Báo Đồng Nai điện tử
En

Vì sao phải thu thập mống mắt khi làm căn cước?

08:12, 10/04/2024

Từ ngày 1-7, Luật Căn cước năm 2023 chính thức có hiệu lực, thay thế cho Luật Căn cước công dân năm 2014, với nhiều điểm mới đáng chú ý. Trong đó, mống mắt là thông tin người dân bắt buộc phải cung cấp khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước.

 
Mẫu thẻ căn cước sẽ được cấp cho công dân khi Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực. Ảnh: nguồn Bộ Công an
Mẫu thẻ căn cước sẽ được cấp cho công dân khi Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực. Ảnh: nguồn Bộ Công an

Nhiều người thắc mắc mống mắt là gì, vì sao được thu thập để làm căn cước và việc nhận diện qua mống mắt có đảm bảo an toàn dữ liệu, có bị rò rỉ, lộ, lọt hay không?          

* Những điểm mới của Luật Căn cước năm 2023

Đại tá Trần Ngọc Minh, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, cho biết Luật Căn cước năm 2023 có nhiều điểm mới đáng chú ý như: chứng minh nhân dân 9 số hết hiệu lực từ ngày 1-1-2025; bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ căn cước; mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước; cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi; bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; bổ sung quy định cấp căn cước điện tử; bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước; bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc học… 

Luật Căn cước năm 2023 quy định cơ sở dữ liệu căn cước bao gồm thông tin về nhân thân, nhân dạng, sinh trắc học và nghề nghiệp của công dân. Trong đó, thông tin sinh trắc học gồm: ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN và giọng nói. Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói chỉ thu nhận khi người dân tự nguyện cung cấp.

Việc thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Mống mắt là thông tin người dân bắt buộc phải cung cấp khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước. Việc thu nhận mống mắt được thực hiện bởi cơ quan công an, bằng các thiết bị chuyên dụng.

10 điểm mới của Luật Căn cước năm 2023. Ảnh: Công an huyện Cẩm Mỹ
10 điểm mới của Luật Căn cước năm 2023. Ảnh: Công an huyện Cẩm Mỹ

“Bộ Công an chuẩn bị về mặt hạ tầng, kỹ thuật để việc thu nhận dữ liệu ADN, mống mắt, giọng nói tương đồng với quy chuẩn quốc tế, đảm bảo bảo mật tuyệt đối. Dữ liệu được thu thập tại các địa điểm do công an địa phương bố trí, trên các thiết bị đã được các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an kiểm tra nên đảm bảo tính bảo mật tuyệt đối, không để lộ lọt thông tin” - đại tá Trần Ngọc Minh cho biết.

* Mống mắt là gì, vì sao phải thu thập?

Theo đại tá Trần Ngọc Minh, bên cạnh việc thu thập vân tay, Luật Căn cước năm 2023 đã bổ sung quy định thu thập thông tin về mống mắt trong cơ sở dữ liệu căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay (người khuyết tật, vân tay bị biến dạng…).

Trưởng khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thúy Hoa cho biết, mống mắt là tròng đen của mắt. Đây là một cấu trúc mỏng, hình tròn nằm trong mắt, có công dụng điều chỉnh đường kính và kích cỡ của đồng tử, từ đó giúp điều hòa lượng ánh sáng vào mắt.

Mống mắt có các lớp mạch sợi có sắc tố ở phía trước và lớp tế bào biểu mô chứa sắc tố ở phía dưới. Nếu nhìn dưới kính hiển vi, mống mắt có các sợi, các hốc, các thớ cơ, sắp xếp hoàn toàn khác nhau, tương tự như dấu vân tay. Mống mắt của con người gần như không thay đổi trong suốt cuộc đời của mỗi người. Cấu trúc các đường vân trên mống mắt rất phức tạp, gồm những đường sóng uốn lượn từ trong ra ngoài. Những đường sóng này tạo thành một cấu trúc riêng biệt, được xem là duy nhất, kể cả anh chị em sinh đôi cũng không giống nhau.

Do mống mắt ở mỗi người hoàn toàn khác nhau và không thay đổi theo tuổi tác, thời gian (trừ khi người đó gặp phải các chấn thương mắt, xuất huyết nội nhãn, phù viêm do viêm màng bồ đào, viêm mống mắt...) nên việc lấy mống mắt được thu thập làm dữ liệu căn cước (cũng như vân tay); mống mắt hoàn toàn có thể được xem là dấu hiệu đặc trưng để xác định một cá nhân cụ thể.

Kim Liễu

Tin xem nhiều