Trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ bạo hành, xâm hại trẻ em, trong đó có một số em bị xâm hại tình dục, bạo lực gia đình, thậm chí bị giết. Qua đó cho thấy nạn bạo hành trẻ em diễn biến khá phức tạp.
Theo các ngành chức năng, tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn còn xảy ra trên địa bàn tỉnh còn do một số bậc phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến con cái, nhận thức về bảo vệ con còn hạn chế, nhất là đối với các bé gái. Trên internet vẫn tồn tại các trang web đen nên khiến trẻ tò mò muốn xem, bắt chước, làm theo. Đồng thời, các em thiếu hiểu biết, có quan hệ yêu đương sớm dẫn đến tỷ lệ “giao cấu với trẻ em” ngày càng tăng. Do cha mẹ đi làm ăn xa, để con cái ở nhà với ông bà, còn sự chủ quan trong trông nom trẻ, thiếu giám sát trẻ. Cán bộ làm công tác trẻ em ở các xã, phường, thị trấn có sự thay đổi nhiều, kiêm nhiệm, chưa chủ động nghiên cứu các văn bản, chính sách về công tác trẻ em; công tác tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác trẻ em ở các ấp, khu phố tại một số địa phương chưa được chú trọng, quan tâm.
Đa phần nạn nhân của các vụ xâm hại, bạo hành thuộc các gia đình sinh sống ở vùng nông thôn, có hoàn cảnh đặc biệt (cha mẹ đi làm ăn xa), mối quan hệ phức tạp (cha/mẹ kế, người tình của cha/mẹ). Thủ phạm của các vụ việc đều là người thân, người quen của nạn nhân nên nạn nhân còn chủ quan, lơ là. Nạn nhân không có khả năng tự bảo vệ, kháng cự. Do đó, vấn đề rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ, nhất là trẻ trong những gia đình có mối quan hệ phức tạp là rất quan trọng.
Trước hết, trẻ rất cần sự quan tâm, dạy dỗ của cha/mẹ ruột, người thân của trẻ về cách nhận biết hành vi bạo hành, xâm hại; cách xử lý, liên hệ khi bị bạo hành, xâm hại. Cha/mẹ cần chú ý quan sát con xem có những biểu hiện gì bất thường để có sự can thiệp, hỗ trợ kịp thời; mạnh dạn tố cáo các hành vi bạo hành, xâm hại nếu phát hiện vi phạm.
Ngoài ra, ngành chức năng cần thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện quyền trẻ em; kiên quyết xử lý nghiêm các vụ việc xâm hại quyền trẻ em theo quy định để mang tính răn đe, giáo dục. |
Cha/mẹ cũng cần chú ý hướng dẫn trẻ kỹ năng bảo vệ mình trên không gian mạng; tránh “sập bẫy” các trang web đen; cảnh giác với người lạ trên mạng xã hội…
Về phía nhà trường, ngoài rèn luyện cho trẻ kỹ năng phòng ngừa bạo lực gia đình, xâm hại, còn chú trọng tuyên truyền về Luật Trẻ em năm 2016 giúp các em hiểu được quyền của mình để biết phản ánh những hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em.
Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ngoài tuyên truyền phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, cần tiếp tục duy trì, phổ biến các điểm cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tại cơ sở nhằm thực hiện công tác phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ tư vấn trực tiếp cho trẻ em, phụ huynh, người dân về thực hiện quyền trẻ em; công tác phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; các kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng ngừa ứng phó với bạo lực gia đình ngay từ cơ sở.
An An
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin