Xem clip Nông dân “cắn răng” chặt bỏ sầu riêng vì “chết khát” trích dẫn trên Facebook Báo Đồng Nai (ngày 26-4), nhiều bạn đọc (BĐ) không khỏi xót xa khi thấy những cây sầu riêng trĩu quả khô héo, buộc người trồng sầu riêng ở xã Phú An (huyện Tân Phú) phải chặt bỏ…
Một số bình luận của bạn đọc bên dưới clip Nông dân “cắn răng” chặt bỏ sầu riêng vì “chết khát” trích dẫn trên Facebook Báo Đồng Nai. Ảnh chụp màn hình |
Dù clip đã đăng gần 2 tuần nhưng vẫn tiếp tục nhận được phản hồi từ BĐ với hơn 4 ngàn lượt chia sẻ, bày tỏ cảm xúc, bình luận trên Facebook Báo Đồng Nai. Bên cạnh những lời động viên, BĐ Báo Đồng Nai đã chỉ ra nguyên nhân, đề xuất nhiều giải pháp giúp người nông dân chủ động nguồn nước để sản xuất bền vững.
Chia sẻ với người nông dân
Tài khoản Facebook Trần Minh Minh Trần than thở: “Lâu lắm rồi mới xảy ra tình trạng nắng chết cả cây trồng như năm nay, đặc biệt là cây lâu năm chịu đựng tốt”.
Nhìn những cây sầu riêng đang vào tuổi thu hoạch bị chết khô do thiếu nước tưới, nhiều BĐ không khỏi xót xa. “Đau lòng, bao nhiêu công sức, tiền của đã đổ vào đây. Thương người nông dân” - tài khoản Facebook Đoàn Thu Thảo viết.
“Tội cho người nông dân gặp phải thiên tai” - tài khoản Facebook Đào Đặng bình luận.
Theo tài khoản Facebook Heo Rừng Phan: “Trồng được một cây sầu riêng to lớn như vậy đâu có dễ dàng. Bao nhiêu công sức, mồ hôi, nước mắt, tiền bạc, phân thuốc cây mới lớn được như vậy…”.
“Cầu mong cho thời tiết mưa thuận gió hòa để cho nông dân bớt phần khó khăn” - tài khoản Facebook Trang Nguyên bình luận.
Tài khoản Facebook Phạm Phương Thúy nhận định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do: “Không có giải pháp từ đầu nên tới lúc hạn hán trở tay không kịp”.
Trong khi đó, tài khoản Facebook Trần Kim bình luận: “Trồng đại trà quá có nước cũng trồng, không có nước cũng trồng”. Tài khoản Facebook Đức Lương Tấn viết: “Hậu quả từ việc quy hoạch không bài bản, trong khi nước ngầm thì hụt, càng ngày càng nắng”.
Về lâu dài, để chống hạn hán, tài khoản Facebook Đông Đàm cho rằng: “Chỉ có phục hồi hệ sinh thái rừng thì mới giữ được nước bền vững”. Còn tài khoản Facebook Chi Rươi bình luận: “Tập trung trồng rừng và bảo vệ rừng đi. Tự nhiên khí hậu thay đổi”.
Chủ động nguồn nước
Tài khoản Facebook Phong Thiên Vương viết: “Thường thì trước khi trồng sầu riêng thì phải khoan giếng, có nước mới trồng”. Còn tài khoản Facebook Vườn dâu tằm cho rằng, người nông dân nên: “Tính đường lâu dài. Cây trồng gì chẳng cần nước”. Tài khoản Trần Tiến viết: “Cả ngàn hécta mà không đắp đập, không lo chứa nước nên hạn cây chết là đúng rồi”.
Giải pháp để chủ động nguồn nước tưới cây được nhiều BĐ đề xuất là khoan giếng kết hợp tích trữ trong hồ lót bạt trên cạn. Hình thức này được áp dụng nhiều, đây được xem là giải pháp tối ưu để giải quyết thiếu nước vào mùa khô, nhất là khu vực xa nguồn nước và công trình thủy lợi.
Cây sầu riêng bị chết khô do thiếu nước. Ảnh: Huyền Lê |
“Đào ao sâu, mùa mưa đến trữ nước để có đủ nước tưới” - tài khoản Facebook Huyên Lê khuyên.
Cùng ý kiến, tài khoản Facebook Nguyễn Hà bình luận: “Bỏ tiền đầu tư, người ta nên làm 2/3 diện tích thôi, phần còn lại đào ao trải bạt tích nước mùa mưa, vậy mới lâu dài được”.
Để nước dự trữ không bị hao hụt do bốc hơn trong mùa nắng, tài khoản Facebook Điện Nguyễn cho rằng: “Ao giữ nước phải nuôi bèo, lục bình, để tránh bị bốc hơi nước do nắng nóng”. “Nên trồng cỏ để giữ ẩm mùa khô” - tài khoản Facebook Hery Ly viết.
Bên cạnh các phương án trên, một số BĐ cho rằng, cơ quan chức năng cần vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Nên sử dụng các phương pháp canh tác ít bốc hơi nước, tưới tiết kiệm, tưới nhỏ giọt... Đây được xem là giải pháp chủ động phòng, chống hạn quan trọng.
Ngoài ra, để chủ động bổ sung thêm nguồn nước tưới cây trồng trong trường hợp hạn hán xảy ra, người nông dân phải biết cách khai thác hiệu quả các nguồn nước từ sông, suối tự nhiên, ao, hồ và hệ thống nước ngầm trên địa bàn để phục vụ phát triển sản xuất…
Kim Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin