị T. kể, chị bán hàng online nên thường giao dịch qua tài khoản ngân hàng. Vào thứ bảy ngày 2-3, tin nhắn SMS của ngân hàng gửi đến báo có người chuyển trả tiền hàng, chị kiểm tra tài khoản trên điện thoại thì bị báo lỗi, yêu cầu cập nhật lại khuôn mặt nên không thể xem được. Do không rành công nghệ nên đến hôm sau, chị T. nhờ con trai xử lý cập nhật lại, khi đăng nhập vào tài khoản thì chị phát hiện số tiền trong tài khoản đã bị mất.

Ngay sau khi phát hiện tài khoản bị “bốc hơi”, ngày 4-3, chị T. đã tới quầy giao dịch của ngân hàng để khiếu nại sự việc, yêu cầu tra soát giao dịch thì được biết tài khoản đã bị trừ hơn 24 triệu đồng. Chị T. khẳng định tại thời điểm tiền bị trừ trong tài khoản, chị không thực hiện giao dịch nào, không đưa thẻ ATM, không chia sẻ mã OTP cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Theo chứng từ ngân hàng cung cấp, tài khoản của chị bị trừ để trả tiền mua trò chơi điện tử và nhân viên ngân hàng hướng dẫn chị trình bày sự việc với cơ quan công an. Khi chị T. trình báo cơ quan công an thì được yêu cầu liên hệ với ngân hàng, vì cơ quan công an chỉ thụ lý vụ việc khi có dấu hiệu tội phạm.

Cũng theo chị T., chị có đăng ký dịch vụ SMS Banking (nhắn thông tin giao dịch qua điện thoại ngay khi vừa thực hiện giao dịch), thế nhưng chỉ nhận được tin nhắn một chiều nhận, còn lúc tài khoản bị đánh cắp tiền thì không nhận được tin nhắn trừ tiền.

“Khi tôi phản ánh vụ việc với ngân hàng thì thấy có vài người gặp trường hợp mất tiền tương tự. Do số tiền không lớn và nghĩ rất khó có thể lấy lại, còn mất thời gian đi lại nên mọi người đành ra về trong ấm ức. Thế nhưng, nếu ai cũng nghĩ vậy thì sẽ để lọt tội phạm. Do đó, tôi đang làm đơn đề nghị phía ngân hàng và cơ quan chức năng xác định chính xác nguyên nhân từ đâu mà bị trừ tiền” - chị T. nói.

Để tránh bị lừa đảo mất tiền oan, các ngân hàng lưu ý, chủ tài khoản tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật như: tên đăng nhập, mã OTP, số thẻ, mã CVV, mật khẩu tài khoản, mã mở khóa eToken qua các đường dẫn (link), tin nhắn, chat, cuộc gọi chưa được xác thực trong bất kỳ trường hợp nào. Không nhấn vào các liên kết gửi qua tin nhắn và mạng xã hội từ nguồn tin chưa xác thực, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc, không nhập tài khoản đăng nhập, mật khẩu và mã xác thực vào các trang website lạ.

* Xử lý thế nào?

Cuối năm 2023, chị N.T.T. (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) gặp trường hợp tương tự khi bỗng dưng bị trừ gần 20 triệu đồng trong tài khoản mặc dù chị không thực hiện bất cứ giao dịch nào. Qua tra soát với ngân hàng, chị được biết số tiền được chuyển vào những số tài khoản lạ. Trong khi tài khoản chị vốn chỉ để nhận lương và rút tiền mặt khi cần, ngoài ra hiếm khi phát sinh giao dịch nào khác.

Khi liên hệ ngân hàng nơi mở tài khoản, chị được ngân hàng trả lời bằng văn bản, giải thích là có khả năng chị bị kẻ gian dẫn dụ cài đặt các ứng dụng (app) có chứa mã độc, sau đó chiếm quyền kiểm soát thiết bị di động, chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng điện tử, từ đó chiếm đoạt tiền.

Cụ thể, sau khi chiếm quyền truy cập điện thoại, kẻ gian có thể sử dụng tính năng cuộc gọi, danh bạ, hình ảnh, tin nhắn, máy ảnh... để tương tác trên màn hình mà không cần tác động từ người chủ sở hữu thiết bị. Từ đó đánh cắp thông tin đăng nhập, truy vấn thông tin tài khoản ngân hàng, thực hiện từ xa các giao dịch chuyển tiền. Tin nhắn bị ẩn nên nạn nhân không hay biết tiền đã bị mất.

Thời gian gần đây, các ngân hàng đã đưa ra cảnh báo về hình thức lừa chiếm quyền điều khiển điện thoại đang nở rộ; đồng thời, khuyến nghị khách hàng không nhấn vào các liên kết gửi qua tin nhắn và mạng xã hội từ nguồn tin chưa xác thực, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc, không nhập tài khoản đăng nhập, mật khẩu và mã xác thực vào các website lạ.

Ngân hàng Thương mại CP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) lưu ý, nếu nghi ngờ thiết bị đã bị nhiễm mã độc, khách hàng nên ngắt kết nối wifi, dữ liệu di động trên thiết bị. Liên hệ ngay tới các kênh của ngân hàng để khóa các dịch vụ; đồng thời, tới cửa hàng dịch vụ điện thoại uy tín để đưa điện thoại về chế độ cài đặt gốc. Ngân hàng cũng chỉ ra nhiều dấu hiệu cảnh báo điện thoại bị chiếm quyền điều khiển như: máy mau hết pin và chạy chậm, xuất hiện ứng dụng lạ trên điện thoại.

Theo khuyến cáo từ Ngân hàng Quốc tế (VIB), các thông tin cá nhân bao gồm: căn cước công dân, số tài khoản, tên đăng nhập, mật khẩu mobile banking hoặc internet banking, mã OTP, số thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ… chỉ được sử dụng khi giao dịch tại chi nhánh/ATM ngân hàng hoặc trên ứng dụng online chính thức của ngân hàng. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cho người lạ, bao gồm cả nhân viên ngân hàng và không giao dịch trên các trang web/ứng dụng nghi vấn.

Kim Liễu

Tin xem nhiều